Phiên họp giả định được tiến hành theo đúng quy trình, cách thức tổ chức như một phiên họp chính thức của Quốc hội. Theo đó, phiên họp được diễn ra với 2 phiên, bao gồm: phiên thảo luận tổ diễn ra vào ngày 9/9 và phiên toàn thể diễn ra vào ngày 10/9.

“Quốc hội trẻ em”: Thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội
Các đại biểu tham dự Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”
Với sự tham dự của 263 đại biểu thiếu nhi tiêu biểu toàn quốc, đây là mô hình hoạt động mới thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em phù hợp với tâm lý, khả năng của trẻ em, tạo điều kiện để trẻ em phát huy năng lực, kỹ năng trình bày ý kiến, quan điểm, nhận thức và tham gia vào quá trình ra quyết định về các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Tại Phiên họp giả định toàn thể, đại biểu trẻ em được đóng vai, giả định mình được là đại biểu Quốc hội tham gia Phiên họp của Quốc hội để thảo luận về 2 chủ đề: Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng và phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em.

Qua thảo luận tại Phiên họp giả định, các đại biểu Quốc hội trẻ em đã cho ý kiến, đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em, bảo vệ trẻ em như: tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật bảo vệ trẻ em an toàn trên không môi trường mạng, quy định rõ trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội. triển khai đồng bộ các chương trình, đề án, phối hợp chặt chẽ các cơ quan nhà nước, các gia đình, nhà trường và xã hội trong hoạt động chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em…

“Quốc hội trẻ em”: Thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội
Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em"

Cũng tại Phiên họp giả định, ngay sau khi kết thúc nội dung thảo luận và báo cáo giải trình tiếp thu của các bộ, ngành có liên quan, “Quốc hội trẻ em” đã tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I, năm 2023.

Đánh giá cao sự thành công của Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em", Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, trong thẩm quyền và trách nhiệm, cá nhân Phó Thủ tướng và các lãnh đạo, thành viên Chính phủ sẽ luôn hết sức lắng nghe, ghi nhận ý kiến của các em, đặc biệt là những vấn đề đã được quyết nghị trong Nghị quyết Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em để tiếp tục hoàn thiện, tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng, ban hành các kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực để chăm lo, bảo vệ, tạo môi trường cho hơn 15 triệu thiếu niên, nhi đồng Việt Nam phát triển ngày càng tốt đẹp, an toàn hơn.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng sẽ chú trọng xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa, an toàn ở trường học, các không gian công cộng, ở gia đình và cả trên môi trường Internet; có giải pháp để đẩy mạnh các thông tin tích cực, bổ ích, giúp trang bị kiến thức, kỹ năng, hun đúc tình yêu quê hương, đất nước, con người; ngăn chặn hiệu quả các thông tin xấu, độc, nội dung không phù hợp với lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng.

Đồng thời, tạo thêm nhiều kênh, diễn đàn để trẻ em được biểu đạt nguyện vọng, tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách có liên quan đến quyền và lợi ích của trẻ em đã được nêu trong Hiến pháp, pháp luật và các công ước quốc tế…

“Quốc hội trẻ em”: Thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Phiên họp giả định

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp giả định, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt cho trẻ em. Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam luôn đặt niềm tin và kỳ vọng vào thế hệ măng non, những chủ nhân tương lai của đất nước, kế tục sự nghiệp cách mạng của ông cha. Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.

Chia sẻ với các đại biểu Quốc hội trẻ em tại Phiên họp giả định, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ biểu dương thành tích, sự nỗ lực của các em, dù tuổi còn nhỏ nhưng đã chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu, thể hiện sự chững chạc, phong thái tự tin, có suy nghĩ chín chắn, sâu sắc khi đóng vai là những đại biểu Quốc hội, thậm chí lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ trong điều hành, thảo luận và có nhiều đề xuất, kiến nghị rất xác đáng để giải quyết những vấn đề của trẻ em.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn các đại biểu Quốc hội trẻ em tiếp tục phấn đấu, có hoài bão, ước mơ, sau này đóng góp thật nhiều cho sự phát triển của đất nước. Đồng thời, bày tỏ hy vọng trong số các đại biểu Quốc hội trẻ tham dự chương trình sẽ có nhiều cháu khi trưởng thành, qua quá trình rèn luyện, phấn đấu sẽ nhận được sự tín nhiệm của nhân dân, trở thành đại biểu Quốc hội thực sự.

Theo Chủ tịch Quốc hội, mô hình phiên họp Quốc hội giả định nhằm thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em, hướng cho trẻ em trở thành những công dân có trách nhiệm với đất nước. Các ý kiến thảo luận tại Phiên họp giả định, và đặc biệt là Nghị quyết của phiên họp giả định cũng là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ và các ban, ngành, đoàn thể nghiên cứu, tiếp thu, có sự chuẩn bị tốt hơn trong quá trình ban hành các chính sách pháp luật về các vấn đề có liên quan tới trẻ em.