Chức năng, nhiệm vụ dàn trải, trùng lặp

Theo Quyết định 825/QĐ-TTg, “Hội đồng có chức năng tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối, kiểm tra, giám sát việc thực hiện liên kết vùng, phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu bao gồm cả phát triển vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL". Như vậy, Hội đồng Vùng ĐBSCL (hội đồng) là tổ chức tư vấn chính sách và tư vấn thực thi cho Thủ tướng trong liên kết, phát triển vùng ĐBSCL.

Nguồn: Chính phủ.vn
Nguồn: Chính phủ.vn

Phân tích cụ thể các quy định về mô hình này, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra một số điểm đáng lưu ý.

Chẳng hạn như thời hạn hoạt động của hội đồng chỉ 5 năm, 2020 - 2025, ngắn hơn nhiều so với thời hạn quy hoạch vùng ĐBSCL; lệch pha với quy trình xây dựng cơ chế, chính sách có liên quan ở Việt Nam. Vì vậy, gần như hội đồng không có gì làm trong một số nhiệm vụ như đề xuất nội dung phát triển vùng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của cả nước; kế hoạch đầu tư công trung hạn (2020 - 2025); danh mục các chương trình, dự án có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng, phương án huy động nguồn lực và phương án phân bổ vốn đầu tư đối với vùng ĐBSCL (2020 - 2025). Như vậy, có thể nói, hội đồng chưa có gì phải làm trong giai đoạn tồn tại của mình 2020 - 2025, vì những công việc mà hội đồng có nhiệm vụ tham mưu đã được thực thiện và quyết định trong thời gian trước đó.

Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách, danh mục dự án và các chương trình dự án đầu tư phải được đề xuất theo quy trình pháp lý phức tạp với nhiều công đoạn, thủ tục khác nhau qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác nhau từ thấp đến cao. Hiện nay, hội đồng chưa can dự vào quy trình đó, nên chưa có vai trò, vị trí và tiếng nói trong việc ra quyết định nói trên.

Đáng chú ý, tất cả các nhiệm vụ tham mưu của hội đồng cho Thủ tướng đều trùng lặp với chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành có liên quan. “Câu hỏi ở đây là hội đồng sẽ “giúp” Thủ tướng bằng cách nào, dưới hình thức và công cụ nào và chúng được quy định tại văn bản pháp luật nào…?” - TS Nguyễn Đình Cung đặt vấn đề. Nói cách khác, chưa có cơ sở pháp lý cho các hoạt động của hội đồng và các hoạt động của hội đồng là trùng lặp chồng chéo với các bộ, ngành. Từ đó, các hoạt động của hội đồng sẽ không có, hoặc có rất ít ảnh hưởng đến quyết định của Thủ tướng.

Bộ máy phân tán, cồng kềnh

Về cơ cấu tổ chức và bộ máy của hội đồng, hội đồng có rất nhiều thành viên, tuy nhiên khá phân tán. Tổ điều phối cấp bộ và cấp tỉnh, về thực chất là nhóm cán bộ giúp việc cho thành viên tương ứng của hội đồng, chứ không phải tổ điều phối. Còn văn phòng hội đồng đặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư về bản chất là tổ giúp việc cho thứ trưởng thành viên thường trực. Thứ trưởng này cùng với văn phòng là tổ giúp việc cho phó chủ tịch thường trực và chủ tịch hội đồng. Như vậy, trên thực tế, hội đồng không có văn phòng và bộ máy chung phục vụ cho hội đồng và từng thành viên hội đồng.

Hội đồng có 29 thành viên, do 1 phó thủ tướng làm chủ tịch với hàng chục bộ, thứ trưởng và 13 chủ tịch tỉnh tham gia nhưng chỉ có vai trò tham gia ý kiến cho các bộ chủ trì soạn thảo. Hội đồng hoạt động theo nguyên tắc tập thể, chủ yếu thông qua các cuộc họp. Tuy vậy, không có quy định về yêu cầu tối thiểu phải có đối với các cuộc họp của hội đồng.

Tuy hoạt động theo nguyên tắc tập thể, nhưng công việc được phân công cho các thành viên, nhất là thành viên thường trực, lại phân mảng theo ngành và có nhiều vấn đề cần được làm rõ. Ví dụ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan trong vai Phó chủ tịch giúp Chủ tịch chủ trì điều phối “các hoạt động sản xuất nông nghiệp, các hoạt động đầu tư các công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng” sẽ khác gì so với vai trò Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn?; cũng tương tự như vậy đối với lĩnh vực tài nguyên môi trường và giao thông vận tải. Ngoài ra lại không có các hoạt động phối hợp của hội đồng trong các lĩnh vực khác như lao động, giáo dục và đào tạo, văn hóa và du lịch...

Liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long: "Hai có, ba không"

Theo chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp, liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện đang trong tình trạng “hai có, ba không”. Cái có thứ nhất là quan điểm, chủ trương chính sách về liên kết vùng đã rất đầy đủ, rất “đẹp”. Cái có thứ hai là có quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, là vùng đầu tiên của các nước có quy hoạch tích hợp theo Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, ba thứ không có là không rõ chủ thể vùng là ai, ai thực thi quy hoạch này. Thứ hai là không có tiền, Luật Ngân sách nhà nước có hai cấp là trung ương và địa phương, chứ không có cấp vùng. Cái không thứ ba là không lực lượng chuyên trách để thực hiện.

Một vấn đề nữa chưa rõ là hội đồng là cơ quan tư vấn cho Thủ tướng, nhưng lại thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước trong giải quyết các vấn đề liên vùng, liên ngành. Vậy vấn đề liên vùng và liên ngành cần hội đồng phối hợp giải quyết là những vấn đề gì? Nguồn lực nào để thực hiện? Văn bản chính sách hay chỉ đạo của hội đồng trong trường hợp này là loại văn bản nào, hiệu lực pháp lý ra sao?

"Với những hạn chế trên, không khó hiểu khi hơn hai năm qua, hội đồng không có hoạt động nào và cũng chưa hình thành trên thực tế" - TS Nguyễn Đình Cung cho biết.

Nhìn lại quá trình phát triển thời gian qua, vấn đề liên kết vùng ĐBSCL đã được nhìn ra và bàn luận từ rất lâu nhưng vẫn chưa có bước chuyển biến đáng kể. Việc thiếu một mô hình đột phá, khả thi, hiệu quả là một nguyên nhân chủ yếu thu hẹp không gian phát triển vùng, hạn chế các vùng, địa phương liên quan phát huy hết tiềm năng và lợi thế của mình để phát triển. Chính vì vậy, tìm kiếm một mô hình điều phối vùng tốt hơn, hiệu lực hơn là yêu cầu hết sức cần thiết để thúc đẩy sự liên kết, phối hợp, tạo động lực, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương hiện nay.