PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình thị trường giá cả nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và thế giới từ đầu năm đến nay?

Ông Nguyễn Đức Dũng: Tôi cho rằng năm 2023 là một năm đầy biến động với thị trường nông sản thế giới và tác động không nhỏ đến giá cả các mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Hiện nay, hầu hết giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi quan trọng như: ngô, khô đậu tương, lúa mì đều sụt giảm từ 15-30% so với giai đoạn đầu năm.

Năm 2024, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước dự báo diễn biến khó lường

Đầu tháng 10/2023, nhiều doanh nghiệp chế biến và kinh doanh thức ăn chăn nuôi thông báo giảm giá. Đây là lần giảm giá thứ 5 liên tiếp trong năm nay của mặt hàng này, giúp giảm bớt gánh nặng cho người chăn nuôi. Ảnh: TL.

Cụ thể về mặt hàng ngô, đây là một mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi của nước ta. Cuối tháng 11 vừa qua, giá ngô Mỹ đã giảm 45% xuống còn 450 cent/giạ (177 USD/tấn) từ mức đỉnh 810 cent/giạ (318 USD/tấn) được thiết lập vào tháng 4/2022.

Điều đáng nói, nằm trong xu hướng đi xuống nhưng giá vẫn có các đợt tăng mạnh bất ngờ. Nổi bật như ngày 17/7, khi Nga thông báo rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc cho phép Ukraine vận chuyển nông sản qua các cảng ở biển Đen, giá ngô đã nhảy vọt lên 20% nhưng sau đó cũng nhanh chóng đảo chiều quay trở lại vùng giá ban đầu trong vòng chỉ một tháng.

Theo tôi được biết, giá nhập khẩu nhiều mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều giảm. Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Hải quan Việt Nam cho thấy, giá ngô nhập khẩu trung bình 11 tháng đầu năm nay ở mức khoảng 301 USD/tấn, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước; giá đậu tương nhập khẩu cũng giảm 8,9%, đạt 633,5 USD/tấn; giá lúa mì thấp hơn gần 11,4%, ở mức trung bình là 342 USD/tấn.

Cho nên, ngay đầu tháng 10, nhiều doanh nghiệp chế biến và kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng đã thông báo giảm giá. Đây là lần giảm giá thứ 5 liên tiếp trong năm nay của mặt hàng này, giúp giảm bớt gánh nặng cho người chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi heo khi giá bán heo hơi liên tục giảm.

PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến giá mặt hàng này tăng, giảm trong những tháng qua?

Ông Nguyễn Đức Dũng: Như tôi đã đánh giá ở trên, giá cả trên thị trường nông sản thế giới biến động hết sức khó lường trong năm nay, có thời điểm giá tăng rất mạnh, nhưng cũng có những giai đoạn giá lao dốc. Điều này cho thấy, giá các mặt hàng nông sản chịu ảnh hưởng đa chiều của nhiều yếu tố. Trong đó, tôi cho rằng địa chính trị, chính sách vĩ mô của các nước và thời tiết là 3 yếu tố tác động mạnh mẽ nhất đến đồ thị giá.

Năm 2024, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước dự báo diễn biến khó lường
Ông Nguyễn Đức Dũng

Đầu tiên, yếu tố địa chính trị tuy không gây nhiều bất ngờ do căng thẳng giữa các quốc gia vốn đã âm ỉ từ lâu, nhưng lại có tác động mạnh nhất tới thị trường hàng hóa. Vào đầu năm 2022, chúng ta đã chứng kiến cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, năm nay lại là Israel - Hamas ở Trung Đông. Các cuộc xung đột này đã gây gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu và thị trường phải đối mặt với các cú sốc lớn về giá.

Thứ hai là sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế thế giới mới chỉ bước vào giai đoạn hồi phục trở lại trong năm nay nhưng nhìn chung đà hồi phục của nhiều quốc gia vẫn còn tương đối chậm, đặc biệt là Trung Quốc.

Bên cạnh vị thế là nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu, Trung Quốc còn là quốc gia nhập khẩu đậu tương và ngô hàng đầu trên thế giới. Với lợi nhuận của ngành chăn nuôi chưa thể trở lại mức trước đại dịch, nhu cầu nhập khẩu đậu tương và ngô của Trung Quốc vẫn còn thấp. Điều này đã dẫn đến xu hướng giảm mạnh của giá ngô trong thời gian qua.

Cuối cùng, tôi muốn đề cập đến biến đổi khí hậu. El Nino đã chính thức trở lại trong năm 2023, làm gia tăng mối lo ngại về thời tiết cực đoan và các kỷ lục nhiệt độ cao hơn. Khu vực Nam Mỹ là minh chứng rõ nhất cho những xáo trộn mà hiện tượng này gây ra.

Trong khi Argentina nhận được lượng mưa khá dồi dào, thì Brazil lại đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán bất thường, đặc biệt là ở những khu vực sản xuất nông nghiệp trọng điểm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng đậu tương của quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới và đẩy giá tăng lên trong những tuần cuối cùng của năm 2023.

PV: Sang năm 2024, dự báo giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và thế giới sẽ biến động ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Dũng: Trong bối cảnh tình hình toàn cầu liên tục biến động như hiện nay, tôi cho rằng giá nông sản thế giới nói chung cũng như giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ở nước ta nói riêng sẽ có nhiều diễn biến khó lường hơn trong năm tới. Chúng ta cần theo dõi sát sao mọi chuyển biến của nguồn cung nông sản toàn cầu để có thể nhận định kịp thời và chính xác xu hướng giá.

Trước mắt là diễn biến mùa vụ ở khu vực Nam Mỹ, nhất là tại Brazil và Argentina - hai thị trường cung cấp đậu tương và ngô lớn nhất cho nước ta trong nhiều năm qua. Hiện nay, mùa vụ ở Nam Mỹ đang trong giai đoạn gieo trồng và phát triển, dự kiến sẽ được thu hoạch vào đầu năm tới. Nếu như thời tiết ở khu vực này diễn biến bất lợi ảnh hưởng đến tiềm năng sản xuất, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của nước ta có thể tăng trở lại và tiếp tục duy trì ở mức cao như trong 3 năm qua.

Giai đoạn giữa và cuối năm 2024 cũng là lúc vụ đậu tương của Mỹ được gieo trồng và thu hoạch. Do đó, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ở nước ta cũng sẽ phần nào chịu sự chi phối bởi tình hình sản xuất đậu tương ở Mỹ.

Ngoài ra, tôi cho rằng thị trường cũng cần thận trọng trước mọi diễn biến của nền kinh tế vĩ mô toàn cầu, nhất là sự hồi phục kinh tế của Trung Quốc và các chính sách vĩ mô của Mỹ.

PV: Xin cảm ơn ông!

Giá nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi 11 tháng giảm so với cùng kỳ

Theo Tổng cục Hải quan, giá ngô nhập khẩu trung bình 11 tháng đầu năm nay ở mức khoảng 301 USD/tấn, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước; giá đậu tương nhập khẩu cũng giảm 8,9%, đạt 633,5 USD/tấn; giá lúa mì cũng thấp hơn gần 11,4%, ở mức trung bình là 342 USD/tấn.