PV: Sau gần 20 năm hình thành và phát triển, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐ miền Trung - vùng) đã đạt được một số thành tựu phát triển nhất định. Tuy vậy, vùng chưa có nhiều nổi trội hơn so với các tiểu vùng khác, đóng góp vào quy mô chung của cả nước vẫn còn thấp, năng lực nội sinh còn yếu nên chưa thể hiện rõ vai trò là vùng kinh tế động lực. Theo ông, đâu là những khó khăn, hạn chế của vùng?

TS. Cấn Văn Lực
TS. Cấn Văn Lực

TS. Cấn Văn Lực: Có thể chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, GRDP/người, mật độ kinh tế và năng suất lao động thấp (dân số chiếm 6,7%, chỉ đóng góp 5,63% GDP cả nước, thấp hơn Vùng KTTĐ Bắc Bộ và Nam Bộ, GRDP/người năm 2022 đạt 81 triệu đồng, thấp hơn mức trung bình cả nước là 95,6 triệu đồng). Mật độ kinh tế thấp nhất trong các vùng KTTĐ. Năng suất lao động thấp hơn trung bình cả nước và thấp hơn Vùng KTTĐ phía Bắc và phía Nam...

Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, tính kết nối chưa cao. Du lịch, kinh tế biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng (sản phẩm, dịch vụ thiếu đa dạng, sức cạnh tranh thấp; thiếu dự án quy mô lớn; tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp còn thấp…).

Quy mô, năng lực doanh nghiệp còn nhỏ: Quy mô vốn/doanh nghiệp chỉ 10 tỷ đồng, thấp nhất trong các vùng, thấp hơn trung bình cả nước (13,8 tỷ đồng); vốn bình quân/1 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) là 11,3 triệu USD, thấp hơn bình quân chung cả nước (12,2 triệu USD). Cơ cấu thu ngân sách còn thiếu bền vững, phụ thuộc vào một số doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn. Nhiều khoản thu kém bền vững tăng mạnh (thu từ đất đai, thuế thu nhập từ đầu tư chứng khoán…).

Vai trò hạt nhân, đầu tàu, dẫn dắt của các địa phương chủ lực chưa rõ nét (chưa có địa phương nào thật sự phát huy vai trò “hạt nhân”, có sức lan tỏa toàn vùng). Một số chỉ tiêu về xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển mới (chất lượng lao động thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; công tác dân tộc, tôn giáo còn phức tạp…).

Phấn đấu đưa Đà Nẵng thành một trung tâm tài chính quốc tế.
Phấn đấu đưa Đà Nẵng thành một trung tâm tài chính quốc tế.

PV: Vậy theo ông, mục tiêu đặt ra với Vùng KTTĐ miền Trung là gì để xứng với tiềm năng, lợi thế cũng như mối tương quan chung với các vùng kinh tế trọng điểm khác của cả nước?

TS. Cấn Văn Lực: Định hướng phát triển Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (trong đó có Vùng KTTĐ miền Trung) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 được nêu rất rõ tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị. Trong đó có đặt mục tiêu: Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước bạn Lào.

Đồng thời, vùng là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường…

Ngoài ra, Nghị quyết (NQ) số 26-NQ/TW đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân của Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là 7 - 7,5%/năm (2021-2030); công nghiệp chế biến - chế tạo bằng 30% GDP; kinh tế số bằng 30% GDP; GRDP bình quân đầu người đạt 156 triệu đồng/người (hiện là 81 triệu đồng/người); thu ngân sách nhà nước bằng 20 - 25% cả nước (hiện là 7,23%); tỷ lệ đô thị hóa bằng 47 - 48%.

Tôi cho rằng đây chính là mục tiêu mà Vùng KTTĐ miền Trung cần hướng đến và phải đạt được để phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có.

PV: Như trên, ông có nhắc đến giải pháp đột phá. Theo ông, những giải pháp đó cụ thể ra sao để Vùng KTTĐ miền Trung thực sự phát triển nhanh, năng động, bền vững và thật sự "cất cánh"?

