Năm 2015, sẽ thanh tra nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn
Năm 2015, Thanh tra Chính phủ tập trung thanh tra lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó thanh tra một số lĩnh vực nhạy cảm hay xảy ra vi phạm, tham nhũng như: Đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư về ngân sách, quản lý nhà nước trong công tác thẩm định, phê duyệt, quy hoạch xây dựng.…   Ông Huỳnh Phong Tranh

* Xin ông cho biết một vài đánh giá về công tác thanh tra năm 2014?

- Năm 2014 mặc dù có nhiều khó khăn nhưng ngành thanh tra đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Điểm lại chúng tôi đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Cụ thể, công tác thanh tra đạt được nhiều kết quả quan trọng, đã thực hiện các kết luận thanh tra, kiến nghị thu hồi sau thanh tra trên 51 nghìn tỷ đồng, đặc biệt, công tác khiếu nại, tố cáo đạt kết quả cao, xử lý các vụ việc tồn đọng kéo dài đạt 95%.

Về phòng, chống tham nhũng đã thực hiện công tác phòng ngừa và kịp thời phát hiện nhiều vụ việc tham nhũng. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 63 vụ, 77 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 15,5 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 13,8 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 27 vụ, 25 đối tượng.

Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan nhà nước phát hiện 30 vụ, 31 người có hành vi liên quan đến tham nhũng. Qua công tác tự kiểm tra nội bộ, các cơ quan nhà nước đã phát hiện 41 vụ, 72 người có hành vi liên quan đến tham nhũng.

Về thực hiện công ước Liên Hiệp quốc về phòng chống tham nhũng, Việt Nam được đánh giá là thành viên tích cực trong quá trình thực hiện công ước.

Bên cạnh đó, ngành Thanh tra đã thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong thời gian vừa qua, nhất là trong công tác cán bộ; tổ chức điều hành trong công tác thanh tra đã đổi mới từ xây dựng kế hoạch đến thực hiện công việc sát sao hơn. Có tổ chức sơ kết hàng tháng, họp báo hàng quý và đi kiểm tra địa phương để tạo sự đồng thuận, phối hợp chặt trong thực hiện nhiệm vụ.

Trong năm 2015, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra một số cơ quan bộ, ngành, tập đoàn kinh tế, địa phương, như: Tập đoàn Dệt may, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Ngân hàng Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hải quan, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo… cùng với gần 20 địa phương như Hà Nội, Hưng Yên, Nghệ An, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Tiền Giang

Những con số trong tổng kết hôm nay là nhờ sự tập trung, đồng thuận cao trong ngành. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra ở một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức nên tỷ lệ thu hồi tài sản, đất đai còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu phấn đấu.

* Như ông nói, năm 2014 con số thu hồi tài sản, đất đai còn thấp. Ông có thể nói rõ hơn về nội dung này?

- Ngành thanh tra đã có nhiều cố gắng trong việc xử lý sau thanh tra về thu hồi tài sản, năm 2014 đã tăng so với năm trước. Cụ thể, năm 2013 thu hồi tài sản đạt khoảng 66%, năm 2014 đạt 69%. Đặc biệt là vấn đề đất đai, năm 2013 là 20%, năm 2014 tăng trên 90%.

Đây là con số cao hơn so với năm trước, nhưng đánh giá đúng thực chất chúng tôi cũng chưa thỏa mãn với kết quả này. Mục tiêu ngành thanh tra là xử lý sau thanh tra phải đạt hiệu quả thật cao, tỷ lệ phải là 80 - 90%. Như vậy hiệu quả pháp luật mới cao.

* Phải chăng chế tài xử lý sau thanh tra chưa đủ mạnh nên hiệu quả chưa cao?

- Đúng, chế tài xử lý sau thanh tra chưa đủ mạnh, vì vậy, sau kết luận thanh tra việc thực hiện còn nhiều điểm chưa được đồng thuận trong đối tượng thanh tra, cơ quan có trách nhiệm cũng như ngành thanh tra; năng lực của đội ngũ cán bộ thanh tra chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của đối tượng thanh tra chưa được cao, khi đã kết luận đúng rồi, đối tượng thanh tra thường viện nhiều lý do để chậm thực hiện kết luận thanh tra…

Đây là những lý do khiến kết quả xử lý sau thanh tra chưa đạt được theo yêu cầu mong muốn của ngành thanh tra.

* Vậy để khắc phục vấn đề này, thời gian tới cần những giải pháp gì, thưa ông?

- Để khắc phục vấn đề này thời gian tới Thanh tra Chính phủ sẽ xây dựng Nghị định trình Chính phủ để có chế tài đủ mạnh xử lý sau thanh tra; tăng cường trách nhiệm và nâng cao chất lượng thanh tra để đảm bảo thực hiện kết luận thanh tra hiệu quả.

Nâng cao ý thức của đối tượng thanh tra, khi có kết luật phải chấp hành đúng theo quy định, có như vậy, việc thực hiện kết luận thanh tra mới mang lại hiệu quả...

* Được biết, năm 2014, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra một số tập đoàn, tổng công ty, năm 2015 có tiếp tục không, thưa ông?

- Năm 2015, Thanh tra Chính phủ tập trung thanh tra các lĩnh vực được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Cụ thể, tập trung thanh tra lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó thanh tra một số lĩnh vực nhạy cảm hay xảy ra vi phạm, tham nhũng như: Đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư về ngân sách, quản lý nhà nước trong công tác thẩm định, phê duyệt, quy hoạch xây dựng.…

Vừa qua, thanh tra Tập đoàn, Tổng công ty thấy rằng các đơn vị này có nhiều ưu điểm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đóng góp vào ngân sách nhà nước… Tuy nhiên, qua công tác thanh tra cũng nhận thấy còn nhiều sai phạm cần chấn chỉnh. Năm 2015, Chính phủ cho phép, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục thanh tra một số tập đoàn, tổng công ty để chấn chỉnh quản trị doanh nghiệp, sử dụng vốn của nhà nước đầu tư ngoài ngành tràn lan...

* Xin cảm ơn ông!

Hồng Chi (ghi)