Tháo
Công chức hải quan kiểm tra hàng hóa nhập khẩu. Ảnh: Châu Anh.

Kéo dài thời gian, phát sinh chi phí

Trong một cuộc khảo sát mới đây, nhiều doanh nghiệp (DN) nhận xét, thời gian qua, các chính sách hỗ trợ từ cơ quan hải quan đã hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động xuất nhập khẩu của DN. Các thủ tục hải quan tạo thuận lợi đã rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa tương đối nhiều. Tuy nhiên, DN đang gặp những vướng mắc về kiểm tra chuyên ngành.

Cần giao một đầu mối về kiểm tra chuyên ngành

"Tập đoàn Long Sơn chế biến, xuất khẩu hạt điều quy mô lớn. Mỗi năm chúng tôi nhập khẩu vài chục nghìn tấn đến cả 100.000 tấn điều về phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Hạt điều nhập khẩu phải thực hiện kiểm dịch thực vật theo quy định. Nhưng hiện nay, hàng nhập khẩu về phải để tại cảng để chờ lấy mẫu kiểm dịch thực vật.

Trong thời gian chờ kết quả kiểm tra, DN tốn thêm chi phí lưu container, lưu bãi rất lớn. Nếu kiểm tra chuyên ngành được giao về một đầu mối là cơ quan hải quan sẽ thuận lợi cho DN trong việc thông quan hàng hóa, DN không phải liên hệ nhiều nơi, tiết giảm chi phí, thời gian." - Ông Vũ Thái Sơn - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Long Sơn.

Theo ông Đinh Văn Đức - đại diện Công ty CP Công nghiệp chính xác Việt Nam (Đồng Nai), mặc dù DN không phải là đơn vị kinh doanh thương mại, nhưng mặt hàng sản xuất vẫn phải đi kiểm tra chuyên ngành, đánh giá và thời gian kéo dài khiến việc lưu kho, lưu bãi của DN phát sinh thêm chi phí.

Trong khi hoạt động xuất nhập khẩu của DN đang gặp nhiều khó khăn, năm qua, có thời điểm đơn hàng giảm tới 30% so với cùng kỳ. Thời gian kéo dài, tình trạng hoãn, hủy đơn hàng khiến DN ngày càng khó khăn.

Đại diện Công ty CP Thực phẩm Cát Hải (Long An) cho biết, DN đang vướng mắc về việc kiểm tra chuyên ngành đối với nguyên liệu thủy sản nhập gia công, sản xuất xuất khẩu chuyển mục đích sử dụng.

Hiện DN chưa nhận được sự hướng dẫn từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Do đó, DN mong muốn cơ quan hải quan trao đổi với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để DN có thể thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với mặt hàng này, giúp DN có thêm cơ hội kinh doanh hiệu quả hơn.

Cho rằng hiện nay có quá nhiều bộ, ngành quản lý kiểm tra chuyên ngành, khiến việc thực hiện khó khăn, bà Bùi Thanh Duyên - Công ty TNHH BASF Việt Nam, nêu khó khăn trong việc xác định mặt hàng nhập khẩu thuộc chính sách quản lý và kiểm tra chuyên ngành thuộc cơ quan nào. Bởi vì, hiện tại có nhiều bộ và cơ quan ngang bộ cùng quản lý chuyên ngành. Trong đó, có 13 bộ quản lý đối với hàng hóa phải kiểm tra chất lượng; 3 bộ quản lý hàng hóa phải kiểm tra an toàn thực phẩm…

Tương tự, một doanh nghiệp khác gặp tình trạng nhập khẩu mặt hàng thực phẩm, trong đó có nhóm hàng súp và nước xuýt và chế phẩm để làm súp và nước xuýt; chế phẩm thực phẩm tổng hợp đồng nhất thuộc nhóm 2104. Song, khi đối chiếu và so sánh các quy định kiểm tra an toàn thực phẩm của Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thì nhóm hàng 2104 nêu trên không thuộc bộ nào quản lý, nên không cơ quan nào nhận đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm.

Vấn đề không mới chưa được gỡ

Thực tế đây không phải những vấn đề mới. Ngay từ năm 2019-2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Tổng cục Hải quan tiến hành đo sự hài lòng của cộng đồng DN, trong đó có kiểm tra chuyên ngành. Khi đó, ngành Hải quan đã nhìn nhận thấy 7 vấn đề trong kiểm tra chuyên ngành.