TS. Cấn Văn Lực: Để Vùng KTTĐ miền Trung thực sự "cất cánh", theo tôi, cần thực hiện hiệu quả 10 nhóm giải pháp chính, trong đó có một số giải pháp đột phá. Thứ nhất, cần phân lại, mở rộng Vùng KTTĐ Miền Trung (bổ sung thêm một số tỉnh Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có tiềm lực kinh tế mạnh; số lượng 7 - 9 tỉnh).

Thứ hai, xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển Vùng KTTĐ miền Trung, hay thế quy hoạch năm 2014; thống nhất với Quy hoạch phát triển Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung tầm nhìn 2045, như tại NQ 26/NQ-TW ngày 3/11/2022; phù hợp với quy hoạch từng tỉnh; hệ thống chỉ tiêu khoa học, phù hợp với thực tiễn trên cơ sở tư vấn của Hội đồng vùng.

Thứ ba, thể chế hoá cơ chế liên kết vùng, bao gồm địa vị pháp lý của Hội đồng vùng, vai trò của trung ương, tổ tư vấn, cơ chế dạng linh hoạt "agile"; hệ thống chỉ tiêu về liên kết vùng; liên kết về quy hoạch, cơ sở hạ tầng, phát triển công - nông nghiệp - dịch vụ, nguồn nhân lực, khoa học – công nghệ, giáo dục; liên kết nội vùng và với các vùng lân cận; cơ sở thông tin - dữ liệu...

Thứ tư, kinh tế biển cộng công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo cộng nông nghiệp sinh thái là động lực tăng trưởng; cân bằng 3 yếu tố: kinh tế - xã hội, văn hóa - môi trường; tiên phong tăng trưởng xanh.

Thứ năm, đẩy nhanh xây dựng, hoàn thiện cơ chế đặc thù (tạo nguồn thu để lại cho ngân sách địa phương, tỷ lệ điều tiết về trung ương; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa); thí điểm hình thức thu hút đầu tư, kinh doanh mới; tiếp tục tạo cơ chế và môi trường hấp dẫn thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân, quốc tế. Đồng thời, chú trọng hơn khâu thực thi, trong đó cần có sự phối kết hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng.

Thứ sáu, quan tâm xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế và gắn kết liên vùng (đồng bộ hệ thống đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy nội địa, phát triển hệ thống logistics kết nối thuận tiện với cảng biển, sân bay, hệ thống nhà xưởng, bến bãi thúc đẩy lưu thông, xuất khẩu...).

Thứ bảy, đẩy mạnh cơ cấu lại và tạo chuyển biến mạnh mẽ trong các ngành kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp (ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết theo chuỗi giá trị và có giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp – đại học/viện nghiên cứu; thị trường khoa học công nghệ).

Thứ tám, đa dạng các nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế Vùng (ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương, tư nhân, quốc tế, ODA, vốn vay ưu đãi, quỹ đầu tư mạo hiểm, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, các mô hình huy động vốn mới; thành lập Quỹ phát triển Vùng...).

Thứ chín, tạo đột phá về thu hút nhân lực chất lượng; cải cách thủ tục, bộ máy hành chính của mỗi địa phương, kết hợp với hoàn thiện cơ chế, chế tài điều phối Vùng hiệu quả.

Và cuối cùng, cần ưu tiên phát triển nguồn nhân lực có chất lượng; phát triển dịch vụ y tế, giáo dục, khoa học công nghệ chất lượng cao; tiến tới thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng với fintech làm nền tảng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đầu tư hiệu quả để phát triển kinh tế toàn vùng

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năng động, nhanh, bền vững và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phải là vùng động lực cho toàn vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ (trong đó, phấn đấu Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương; Phấn đấu Đà Nẵng thành lập trung tâm tài chính quốc tế; huyện đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi thành trung tâm du lịch biển đảo)…, như Nghị quyết số 26-NQ/TW đặt ra là khá thách thức trong bối cảnh hiện tại. Theo đó, để đạt được mục tiêu đã đề ra, cần thiết phải có thêm những nhóm giải pháp mang tính đột phá, hỗ trợ, đầu tư có hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.