Nộp ngân sách trên 12.200 tỷ đồng qua thanh tra, kiểm tra

Thông tin về tình hình triển khai công tác thanh tra, kiểm tra thuế năm 2023, bà Tô Kim Phượng - Phó Cục trưởng Cục Thanh tra - Kiểm tra (Tổng cục Thuế) cho biết, trong năm, Cục Thanh tra - Kiểm tra (TTKT) đã chủ động tham mưu với Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành cập nhật các quy định mới tại Luật Thanh tra số 11/2022/QH15; phân bổ nguồn lực để tăng cường tiến độ các cuộc TTKT; đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu nhiệm vụ TTKT thuế phù hợp khả năng thực hiện, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

Công tác TTKT đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Bà Tô Kim Phượng cho biết, tính đến ngày 14/12/2023, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 66.241 cuộc TTKT tại trụ sở người nộp thuế (NNT); kiểm tra được 628.288 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua TTKT là 61.583 tỷ đồng, trong đó, số thuế tăng thu qua TTKT là 16.136 tỷ đồng; giảm khấu trừ 2.137 tỷ đồng; giảm lỗ 43.309 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế đã nộp vào ngân sách nhà nước là 12.234 tỷ đồng.

Ngành Thuế triển khai cao điểm chống thất thu thuế dịp tết
Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Phương Anh

Bà Tô Kim Phượng cho biết thêm, năm 2023, toàn ngành đã tiến hành TTKT được 892 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết. Qua đó, cơ quan thuế các cấp truy thu, truy hoàn và phạt trên 1.974 tỷ đồng; giảm lỗ trên 18.116 tỷ đồng; giảm khấu trừ trên 127 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 7.290 tỷ đồng. Trong đó, TTKT xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết đã truy thu 640 tỷ đồng, giảm lỗ 12.086 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 4.647,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong năm 2023, Cục TTKT đã triển khai nhiều giải pháp phát hiện kịp thời các sai phạm về hóa đơn và kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) thông qua TTKT. Theo đó, Cục TTKT đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo, trả lời vướng mắc trong công tác hoàn thuế GTGT cho các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản; xử lý hoàn thuế GTGT với mặt hàng tinh bột sắn...

Kết quả, trong 11 tháng năm 2023, 63 cục thuế đã thực hiện TTKT sau hoàn thuế với 7.275 quyết định hoàn, tương ứng với số tiền hoàn là 45.757 tỷ đồng, tổng số thuế truy hoàn và phạt là 324 tỷ đồng. Cục TTKT đã hướng dẫn toàn ngành thực hiện các chuyên đề rủi ro về hóa đơn. Kết quả trong 11 tháng năm 2023 đã phát hiện 20.092 hóa đơn vi phạm, với tổng giá trị ghi trên hóa đơn là 3.821 tỷ đồng và tiền thuế là 154 tỷ đồng. Cơ quan thuế đã xử phạt đối với các trường hợp vi phạm về hóa đơn với tổng số tiền là 241 tỷ đồng.

Phối hợp đấu tranh với sản xuất, kinh doanh hàng giả

Giao nhiệm vụ cho Cục TTKT trong năm 2024, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng yêu cầu Cục TTKT cập nhật thường xuyên kế hoạch của các địa phương để có chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp; tiếp tục chủ động tham mưu với Tổng cục Thuế triển khai kế hoạch TTKT năm 2024. Việc triển khai TTKT tại đơn vị phải đảm bảo đúng quy định, quy trình; công chức phải thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ; quá trình làm việc cần sự phối hợp tích cực, hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp (DN), tránh những phản ứng không tốt làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của ngành Thuế.

Cùng với đó, Phó Tổng cục trưởng Vũ Chí Hùng lưu ý đến Cục TTKT thời gian tới, cần nâng cao chất lượng công tác tham mưu chỉ đạo toàn ngành, đặc biệt là công tác quản lý rủi ro trong TTKT hoàn thuế, giám sát hóa đơn điện tử; thường xuyên rà soát, cập nhật các hướng dẫn, chỉ đạo của Tổng cục Thuế để tạo thuận lợi cho công tác thực thi của các cục thuế.

Đặc biệt hơn, để chống thất thu thuế, Tổng cục Thuế vừa yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ, cục thuế địa phương thực hiện nghiêm việc đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính.

Ngành Thuế triển khai cao điểm chống thất thu thuế dịp tết
Cơ quan chức năng kiểm tra nguồn gốc hàng hóa tại một siêu thị. Ảnh: TL

Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu toàn ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế; công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới trên các tuyến biên giới, vùng biển, địa bàn nội địa, cảng hàng không quốc tế; công tác quản lý thuế đối với các hộ, cá nhân kinh doanh tại các khu vực chợ đầu mối tại thành phố lớn để ngăn chặn tình trạng sử dụng hoá đơn để hợp thức hoá hàng nhập lậu, đặc biệt tại các tỉnh, địa bàn trọng điểm như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nghệ An, Tây Ninh, Đà Nẵng, Quảng Trị...

Ông Cáp Quý Phúc - Cục trưởng Cục TTKT cho biết, trong thời gian tới cục sẽ phối hợp với Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân đổi mới công tác TTKT, triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu ngân sách, xử lý nghiêm các vi phạm về hoá đơn. Cục TTKT sẽ bám sát các cơ quan Chính phủ tham gia xây dựng nghị định hướng dẫn thanh tra chuyên ngành. Cục TTKT cũng tập trung báo cáo, hoàn thiện hồ sơ sửa đổi bổ sung Nghị định 132/2020/NĐ-CP theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, thực hiện tốt các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ.

Tăng cường quản lý thuế một số mặt hàng trọng điểm, thiết yếu

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tăng cường quản lý thuế đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán hàng tiêu dùng để kịp thời phát hiện và cung cấp thông tin, phối hợp với các cơ quan chức năng khác để xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt lưu ý đối với một số mặt hàng trọng điểm, thiết yếu, phục vụ tiêu dùng dịp tết như: xăng dầu, thực phẩm chức năng, dược phẩm, vật tư y tế, điện tử, vàng, ngoại tệ, thuốc lá, đường cát, bánh kẹo...