Xuất khẩu dệt may và đồ gỗ đang "ấm" dần lên

Là một trong những ngành thuộc top 2 ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam và đứng thứ 3 về xuất khẩu dệt may thế giới. Năm 2022, ngành dệt may đã xuất khẩu hơn 44 tỷ USD. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng văn phòng Hiệp hội Dệt may Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh (Vitas), chưa bao giờ ngành dệt may lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, do thị trường quốc tế giảm tiêu dùng cho quần áo may mặc. Giá nguyên liệu tăng… Cũng theo bà Mai, doanh nghiệp hiện tại đang lệ thuộc vải nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan.

Các chuyên gia cho rằng, toàn thế giới chuyển sang xu thế phát triển bền vững nên những cam kết về môi trường, lao động rất khắt nghiệt, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư nhưng giá trị đơn hàng không tăng.

VITAS dự đoán kịch bản tốt nhất cho năm nay là kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 44 - 45 tỷ USD, kịch bản tốt hơn là 45 - 47 tỷ USD. Đến hết 10 tháng, xuất khẩu toàn ngành ước đạt 33 tỷ USD, còn âm khoảng 12,45% so với cùng kỳ 2022.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (Hawa), đến cuối năm nay, tăng trưởng vẫn giảm so với năm ngoái và chưa thể có đột phá lớn. Đến tháng 10/2023, ngành gỗ xuất khẩu khoảng 10,8 tỷ USD, giảm gần 20% so với cùng kỳ. Nhưng ngành này đã có tín hiệu tốt là từ tháng 7 đến nay. Các tháng sau đều tăng nhanh hơn tháng trước và tháng 10 năm nay đã chạm mốc cùng kỳ, cho thấy tín hiệu tốt.

Ngành bán lẻ tiêu dùng đã có sự vực dậy

Với thị trường bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP. Hồ Chí Minh (Sài Gòn Co.op), nhận định từ tháng 7/2023, lần đầu tiên tiêu dùng nội địa đạt mức bằng trước dịch. Điều đó cho thấy, nhu cầu tiêu dùng đã có sự vực dậy nhất định. Giai đoạn 2019-2020, bán lẻ hiện đại đóng góp 24% thị phần bán lẻ, trong dịch còn 16 - 18% và đến nay đã quay lại 24%.

Tuy nhiên, một trong những yếu tố tác động làm thay đổi thị trường theo ông Đức, tỷ lệ đóng góp của khối nội ngày càng giảm, chỉ khoảng 40%, nghĩa là có sự lệ thuộc vào khối ngoại khá lớn.

Nhiều ngành hàng kinh tế đang nỗ lực chống chịu trước vô vàn khó khăn
Bán lẻ hàng hóa tại siêu thị. Ảnh: Sơn Nam

Ông Nguyễn Anh Đức đưa ra nhận định, đối với các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại, có 4 xu hướng doanh nghiệp đang tự vận động để thích ứng với thị trường. Cơ cấu nguồn hàng hóa đầu vào đang có sự dịch chuyển, hàng ngoại thâm nhập thị trường mạnh mẽ.

“Lần đầu tiên, trong 9 tháng chúng tôi tiếp hơn 60 đoàn của các tổ chức, cơ quan ngoại giao… để giới thiệu, mở đường cho sản phẩm nước ngoài vào phân phối ở thị trường Việt Nam. Một số doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn ở đầu ra cũng quay lại thị trường trong nước” - ông Đức cho hay.

Theo nhận định của TS. Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, hiện nay tình hình kinh tế còn khó khăn, có thể kéo dài đến năm 2024. Tuy nhiên, kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi.

TS. Trần Du Lịch nhận định, nhìn tổng thể, khó khăn nhiều hơn nhưng trong bối cảnh chung của quốc tế thì Việt Nam có nhiều điểm tích cực. Đó là nỗ lực chống chịu của doanh nghiệp trong lĩnh vực, nỗ lực lớn của Chính phủ ban hành hàng loạt chính sách, giải pháp tập trung cho 2024, 2025.

TS. Trần Du Lịch cho rằng, cần tận dụng tốt cơ hội khi doanh nghiệp còn sức lực chống chịu, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản phải gỡ vì có liên quan đến các ngành nghề khác.

“Tháo gỡ bằng giải pháp cụ thể, những gì nghẽn vốn, đầu tư công thì phải tháo gỡ. Thứ 2, tiếp tục giảm lãi suất, tập trung gỡ gói tín dụng. Theo đó, yêu cầu hiện nay theo thời đại là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển đổi xanh, nếu không thì sẽ mất thời cơ, cơ hội” - TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh./.

Đúc kết 9 nhóm giải pháp lớn từ đây đến hết 2023, 2024 và tầm nhìn đến 2025 cho tăng trưởng kinh tế, TS. Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, nhấn mạnh việc tháo gỡ điểm nghẽn về vốn, cơ chế chính sách để khơi thông nguồn vốn luân chuyển cho doanh nghiệp tiếp nhận và phát triển. Tiếp đó là tập trung xây dựng hành lang pháp lý về chuyển đổi xanh, đây là xu hướng tất yếu; tăng cường xuất khẩu, mở mới thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm; tiếp tục kích cầu tiêu dùng nội địa, giảm 2% thuế giá trị gia tăng cần làm mạnh hơn nữa…