Chẳng hạn, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) góp ý dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) cho biết, nhiều báo cáo đã đề cập các vướng mắc khi thực hiện quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội (về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng). Tuy nhiên, các vấn đề này chưa được đề cập để sửa đổi, bổ sung và giải quyết tại dự thảo.

Nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo sửa đổi Luật các Tổ chức tín dụng
Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện các lộ trình xây dựng Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ảnh: T.L
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Xây dựng bảng giá đất hàng năm sẽ khó khả thi Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam lấy ý kiến về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không tiếp thu ý kiến này và cho biết, trong quá trình xây dựng chính sách, NHNN đã phối hợp với các tổ chức tín dụng, VAMC trong nghiên cứu, xem xét, đánh giá tính phù hợp, cần thiết của đề xuất các chính sách. Trên cơ sở đó, NHNN cân nhắc không đề xuất luật hóa một số chính sách tại Nghị quyết 42.

Trong phần ý kiến của mình, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đưa ra đề xuất, những ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn và có mạng lưới phủ khắp 63 tỉnh/thành có thể có các hình thức mở rộng mạng lưới đa dạng theo chiến lược tài chính quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. NHNN cũng không tiếp thu ý kiến này vì cho rằng, việc mở rộng mạng lưới không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật các Tổ chức tín dụng.

Một ngân hàng khác là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đề xuất NHNN xem xét bổ sung quy định đối với các cơ quan công an, UBND cấp xã cần có quy định chế tài mạnh hơn, như việc có thể tham gia cưỡng chế thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng khi có yêu cầu từ các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ban soạn thảo dự thảo luật, việc vay và đi vay là quan hệ dân sự giữa bên vay và bên cho vay. Việc đề xuất áp dụng các chế tài cưỡng chế thu giữ tài sản khi chưa có bản án, quyết định của tòa án là việc hành chính hóa các quan hệ dân sự. Do đó, NHNN cho rằng chưa có cơ sở để tiếp thu nội dung này.

Một số nội dung vẫn được tiếp thu hoặc tiếp thu một phần

Ngoài các nội dung không được tiếp thu, ban soạn thảo cũng có tiếp thu hoặc tiếp thu một phần đối với một số nội dung.

Chẳng hạn như, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) kiến nghị có quy định về các tình huống xử lý tài sản đảm bảo khi có sai khác giữa thực tế và giấy chứng nhận quyền sở hữu. NHNN cho biết sẽ nghiên cứu nội dung đề xuất này trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật.

Ngoài ra, kiến nghị của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) và Techcombank bổ sung một số quy định về việc tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ đại lý được NHNN tiếp thu một phần.