“Ổn định tâm lý”

“Ổn định tâm lý” là cụm từ được nhắc đến trong tất cả các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về các diễn biến gần đây trên thị trường tài chính. Trong một chỉ đạo vào ngày 20/4, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động thực hiện ngay các biện pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thị trường tài chính, tiền tệ. Cơ quan chức năng thực hiện ngay việc công bố và cung cấp thông tin chính thức, trung thực về vụ việc và tình hình, triển vọng phát triển kinh tế - xã hội đất nước cho các cơ quan báo chí và nhà đầu tư để nhà đầu tư tin tưởng, yên tâm tiếp tục thực hiện các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh theo quy định pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, ngày 4/4/2022.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, ngày 4/4/2022.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các cơ quan: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, chỉ đạo các cơ quan báo chí đưa tin trung thực, chính xác, rõ ràng về vụ việc để ổn định tâm lý nhà đầu tư; kiểm soát chặt chẽ các thông tin không chính thống trên các mạng xã hội.

Cho đến nay, liên quan đến các diễn biến trên thị trường tài chính, đã có ít nhất 3 công điện của Thủ tướng được ban hành, trong đó, có công điện được ban hành ngay trong ngày nghỉ lễ (Công điện số 311/CĐ-TTg ngày 11/4/2022) trong khi trước đó chỉ 4 ngày, ngày 7/4/2022, Thủ tướng cũng đã vừa ra công điện.

Nguồn: TTXVN.
Nguồn: TTXVN

Để ổn định tâm lý, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã bắt khẩn cấp “hot facebooker” Đặng Như Quỳnh - nhân vật được coi là có sự ảnh hưởng nhất định đến cộng đồng mạng xã hội, để điều tra về hành vi đăng tải các bài viết, thông tin chưa được kiểm chứng về một số cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bất động sản, trực tiếp xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức đó, có dấu hiệu tác động ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính, chứng khoán của Nhà nước.

Những hồi chuông riết róng

Chiến dịch “quăng lưới” vây bắt các tội phạm trên thị trường chứng khoán vẫn đang tiếp tục, với việc ngày 20/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch Công ty Louis Holdings Đỗ Thành Nhân, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Trí Việt Đỗ Đức Nam với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán, thu lợi hàng trăm tỷ đồng.

Trước đó 3 tuần, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng hai em gái ruột là Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huệ; Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC Hương Trần Kiều Dung; Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán BOS Nguyễn Quỳnh Anh… lần lượt bị bắt. Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị bắt tối 5/4, với một trong những tội danh là phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá hơn 10.000 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu…

Vẫn vì một màu xanh

Thị trường chứng khoán thường được xem là phong vũ biểu của nền kinh tế, nó phản ánh khá nhanh nhạy sức khỏe của nền kinh tế và nhìn vào đây có thể thấy được một cách chính xác triển vọng nền kinh tế cho giai đoạn từ 6 tháng đến 12 tháng sắp tới. Chẳng hạn, giá chứng khoán tăng sẽ cho thấy một nền kinh tế phát triển, ở chiều ngược lại, giá này giảm là “điềm báo” không lành. Thậm chí lịch sử kinh tế cũng đã từng ghi nhận sự sụp đổ của thị trường chứng khoán dẫn đến cuộc đại khủng hoảng kinh tế.

Nếu như ở “thời chiến” với đại dịch Covid-19, phải dồn sức phấn đấu đưa cả nước thành “vùng xanh” thì lúc này, ở thời “hậu chiến” là dồn sức phấn đấu đưa thị trường chứng khoán xanh ổn định trở lại. Nhiều đại biểu Quốc hội và nhiều chuyên gia đều nhận định trong tình thế cả nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp đều đang “ốm yếu” bởi đại dịch, nếu phản ứng của Chính phủ không dứt khoát, không mạnh mẽ, không rõ ràng, sẽ khó mà ngăn chặn xu thế kích phát tiêu cực của thị trường, kích thích các suy đoán và tâm lý bất ổn trong xã hội.

Trong bối cảnh như vậy, theo bình luận của PGS.TS Trần Đình Thiên, các công điện khẩn của Thủ tướng cho thấy cách tiếp cận vấn đề kiên quyết, làm rõ tình thế, làm rõ trách nhiệm trong chỉ đạo phối hợp hành động. Các công điện cũng nêu rõ thông điệp: bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả lành mạnh, minh bạch; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật; xử lý vụ việc đúng người, đúng tội, không tạo tình thế "tát nước theo mưa" gây tổn hại cho doanh nghiệp và làm bất ổn môi trường kinh doanh.

Thị trường chứng khoán những ngày qua luôn trong trạng thái “rực lửa” theo cùng các cung bậc cảm xúc hoang mang, chán nản của nhiều nhà đầu tư. Mới đây thôi, năm 2021, bất chấp sắc thái u ám bao phủ lên nền kinh tế vì đại dịch Covid-19, đây vẫn là khu vực “rực sáng”, chinh phục đỉnh cao, dồi dào lợi nhuận và tới tấp các dự báo đưa ra rằng năm 2022, cùng với sự sôi động của quá trình phục hồi lúc “hậu chiến”, chứng khoán năm con Hổ còn thêm bội phần mãnh lực, cải thiện tốt hơn năm 2021 cả về cung và cầu.

Giờ đây, tình hình ngược lại mọi dự báo. Thủ tướng liên tiếp phải ra công điện bởi những diễn biến quá nóng ở thị trường chứng khoán. Các công điện như những hồi chuông riết róng cảnh báo cho tất cả doanh nghiệp tham gia ở “sân chơi” này.

Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng và nhiệm vụ được giao yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp phát hành và các thành viên của thị trường chủ động, công bố thông tin theo đúng quy định, không để xảy ra các vi phạm về công bố thông tin gây ảnh hưởng đến tâm lý thị trường; trường hợp phát hiện công bố thông tin không rõ ràng, không chính xác thì yêu cầu cải chính và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật…

Có vững chân bước?

Vào tháng 4 năm ngoái, lúc dịch bệnh mới chớm xuất hiện trở lại ở tỉnh Hà Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hối hả ra các công điện đốc thúc phải nhanh chóng dập dịch. Trong những ngày của kỳ nghỉ lễ 30/4/2021, Thủ tướng liên tục chủ trì các cuộc họp khẩn cấp của Thường trực Chính phủ, kêu gọi tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra; kêu gọi toàn thể nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài hãy vì lợi ích của mỗi cá nhân, cộng đồng và của quốc gia, dân tộc tự giác thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của các cấp có thẩm quyền về phòng, chống khắc phục hậu quả của dịch Covid-19…

Và năm 2021 đi qua với những đau thương mất mát chưa từng có trong gần 5 thập kỷ qua. Sau tròn một năm, sự xuất hiện của các công điện Thủ tướng lại dồn dập, lần này là để đốc thúc cho quá trình phục hồi kinh tế, là để đảm bảo cho ổn định thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp... Nền kinh tế có đứng lên phục hồi mạnh mẽ được hay không vẫn còn phải chờ ở chặng đường phía trước có vững chân bước. Dù vậy, ngay từ lúc này, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 13/4/2022, GS. Klaus Schwab - Chủ tịch sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), khẳng định Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội to lớn để phát triển mạnh mẽ, là điểm đến được được các doanh nghiệp toàn cầu, đặc biệt các thành viên của WEF đánh giá cao.