Đó là, số lượng mặt hàng kiểm tra chuyên ngành nhiều. Thậm chí một mặt hàng phải chịu kiểm tra chuyên ngành nhiều nội dung khác nhau. Chưa có danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành mà được cụ thể hóa, có mã số cụ thể. Kiểm tra chuyên ngành mà chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, từ đó, gây vướng mắc cho cơ quan thực hiện. Nhiều văn bản chồng chéo về kiểm tra chuyên ngành; trình tự thủ tục rất phức tạp, gây thêm chi phí cho DN…

Tháo "nút thắt" trong kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu
Ảnh minh họa

Ông Hoàng Việt Cường – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan hải quan đã làm việc với các bộ, ngành về các vướng mắc rất cụ thể, cũng đã tổ chức các hội nghị chuyên đề gồm: Tổng cục Hải quan, VCCI và các hiệp hội chuyên ngành, đi sâu vào từng bộ, ngành để kiến nghị đề xuất với Chính phủ. Ngành Hải quan được giao xây dựng nghị định về kiểm tra chuyên ngành, nhưng gần 3 năm rồi chưa ra được nghị định, chỉ vì ý kiến của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) với các bộ, ngành hiện chưa nhất quán.

Để hỗ trợ tối đa cho DN, trong lúc hành lang pháp lý tiếp tục được hoàn thiện, cơ quan hải quan vẫn đang triển khai nhiều giải pháp để giảm tỷ lệ luồng Vàng, luồng Đỏ và tăng luồng Xanh. Ngành Hải quan cũng đã thí điểm chương trình khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật cho 127 DN, giúp luồng Xanh tăng lên, giảm 4% luồng Vàng, sắp tới sẽ mở rộng việc thí điểm này.

Gặp khó khi “một mặt hàng, hai cơ quan quản lý”

Ghi nhận vướng mắc của DN, mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc của DN nhập khẩu các mặt hàng lĩnh vực công nghệ thông tin gặp khó khăn khi “một mặt hàng, hai cơ quan quản lý”.

Cụ thể, Ban IV cho biết các DN nhập khẩu một số mặt hàng thiết bị công nghệ thông tin thông dụng như máy tính xách tay (laptop), thiết bị chuyển mạch (switch), thiết bị định tuyến (router)... gặp khó khăn trong việc tuân thủ thủ tục hải quan bởi những bất cập trong quản lý chuyên ngành.

Hiện nay có tình trạng cùng một mặt hàng sản phẩm công nghệ thông tin nhưng có đến hai cơ quan chuyên ngành khác nhau quản lý. Do đó, DN cùng lúc cần rà soát quy định để tuân thủ các điều kiện, trình tự và thủ tục khác nhau.

Cụ thể, các mặt hàng thiết bị công nghệ thông tin trên thuộc: Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 được thực hiện theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông về chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và kiểm tra chất lượng đối với sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông và các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; đồng thời có thể thuộc Danh mục sản phẩm mật mã dân sự xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp.

Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có hướng dẫn chi tiết, rõ ràng về sản phẩm không chứa mật mã dân sự (không thuộc Danh mục sản phẩm mật mã dân sự xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép), cũng như quy trình phối hợp giữa cơ quan hải quan và Ban Cơ yếu Chính phủ để kiểm tra, xác định yếu tố chuyên môn kỹ thuật này dẫn đến việc lúng túng trong thực thi.

Để làm thủ tục hải quan cho các mặt hàng thiết bị công nghệ thông tin, trong báo cáo gửi Thủ tướng, Ban IV kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp nghiên cứu, sửa đổi các văn bản hướng dẫn phân loại các danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành theo hướng: làm rõ các tiêu chí phân loại theo chuyên ngành quản lý đối với cùng một mặt hàng sản phẩm. Hiện tại cách chia nhóm sản phẩm trong hai loại danh mục chuyên ngành đang chưa thống nhất.

Bên cạnh đó, đề xuất Ban Cơ yếu Chính phủ nghiên cứu ban hành hướng dẫn chi tiết về các sản phẩm không thuộc danh mục sản phẩm mật mã dân sự kinh doanh có điều kiện làm cơ sở để DN và cơ quan hải quan thực hiện phân loại sản phẩm nhập khẩu, xuất khẩu. Đặc biệt, cần sớm thiết lập các kênh, phương thức tham vấn chuyên môn nhanh với cơ quan hải quan để giải quyết vấn đề ùn tắc quá trình thông quan cho các mặt hàng thiết bị công nghệ thông tin thông dụng.