dau tu cong

Ảnh minh họa. (Nguồn: gtvt.com.vn)

Do hệ thống pháp luật quản lý đầu tư công chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, thiếu các chế tài và biện pháp quản lý, giám sát, nên đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế; đầu tư còn dàn trải, phân tán, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra từng năm, hiệu quả đầu tư kém. Đặc biệt, tình trạng thi công vượt quá vốn kế hoạch được giao, gây nợ đọng xây dựng cơ bản quá mức, gây áp lực lớn đến cân đối NSNN các cấp.

Ngoài ra, việc quản lý đầu tư công hiện nay được quy định rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau làm ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động này. Do vậy, việc ban hành Luật Đầu tư công là rất cần thiết nhằm tăng cường quản lý sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước.

Quy định rõ trách nhiệm các chủ thể

Một trong những điểm nhấn nổi bật của dự thảo Luật là quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tất cả các khâu liên quan đến quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

Theo đó, dự thảo Luật quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, HĐND, UBND các cấp trong quản lý nhà nước về đầu tư công.

Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến đề xuất, quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt chương trình, dự án; theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công. Cũng như quy định rõ trách nhiệm và các chế tài xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân, cũng như người đứng đầu các tổ chức, cơ quan có liên quan đến quản lý đầu tư công.

Quy trình hóa chủ trương đầu tư

Theo đánh giá của Ban soạn thảo, thực tế quản lý đầu tư công trong thời gian qua cho thấy lãng phí, thất thoát có nhiều nguyên nhân khác nhau, như: Do buông lỏng quản lý, đầu tư dàn trải, tham nhũng, bớt xén trong thi công,... nhưng lãng phí lớn nhất là do chủ trương đầu tư không đúng, không hiệu quả.

Vì vậy, dự thảo đã dành toàn bộ Chương II để chế định các nội dung, quy trình, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả của các dự án đầu tư công, trên cơ sở xem xét quyết định đầu tư có căn cứ khoa học hơn.

Về thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn, hiện nay nhiều bộ, ngành và địa phương chưa coi trọng công tác này hoặc chỉ làm hời hợt, chiếu lệ. Từ đó quyết định các chương trình, dự án với quy mô lớn gấp nhiều lần khả năng cân đối vốn của ngành mình, cấp mình, cũng như vượt quá khả năng bổ sung, hỗ trợ của ngân sách cấp trên.

Do vậy, dự thảo bổ sung quy định về thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn nhằm hạn chế và đi tới chấm dứt việc quyết định chương trình, dự án vượt quá khả năng bố trí vốn, khắc phục tình trạng bố trí dàn trải, kéo dài và gây nợ đọng xây dựng cơ bản lớn như hiện nay.

Đổi mới công tác xây dựng kế hoạch

Để ngăn chặn đầu tư dàn trải, dự thảo cũng đổi mới một cách căn bản, tạo ra sự thay đổi về chất đối với công tác lập kế hoạch đầu tư bằng việc chuyển từ việc lập kế hoạch ngắn hạn, hàng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, đây là điểm đổi mới rất quan trọng trong quản lý đầu tư công và phù hợp thông lệ quốc tế.

Với việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn sẽ vừa bảo đảm các cân đối kinh tế lớn trong phạm vi cả nước, vừa tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương biết cấp mình, cơ quan mình có bao nhiêu vốn trong kế hoạch 5 năm tới, để có quyết định chủ trương đầu tư đúng đắn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, quy định này đã tạo ra sự công khai, minh bạch, hạn chế tiêu cực, tham nhũng trong phân bổ nguồn lực của Nhà nước.

Hệ thống hóa pháp luật

Mặt khác để hệ thống hóa các quy định liên quan đến đầu tư, Chính phủ cũng làm rõ mối quan hệ giữa dự thảo luật với hàng loạt văn bản luật pháp khác như: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Quản lý nợ công, Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... không để chồng chéo giữa Luật Đầu tư công với các luật này.

Được biết, cùng với việc trình dự thảo Luật Đầu tư công, Bộ KHĐT đã xây dựng 4 dự thảo kèm theo bao gồm: Nghị định đầu tư trung hạn; Nghị định về kiểm tra, thanh tra, quản lý dự án đầu tư; Nghị định về quản lý vốn đầu tư phát triển qua vốn ODA và vốn vay nước ngoài; Nghị định về mô hình đối tác công tư PPP trong xây dựng cơ sở hạ tầng.

Theo VGP