Thủ tướng đích thân là Trưởng ban chỉ đạo

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 213/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Ban chỉ đạo do Thủ tướng Phạm Minh Chính đích thân làm Trưởng ban, các phó trưởng ban gồm: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái (Phó Trưởng ban thường trực) và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng.

Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng gắn với hành trình phát triển kinh tế quốc gia
Các ngân hàng đều có thanh khoản ổn định.

Ban chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai các giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn liền với xử lý nợ xấu theo các mục tiêu, định hướng nêu tại Quyết định 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn liền với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025 và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Với việc được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng trong nước đã được củng cố rõ rệt. Đặc biệt trong giai đoạn cuối quý I/2023, hệ thống ngân hàng toàn cầu “chao đảo” bởi sự cố phá sản các ngân hàng tại Mỹ, cũng như việc ngân hàng thứ hai Thụy Sỹ là Credite Suisse bị mua lại, thanh khoản hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn rất ổn định. Lãi suất bình quân thị trường liên ngân hàng thời điểm đến cuối tháng 3/2023 có lúc giảm rất thấp, chỉ còn 0,9% với kỳ hạn qua đêm.

Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN cho biết, bối cảnh thanh khoản của các ngân hàng trong nước ổn định đã là một trong những yếu tố để NHNN chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ. Trong đó, NHNN đã linh hoạt đi trước xu hướng của thế giới bằng việc thực hiện 2 đợt giảm lãi suất điều hành trong tháng 3/2023, qua đó đưa mặt bằng lãi suất giảm xuống hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Hiện thực hóa các yêu cầu đề ra

Với vai trò là Trưởng ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thể hiện sự quan tâm, sâu sát trong việc chỉ đạo ngành Ngân hàng thực hiện các giải pháp phát triển toàn ngành cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Tại buổi trao danh hiệu Anh hùng Lao động cho Ngân hàng Vietcombank, Thủ tướng đã có những ý kiến phát biểu chỉ đạo, trong đó, nội dung trọng tâm trong các chỉ đạo của Thủ tướng không chỉ cho hoạt động của Vietcombank mà cho hoạt động chung của toàn ngành Ngân hàng.

Cụ thể, Thủ tướng đã nêu ra 6 nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Ngân hàng cần thực hiện, một trong số đó là đẩy mạnh cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu; nâng cao năng lực tài chính, quản trị và chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Tái cơ cấu gắn liền với xử lý nợ xấu

Mục tiêu tổng quát trong Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn liền với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 là: Tạo bước chuyển rõ rệt, thực chất trong cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; phấn đấu đến năm 2025 giảm số lượng các tổ chức tín dụng, xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém, không để phát sinh những ngân hàng yếu kém mới, hệ thống các tổ chức tín dụng lành mạnh và phát triển bền vững.

Phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng theo hướng các tổ chức tín dụng trong nước đóng vai trò chủ lực, hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch, đáp ứng các chuẩn mực về an toàn hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật và tiệm cận với thông lệ quốc tế, hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN.

Đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; nâng cao năng lực tài chính của tổ chức tín dụng; ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng có liên quan.

Thực tế, các yêu cầu tại Quyết định 689 và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng cũng đang được NHNN và các cơ quan liên quan từng bước thực hiện, một trong những công việc đáng quan tâm đang triển khai là việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng.

Trong đó, quan điểm cơ bản trong xây dựng luật là hoàn thiện khung pháp luật về xử lý nợ xấu, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; bảo đảm các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả, ổn định và bền vững...

Ngoài ra, NHNN hiện cũng đang xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 3/1/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam. Đây được coi là một trong những giải pháp để nâng cao năng lực tài chính, quản trị điều hành của tổ chức tín dụng Việt Nam thông qua việc khuyến khích hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Vai trò tái cấu trúc trong việc xây dựng văn bản này còn được thể hiện ở kế hoạch nâng tỷ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc vượt 30%, nhưng không vượt quá 49%.

Theo thông tin từ NHNN, hiện có 4 ngân hàng thương mại sẽ nhận chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém. Trong đó có 2 ngân hàng nhận chuyển giao có đề xuất được nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 49%.

Các ngân hàng dành nguồn lực để giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong những tháng đầu năm 2023 vẫn tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án 689.

Đến nay, các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ thống các tổ chức tín dụng; trong đó tham gia hỗ trợ, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và dành nguồn lực để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng vay gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Đặc biệt, Luật Các tổ chức tín dụng cũng đang trong giai đoạn sửa đổi cũng là một trong những yếu tố mở ra nhiều kỳ vọng sẽ tạo ra một nền tảng pháp lý mạnh, trong đó, nhiều quy định trong Nghị quyết 42 dự kiến sẽ được luật hóa trong lần sửa đổi Luật này sẽ giúp các ngân hàng thuận lợi hơn trong việc thực hiện các biện pháp xử lý nợ xấu trong thời gian tới.

Trong nội dung chỉ đạo đối với ngành Ngân hàng, Thủ tướng cũng có những chỉ đạo riêng với các tổ chức tín dụng. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các tổ chức tín dụng trong nước đóng vai trò chủ lực; hoạt động minh bạch, cạnh tranh, an toàn, hiệu quả bền vững; cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình; dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, phù hợp với chuẩn mực hoạt động theo thông lệ quốc tế, hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.

Ngoài ra, Thủ tướng đặt ra yêu cầu các ngân hàng cần năng động, sáng tạo để thích ứng với quá trình tự do hóa và toàn cầu hóa; đáp ứng nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng ngày càng gia tăng của nền kinh tế, tiến tới tài chính toàn diện vào năm 2030, bảo đảm mọi người dân và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận đầy đủ, thuận tiện các dịch vụ tài chính, ngân hàng có chất lượng, đóng góp tích cực cho phát triển bền vững.

Đồng thời, một trong những giải pháp thời gian tới mà người đứng đầu Chính phủ đặt ra với ngành Ngân hàng là phải tăng cường hơn nữa sự hợp tác với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế, các ngân hàng nước ngoài, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả.