![]() |
Luật Đấu thầu (sửa đổi) đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng. Ảnh: TL |
Hài hòa yêu cầu quản lý và quyền tự chủ của doanh nghiệp
Luật Đấu thầu (sửa đổi) gồm 10 chương, 96 điều. So với luật hiện hành, Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được rà soát, chỉnh lý phạm vi, đối tượng áp dụng luật, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa quy định của luật với các luật có liên quan.
Luật cũng đã được rà soát quy trình, giảm thời gian đấu thầu, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, nhất là vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế thời gian qua. Đồng thời, luật mới quy định rõ các hành vi bị cấm, các ưu đãi với doanh nghiệp trong nước, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong đấu thầu; quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, bên mời thầu, bên dự thầu; góp phần hạn chế thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu…
Trong đó, về đối tượng áp dụng, Luật Đấu thầu 2023 đã bổ sung điểm a, khoản 2, Điều 2 về hoạt động lựa chọn nhà thầu để thực hiện bao gồm: các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp do DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã báo cáo Quốc hội 2 phương án quy định trong luật về nội dung này. Phương án 1 là giữ như phương án Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, theo đó, quy định đối tượng áp dụng chỉ bao gồm dự án đầu tư của DNNN. Phương án 2 quy định đối tượng áp dụng bao gồm dự án đầu tư của DNNN và doanh nghiệp có trên 50% vốn thuộc sở hữu của DNNN.
Qua tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã tiếp thu theo hướng như trên để đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và quyền tự chủ của doanh nghiệp, không thu hẹp hoặc mở rộng đối tượng quá mức; một mặt, bảo đảm việc đấu thầu mang lại lợi ích kinh tế cho bên mời thầu, mặt khác, bảo đảm xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh, bình đẳng, công khai, minh bạch.
Tránh lạm dụng hình thức chỉ định thầu
Nêu ý kiến bên lề phiên họp, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã có nhiều bước tiến bộ hơn luật cũ; gỡ được các xung đột, chồng lấn với các luật khác; quy định rõ hơn về phạm vi, đối tượng, thẩm quyền các cấp, để rút ngắn thời gian đấu thầu, giải phóng nguồn lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, UBTVQH đã tiếp thu cơ bản các ý kiến đóng góp của đại biểu. Tuy vậy, đại biểu vẫn còn băn khoăn về quy định phạm vi áp dụng đối với công ty con của DNNN, liệu có thực sự đảm bảo sân chơi bình đẳng giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân.
Theo đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai), không thể kỳ vọng Luật Đấu thầu mới giải quyết được mọi vấn đề trong đầu thầu. Tuy nhiên, luật đã tạo nên một hành lang pháp lý an toàn, minh bạch, để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, xử lý những tồn tại lâu nay trong hoạt động đấu thầu. “Với luật này, những vấn đề khúc mắc nhất, nhất là trong lĩnh vực y tế, trong khu vực DNNN đã được tiếp thu tương đối cụ thể. Hy vọng khi luật này ra thì sẽ không còn những bùng nhùng, phức tạp trong quy định đấu thầu mà trước đây chúng ta gặp phải” - đại biểu nói.
Để việc thực thi luật được hiệu quả như mục tiêu đề ra, đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh tầm quan trọng, kịp thời của các văn bản hướng dẫn luật, nhất là trong lĩnh vực y tế. Đại biểu cho rằng các nguyên tắc, quy định trong Luật Đấu thầu mới đã rất tiến bộ. Những điều này phải được làm rõ, tường minh trong các văn bản hướng dẫn.
Trong đó, đại biểu lưu ý hướng dẫn về diện chỉ định thầu, dù trong luật đã quy định rất rõ nhưng vẫn phải rất cẩn trọng để tránh việc lạm dụng, vận dụng không đúng tinh thần của luật. Theo đại biểu, việc chỉ định thầu khi sử dụng nguồn lực nhà nước chỉ nên áp dụng trong trường hợp cấp bách, liên quan đến quốc phòng an ninh và điều này phải được làm rõ trong văn bản hướng dẫn.
Bỏ quy định về lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt Trong quá trình góp ý, một số đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định về lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Một số ý kiến khác cho rằng, việc áp dụng cơ chế đặc biệt để lựa chọn nhà đầu tư là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án liên quan quốc phòng, an ninh chưa lường trước được trong tương lai. Qua xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc quy định về nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt tại dự thảo Luật Đấu thầu là chưa thống nhất với dự thảo của Luật Đất đai. Dự thảo luật hiện cũng còn nhiều yếu tố không bảo đảm tính minh bạch, chưa rõ ràng về quy trình, thủ tục, tiềm ẩn nguy cơ có thể bị lợi dụng chính sách, đặc biệt đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất để kinh doanh thương mại. Hơn nữa, cho đến nay chưa có tiền lệ áp dụng cơ chế này. Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bỏ quy định về lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt tại khoản 3 Điều 34 của dự thảo luật./. |