Thành lập khu thương mại tự do là yêu cầu tất yếu

Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày, khu thương mại tự do được đề xuất phát triển tại Hải Phòng là khu vực có ranh giới địa lý xác định, do Quốc hội quyết định thành lập, được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt, đột phá, có mô hình quản lý được tổ chức phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, mục tiêu phát triển của Khu thương mại tự do theo quy định của Nghị quyết này và pháp luật có liên quan. Khu thương mại tự do được tổ chức thành các khu chức năng, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, mục tiêu phát triển của Khu thương mại tự do.

Khu thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng sẽ được triển khai xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá, phân tích mô hình quản lý, các cơ chế, chính sách đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

Chính phủ quy định về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá, mô hình quản lý phù hợp đối với Khu thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến trước khi thực hiện, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Cơ chế đặc thù Nghệ An
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện nay, khu thương mại tự do chưa được áp dụng ở Việt Nam, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa đề cập đến khái niệm này. Đồng thời, qua nghiên cứu một số khu thương mại tự do thành công trên thế giới cho thấy việc hình thành khu thương mại tự do là một yêu cầu tất yếu. Đặc biệt, thời gian vừa qua chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các khu thương mại tự do ở UAE, Singapore và Trung Quốc.

Đánh giá kỹ tác động về an ninh quốc phòng

Cho ý kiến về nội dung này, Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng đề xuất hể hiện sự quyết tâm, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Chính phủ và thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên, về một số khía cạnh cần được nghiên cứu thận trọng bởi đây là mô hình hoàn toàn mới ở Việt Nam, chưa có văn bản quy định về mô hình Khu thương mại tự do.

Xét về định hướng, hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị mới chỉ quy định: “Tập trung nghiên cứu, đánh giá, phân tích các cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới, để có thể vận dụng phù hợp với điều kiện của thành phố Hải Phòng”.

Trong khi đó, việc quy định hình thành Khu thương mại tự do là vấn đề quan trọng, không chỉ dưới giác độ kinh tế mà còn liên quan đến yếu tố quốc phòng, an ninh, hội nhập, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Việc thành lập Khu thương mại tự do không chỉ dừng ở phạm vi của cơ chế, chính sách đặc thù riêng lẻ mà gắn với việc xây dựng các thể chế, thiết chế pháp luật có tác động lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng. Vì vậy, Chính phủ cần báo cáo Bộ Chính trị xem xét, chấp thuận về chủ trương trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Hơn nữa, khu thương mại tự do là do Quốc hội thành lập. Việc “Chính phủ quy định một số cơ chế chính sách đặc thù, đột phá… báo cáo UBTVQH cho ý kiến trước khi thực hiện, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất” là không phù hợp về thẩm quyền vì theo tờ trình và dự thảo Nghị quyết thì Khu thương mại tự do sẽ được áp dụng các chính sách đặc biệt, đột phá, trong đó sẽ có các chính sách về đất đai, quy hoạch, tổ chức chính quyền, ưu đãi đầu tư, thuế… nhưng chưa làm rõ được nội hàm của các cơ chế này. Đồng thời, cơ chế, chính sách áp dụng cho Khu thương mại tự do sẽ có những quy định mới, có thể không phù hợp với các luật hiện hành.

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến trong UBTVQH cũng đề nghị thận trọng, cân nhắc kỹ việc thành lập Khu thương mại tự do. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, tờ trình mới đề cập đến một số điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, các khu công nghiệp nhưng những điều kiện về mô hình tổ chức, năng lực quản lý, chất lượng nguồn nhân lực chưa có báo cáo rõ ràng khi triển khai một mô hình mới. Mặc dù tờ trình đề cập đến kinh nghiệm quốc tế, tuy nhiên, thực tế cho thấy, đã có một số trường hợp không thành công. Mà thời điểm áp dụng thí điểm 5 năm, thì với thời gian nghiên cứu, xây dựng cũng đã gần hết. Do vậy, đề nghị trước mắt chưa đưa vào trong dự thảo mà tiếp tục nghiên cứu cụ thể, xây dựng Đề án để báo cáo Bộ Chính trị xem xét, chấp thuận.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, mặc dù là có chủ trương, nhưng cách làm, cách thiết kế khu thương mại tự do cần rất thận trọng vì đây là cửa ngõ phía Đông, vị trí phên dậu quan trọng của đất nước. Với vị trí chiến lược trong phòng thủ của cả nước và quân khu 3, việc xây dựng khu thương mại tự do cần được đánh giá kỹ tác động về an ninh quốc phòng.

Đồng tình với các quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng, báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị xem xét, quyết về chủ trương trước, căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng thẩm quyền.

Cùng với khu thương mại tự do, Chính phủ cũng đề xuất một số cơ chế đặc thù khác cho thành phố cảng như về thẩm quyền quản lý đất đai, quy hoạch… HĐND thành phố được quyết định áp dụng các khoản phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong danh mục phí, lệ phí….

Thành phố được vay nợ với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. HĐND thành phố Hải Phòng được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách Thành phố; cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý với mức không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản.