10

Thi công Dự án hầm đường bộ qua đèo Cả.

Ngân hàng không ủng hộ

Các doanh nghiệp xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) cho rằng, những dự án BOT đã và đang được đầu tư hiện nay trên cả nước đều có chung đặc thù là tổng vốn đầu tư rất lớn, tỷ trọng vốn vay cao, nên chi phí lãi vay trong các các năm đầu khi dự án mới đưa vào vận hành rất cao. Đặc điểm nữa là doanh thu các năm đầu thường cũng rất thấp và tăng dần vào các năm sau (do tăng trưởng lưu lượng xe, tăng giá vé theo lộ trình,…).

Bên cạnh đó, chi phí lãi vay phát sinh kể từ khi dự án hoàn thành, đưa vào hoạt động thực chất là chi phí cho suốt thời gian hoàn vốn của dự án (thường là 10 – 15 năm đối với các dự án giao thông). Cho nên, quan điểm của Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho rằng cách tính chi phí lãi vay như hiện nay là không phù hợp.

Tuy nhiên, quan điểm trên chỉ là góc nhìn của các doanh nghiệp BOT, trong khi đó, phía ngân hàng lại có góc nhìn hoàn toàn khác. Trao đổi với phóng viên TBTCVN mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, đề xuất của VARSI là không khả thi, nếu làm như vậy sẽ tạo ra rất nhiều rắc rối trong thực tế.

Ông Hùng cho biết, nếu việc xác định chi phí lãi vay biến động thay đổi liên tục theo tăng giảm doanh thu của doanh nghiệp BOT thì việc theo dõi khoản vay của các ngân hàng sẽ trở nên rất rắc rối. Đại diện các ngân hàng cũng cho rằng, ngành Ngân hàng cũng rất chia sẻ những khó khăn hiện tại của doanh nghiệp BOT, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh và giãn cách xã hội hiện nay, doanh thu của các doanh nghiệp sụt giảm, trong khi vẫn phải gánh chi phí lãi vay lớn. Tuy nhiên, ngân hàng cũng đã có các chính sách chung về giãn nợ, giảm phí, giảm lãi suất… cho các doanh nghiệp khó khăn do Covid-19. Do đó, các doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ được ngân hàng hỗ trợ theo chính sách chung hiện nay.

Khó về kỹ thuật hạch toán

Hiện nay, việc tính toán chi phí lãi vay theo doanh thu có thể hiểu theo 2 cách hiểu khác nhau. Thứ nhất trong quan hệ giữa doanh nghiệp với ngân hàng, tính lãi vay theo doanh thu có thể hiểu là tùy thuộc vào doanh thu thực tế để doanh nghiệp trả lãi cho ngân hàng. Với cách hiểu này thì ở góc độ ngân hàng, như theo phân tích trên của ông Hùng, việc theo dõi khoản vay trở nên quá phức tạp. Chưa kể về tâm lý chung, các ngân hàng cũng không muốn tự đẩy mình vào thế “đếm cua trong lỗ”, vì tiền họ cho doanh nghiệp vay thì họ phải thu đủ tỷ lệ lãi suất theo giá trị khoản vay, chứ họ không thể ngồi chờ doanh nghiệp.

Ngoài ra, một cách hiểu khác về phân bổ lãi vay theo doanh thu là về kỹ thuật hạch toán. Theo đó, phần lãi suất doanh nghiệp vẫn trả đủ cho ngân hàng, nhưng khi hạch toán thì chi phí lãi vay đã trả đó chỉ phân bổ 1 phần tùy theo quy mô doanh thu trong kỳ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cách hiểu này theo quan điểm của chuyên gia tài chính kế toán cũng sẽ gây khá nhiều rắc rối. Đặc biệt, câu hỏi đương nhiên sẽ nảy sinh là: Phần chi phí còn lại doanh nghiệp sẽ phân bổ vào đâu?

Thực tế trong một số trường hợp, chi phí đi vay có thể phân bổ vào giá trị tài sản đầu tư. Theo chuẩn mực kế toán số 16, chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang có thể được tính vào giá trị của tài sản đó nếu đủ điều kiện (được vốn hoá). Cụ thể, các dự án BOT khi còn đang trong giai đoạn xây dựng (chưa đưa vào khai thác), doanh nghiệp có thể phân bổ chi phí lãi vay vào giá trị của công trình, nhưng từ khi bắt đầu đi vào khai thác thì phần chi phí đó sẽ phải tính vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ. Theo đó, doanh nghiệp BOT hay bị thua lỗ nặng chính bắt đầu từ thời điểm dự án BOT đi vào khai thác giai đoạn đầu.

Tuy nhiên, những đặc điểm nêu trên là tính chất ngành nghề của doanh nghiệp và không phải chỉ doanh nghiệp BOT có đặc điểm đó, mà một số lĩnh vực khác cũng có tính chất tương tự.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC cho biết, một ví dụ điển hình khác là doanh nghiệp thủy điện cũng có tính chất rất giống doanh nghiệp BOT, giá trị đầu tư của họ cũng rất lớn và chi phí lãi vay thời gian đầu cũng rất cao. Tuy nhiên theo ông Tùng, khi dự án đã đi vào hoạt động, việc hạch toán chi phí lãi vay vào chi phí kinh doanh trong kỳ là cách làm phù hợp thông lệ quốc tế. “Do đó, nếu thực hiện theo đề xuất của VARSI sẽ rất rắc rối trong nghiệp vụ kế toán” - ông Tùng bình luận.

Chuẩn mực kế toán số 16 quy định cách ghi nhận chi phí đi vay


Chi phí đi vay phải ghi nhận vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ khi phát sinh, trừ khi được vốn hóa.
Chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang được tính vào giá trị của tài sản đó (được vốn hóa) khi có đủ điều kiện.
Các chi phí đi vay được vốn hoá khi doanh nghiệp chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai do sử dụng tài sản đó và chi phí đi vay có thể xác định được một cách đáng tin cậy.

Chí Tín