Đòn bẩy pháp lý và chuyển đổi số: Mở đường cho thị trường carbon phát triển bền vững
CEO Lưu Thị Thanh Mẫu (ngoài cùng bên phải), Tổng giám đốc Phuc Khang Corporation chia sẻ quan điểm

Đây là một trong số các khuyến nghị chuyên sâu và có giá trị được các chuyên gia hàng đầu đưa ra tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Thị trường carbon: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam”, tổ chức vào ngày 10/5/2025. Sự kiện có sự tham dự của nhiều học giả, chuyên gia trong nước và quốc tế đến từ Liên hợp quốc, Nga, Hoa Kỳ, Canada, EU, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Australia… cùng hơn 20 cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong nước.

Hành lang pháp lý đang hình thành - Bệ đỡ cho thị trường carbon Việt Nam

Trọng tâm của hội thảo tập trung vào việc đề xuất, khuyến nghị để xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan. Bởi vì chỉ khi hoàn thiện hành lang pháp lý, thị trường carbon mới thực sự trở thành công cụ pháp lý – kinh tế hiệu quả, góp phần thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam vào năm 2050.

Tham luận của nhóm tác giả đến từ Đại học James Cook (Australia) và Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh nêu rõ, là một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức trong việc thiết kế một khuôn khổ pháp lý hiệu quả phù hợp với các cam kết quốc tế của mình, đồng thời đảm bảo tăng trưởng kinh tế và tính bền vững của môi trường.

Về cơ bản, Việt Nam đã từng bước thiết lập nền tảng pháp lý cho thị trường carbon với các văn bản pháp luật như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 24/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam; Nghị định số 06/2022/NĐ-CP… Tuy nhiên, để thị trường carbon vận hành hiệu quả và thực chất, khung pháp lý cần tiếp tục được hoàn thiện, tập trung vào các giải pháp cụ thể.

Theo CEO Lưu Thị Thanh Mẫu, việc hoàn thiện pháp luật về thị trường carbon không chỉ giúp kiểm soát phát thải, mà còn mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư xanh và doanh nghiệp tiên phong đầu tư vào các dự án giảm phát thải đạt chuẩn.

Đòn bẩy pháp lý và chuyển đổi số: Mở đường cho thị trường carbon phát triển bền vững
TS. Meng TU - Trường Đại học Công nghệ Trùng Khánh

Chuyển đổi số, động lực thúc đẩy thị trường carbon

Chia sẻ tại hội thảo, TS. Meng TU (Trường Đại học Công nghệ Trùng Khánh) và TS. Võ Nguyên Hoàng Phúc (Viện Sở hữu trí tuệ, Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo - Giảng viên Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, các chính sách pháp lý trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) cùng với các công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) và chuỗi khối (blockchain) có thể tác động đến môi trường thông qua việc hỗ trợ thị trường carbon và bảo vệ môi trường.

Nhóm tác giả đến từ Đại học James Cook, Australia và Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cũng nhận định, khuôn khổ pháp lý của Việt Nam phải cân bằng giữa các phương pháp tiếp cận, tích hợp các yếu tố đảm bảo cả hiệu quả về môi trường và khả thi về mặt kinh tế.

Một trong những khuyến nghị đáng chú ý là thiết lập cơ chế chứng nhận, đăng ký và lưu trữ tín chỉ carbon trên hệ thống dữ liệu quốc gia. Điều này không chỉ giúp đảm bảo tính xác thực của thông tin, mà còn góp phần giảm thiểu rủi ro về quyền sở hữu, tạo điều kiện cho các giao dịch minh bạch, an toàn và hiệu quả.

“Áp dụng các giải pháp số hoá và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tín chỉ carbon, nhằm giảm chi phí kiểm định, xác minh thông tin và giao dịch trực tuyến. Phát triển các sàn giao dịch điện tử riêng hoặc tích hợp tín chỉ carbon vào các sàn giao dịch hiện có, tạo ra thị trường thanh khoản, cạnh tranh". CEO Lưu Thị Thanh Mẫu nói.

Hội thảo quốc tế lần này là bước đi quan trọng trong việc tổng hợp trí tuệ học thuật, kinh nghiệm quốc tế và tiếng nói từ các nhà quản lý doanh nghiệp. Từ đó, góp phần hình thành nền tảng vững chắc cho thị trường carbon Việt Nam. Công cuộc hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 vừa là trách nhiệm môi trường, nghĩa vụ quốc gia, vừa là cơ hội đầu tư bền vững, giàu tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng xanh.