Tinh thần đột phá trong phân cấp, phân quyền
Trao quyền cho các cơ sở y tế công lập tự chủ tài chính nhóm 1 và nhóm 2 tự quyết định mua sắm thuốc, nhằm giảm giá mua sắm. Ảnh minh họa

Tháo gỡ nút thắt cho các hoạt động mua sắm, đấu thầu

Chiều 23/5, thảo luận về dự án sửa đổi 7 luật nêu trên, các đại biểu Quốc hội thống nhất với nhiều nội dung trong dự thảo để thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng, xử lý các vấn đề liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Theo đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP. Hồ Chí Minh), đa số các nội dung trong dự thảo thể hiện sự phân cấp lớn cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện các quyết định về mua sắm, triển khai dự án. Đồng thời, nhiều thủ tục hành chính được đơn giản hóa rút ngắn thời gian thực hiện dự án.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) cho rằng, đây là một bước tiến rất quan trọng trong cải cách thể chế, minh bạch hóa và nâng cao hiệu quả đầu tư hiện nay, nhằm giải quyết các khó khăn vướng mắc trong thực tiễn liên quan đến pháp luật về đấu thầu, PPP, đầu tư công..., nhằm thúc đẩy phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo, đặc biệt liên quan đến khắc phục các bất cập ở Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công và Luật PPP, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án BOT.

Nâng cao chất lượng đấu thầu trong lĩnh vực y tế

Liên quan đến vấn đề đấu thầu thuốc hiện nay, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, dự thảo đã sửa đổi các quy định để nâng cao hiệu quả và chất lượng đấu thầu trong lĩnh vực y tế. Theo đó, dự thảo trao quyền cho các cơ sở y tế công lập tự chủ tài chính nhóm 1 và nhóm 2 tự quyết định mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư y tế không sử dụng ngân sách nhà nước, tạo điều kiện để đàm phán trực tiếp với nhà cung ứng nhằm giảm giá mua sắm. Dự thảo áp dụng phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu kết hợp kỹ thuật và giá, hoặc theo tiêu chí kỹ thuật, nâng tỷ trọng điểm kỹ thuật để lựa chọn nhà thầu có giải pháp công nghệ tốt, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và hiệu quả.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đồng tình với dự thảo quy định theo hướng cho phép chủ đầu tư lựa chọn áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trên cơ sở đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị phải có quy định rành mạch, rõ ràng về việc cho phép lựa chọn nhà thầu để tránh gây thiệt hại cho ngân sách.

Tán thành việc sửa đổi khoản 7 Điều 3 và bổ sung thêm khoản 8, khoản 9, khoản 10 Điều 3 của Luật Đấu thầu, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) nhấn mạnh, đây là một nội dung quan trọng, đã tháo gỡ nút thắt kéo dài nhiều năm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt trong lĩnh vực y tế khi các bệnh viện tự chủ tài chính có nguồn thu hợp pháp từ các hoạt động mà nguồn thu chính là thu dịch vụ y tế, nhưng vẫn bị ràng buộc bởi các quy trình đấu thầu giống như các dự án đầu tư công.

Tuy nhiên, trong các điều khoản cụ thể tại dự thảo, đại biểu lưu ý rà soát một số khái niệm, chính sách trong dự thảo để có sự đồng bộ, thống nhất với các luật cũng đang sửa tại Kỳ họp này như Luật Ngân sách nhà nước; Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, cũng như Luật Công nghiệp công nghệ số.

“Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho hay, đúng như đại biểu nêu, dự thảo luật đã thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá trong việc phân cấp, phân quyền.

Tại dự thảo, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi nhiều quy định tại Luật Đấu thầu, Luật PPP, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công để phân cấp cho các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện phù hợp với chủ trương “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Cụ thể như, phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư từ Thủ tướng Chính phủ sang cho UBND tỉnh đối với 7 nhóm dự án tại Luật Đầu tư; phân cấp triệt để thẩm quyền của Thủ tướng cho bộ, ngành, địa phương trong việc quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án PPP, quyết định áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với dự án, quyết định chấm dứt hợp đồng dự án PPP. Ngoài ra, chuyển các quy định chi tiết các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm tập trung tại Luật Đấu thầu sang Chính phủ và giao Chính phủ quy định chi tiết phân cấp toàn bộ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư công của Thủ tướng cho các bộ, cơ quan trung ương tại Luật Đầu tư công.

Về cắt giảm, đơn giản thủ tục hành chính, thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW và Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị, Bộ Tài chính đã rà soát và cắt bỏ, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính tại các luật. Trong các nội dung sửa đổi cụ thể, Bộ trưởng cho biết, các quy định về đấu thầu nhận được sự quan tâm lớn của các đại biểu. Đặc biệt, Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên họp tổ cũng đã có các ý kiến về nội dung này.

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng cho việc sửa đổi luật hướng tới mục tiêu khắc phục những bất cập như là làm chậm tiến độ, đội chi phí, chất lượng thấp, gây thất thoát… và đáp ứng được những yêu cầu mà Tổng Bí thư đã nêu.

Theo đó, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, dự thảo luật đã trao quyền cho chủ đầu tư được tự quyết định và chịu trách nhiệm áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu như là đấu thầu, chỉ định thầu, đặt hàng… Nguyên tắc là bảo đảm tiến độ, chất lượng và không được làm tăng tổng mức đầu tư.

Dự thảo cũng mở rộng cơ chế chỉ định thầu và áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói thầu, dự án. Đồng thời, bổ sung, hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm tra đối với các gói thầu này để bảo đảm phù hợp với chủ trương chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Sẽ có cơ chế xử lý vướng mắc cho các dự án BOT

Tại phiên họp, một số đại biểu quan tâm về xử lý vướng mắc của các dự án BOT. Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định "một số dự án BOT gặp khó khăn hoàn toàn do lỗi của Nhà nước, không phải nhà đầu tư. Vì vậy, trách nhiệm của chúng tôi là tháo gỡ cho các dự án này".

Theo Bộ trưởng, từ năm 2021 - 2022, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và ban hành Nghị quyết để tháo gỡ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Thủ tướng yêu cầu rà soát kỹ, làm việc với chủ đầu tư và ngân hàng tài trợ để giảm lãi suất, loại bỏ tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư. Hiện nay, từ tổng mức hơn 10.000 tỷ đồng, số tiền cần xử lý còn hơn 8.000 tỷ đồng.

Quốc hội đã ban hành 2 nghị quyết và mới đây, thông báo của lãnh đạo chủ chốt vào tháng 2/2025 yêu cầu tháo gỡ cho các dự án BOT. Hiện tại, các dự án BOT trước đây vẫn đang được xử lý, và sắp tới, khi khánh thành tuyến cao tốc Bắc - Nam, nhiều dự án BOT trên Quốc lộ 1A song song với cao tốc Bắc Nam cũng cần được giải quyết. Nhiều dự án đang chờ đánh giá tác động sau khi thu phí để xác định mức độ ảnh hưởng. Nguyên nhân là do Nhà nước điều chỉnh quy hoạch, mở rộng đường cao tốc Bắc - Nam.

Trong nhiệm kỳ 2026 - 2030, với kế hoạch xây dựng thêm 2.000 km đường cao tốc và các trục ngang, nhiều dự án BOT khác tại địa phương cũng sẽ bị ảnh hưởng, đòi hỏi phải có cơ chế xử lý. Vì vậy, Bộ Xây dựng đã đề nghị Bộ Tài chính đưa quy định vào Luật PPP để tạo hành lang pháp lý chủ động, thay vì xử lý từng nhóm dự án riêng lẻ.