VIC và VCB biến động mạnh

Thanh khoản yếu là đặc trưng của thị trường những ngày cuối năm do các công ty chứng khoán hạn chế cho vay hoặc ứng trước tiền bán. Ngay khi chốt phiên sáng, giá trị khớp lệnh của hai sàn niêm yết đã tụt giảm cỡ 18% so với phiên trước.

VN-Index diễn biến không thể tệ hơn trong buổi sáng, khi tăng sớm đầu ngày, nhưng toàn bộ thời gian còn lại là giảm, đến khoảng 10h30 chỉ số còn đỏ. Kết thúc phiên sáng, VN-Index cũng chỉ nhích qua tham chiếu chưa tới 1 điểm. Tình trạng này là hệ quả của dòng tiền vào kém và hoàn toàn có thể duy trì hết cả ngày.

Thanh khoản “chợ chiều”, VN-Index tăng tốt nhờ cổ phiếu trụ
Diễn biến phiên giao dịch VN-Index

Thực vậy, sang đến chiều thị trường không có dấu hiệu nào khá hơn. Giao dịch lình xình với thanh khoản còn kém hơn buổi sáng, VN-Index cũng chỉ loanh quanh tăng 2-3 điểm. Thay đổi chỉ đến vào khoảng 15 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục.

Đó là lúc cả VIC lẫn VCB và một số mã lớn khác bật tăng mạnh. VIC lên rõ nhất, thậm chí là tăng dốc đứng. Cổ phiếu này đóng cửa vọt trên tham chiếu 2,59%. VCB cũng vậy, đóng cửa tăng 1,66%. Đây là hai mã vốn hóa lớn nhất thị trường và không có gì bất ngờ, khi VN-Index hưởng lợi lớn. Chỉ số này bứt phá rất nhanh, vượt qua đỉnh cao buổi sáng và lên 1.488,88 điểm, tăng 11,85 điểm. Nếu tính riêng 15 phút cuối, chỉ số đã có thêm tới 9 điểm.

VIC và VCB là hai cổ phiếu tăng giá tốt nhất trong giai đoạn nói trên, nhưng thực tế cũng có nhiều mã khác lên giá. CTG, BID, thậm chí cả các mã yếu như HPG, VHM cũng diễn biến tốt hơn. Bằng chứng là VN30-Index đóng cửa với 23 cổ phiếu tăng giá, trong khi cuối phiên sáng chỉ có 15 mã tăng. Chỉ số cũng chốt trên tham chiếu 0,52% tương đương khoảng 7,9 điểm và cuối phiên sáng mới tăng hơn 1 điểm.

Thị trường chung cũng thay đổi tích cực dưới sự dẫn dắt của các blue-chips. Chỉ số Midcap đóng cửa tăng 1,6%, Smallcap tăng 1,34%. Đặc biệt chỉ số smallcap cuối phiên sáng còn đỏ. Khoảng 20 mã trên HoSE tăng kịch trần là một tín hiệu mạnh mẽ. DLG lại có một phiên kịch trần với 7,1% cổ phiếu niêm yết được trao tay. LDG cũng kịch trần với 6,7% lượng niêm yết đổi chủ. Thực tế thanh khoản hôm nay giảm chung, nhưng vẫn có một số cổ phiếu giao dịch lớn. VCG, TCH, HNG, KBC... là những cổ phiếu thanh khoản cao, dù tùy mã có giảm so với các phiên trước.

VN-Index có thể tăng nhờ cổ phiếu lớn

Diễn biến mạnh bất ngờ cuối phiên hôm nay hé lộ khả năng VN-Index có cơ hội tiếp tục tăng, thậm chí lên ngưỡng đỉnh cũ 1500 điểm bằng lực kéo của các cổ phiếu vốn hóa lớn, bất chấp bối cảnh chung là dòng tiền suy yếu cuối năm.

Thanh khoản thường tụt giảm cuối năm là do nhà đầu tư hạn chế giao dịch, khả năng sử dụng margin không nhiều như trước do các công ty chứng khoán, ngân hàng cần chốt số liệu. Đây là thông lệ hàng năm các nhà đầu tư đều biết. Tuy vậy dòng tiền yếu không có nghĩa là giá cổ phiếu không tăng hoặc sẽ giảm. Đặc biệt VN-Index lại do các mã vốn hóa lớn chi phối khá mạnh. Như hôm nay, VIC và VCB đột biến, điểm số thay đổi rất đáng kể.

Phiên hôm nay cũng đem lại kết quả khá tích cực khi VN-Index đóng cửa đã cao hơn mức đỉnh đóng cửa của nhịp đi ngang 10 phiên trước đó. Mốc 1480 điểm được xem là kháng cự của nhịp phục hồi này, trước khi chỉ số có thể kiểm định lại đỉnh cao 1.500 điểm.

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay cũng là một dấu ấn bất ngờ. Những ngày cuối năm, khối này bất ngờ tăng giao dịch. Cụ thể, trên HoSE tổng mức mua vào hôm nay lên trên 1,1 nghìn tỷ đồng, tức là chiếm khoảng 5% sàn. Đây là tỷ trọng cao vì nhiều tháng qua mức giải ngân trung bình hàng ngày không tới 4%. Giá trị mua ròng phiên này cũng tới gần 440 tỷ đồng, trong đó tập trung vào blue-chips VN30 (349 tỷ đồng). Có thể đây là động thái làm đẹp NAV cuối năm thường thấy.

Thanh khoản “chợ chiều”, VN-Index tăng tốt nhờ cổ phiếu trụ

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

24.430 tỷ đồng (-15%)

715,8 triệu (-16%)

2.410 tỷ đồng (-20%)

85,3 triệu (-26%)