Thông quan điện tử đã hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp
Thông quan điện tử đã hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp

PV: Trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 14 - 16%/năm. Xin ông cho biết một cách khái quát về những đóng góp của logistics đối với nền kinh tế hiện nay?

Thông quan điện tử đã hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp

Ông Lê Duy Hiệp: Ngành logistics trong hơn 10 năm qua đã tham gia rất sâu rộng vào tất cả các mặt của kinh tế xã hội và có tốc độ tăng trưởng cao, đạt quy mô khoảng 60 tỷ USD vào năm 2022.

Dịch vụ logistics tham gia sâu rộng vào tất cả các mặt của nền kinh tế xã hội từ xuất nhập khẩu, thương mại, luân chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng... Theo thống kê, đóng góp của ngành này cho GDP khoảng 5% và Chính phủ đang có những giải pháp để tăng đóng góp của ngành logistics trong thời gian tới lên khoảng 6 - 7% GDP, tương đương với mức đóng góp của ngành này ở các nước trong khu vực Đông Nam Á.

PV: Các doanh nghiệp (DN) logistics, DN làm dịch vụ xuất nhập khẩu lâu nay là cầu nối giúp cơ quan hải quan và DN xuất nhập khẩu thực hiện nhanh chóng, chính xác thủ tục hải quan, tiết kiệm chi phí tuân thủ và nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhận thức được điều này nên thời gian qua, ngành Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ logistics phát triển. Ông đánh giá như thế nào về những hỗ trợ này?

Ông Lê Duy Hiệp: Thông quan hàng hóa là một dịch vụ cấu thành trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics nói chung và đóng góp quan trọng trong chuỗi cung ứng này. Có thể nói thông quan là khâu mang tính thành bại đối với quy trình của dịch vụ logistics nên sự hỗ trợ và hợp tác của cơ quan hải quan là một điều hết sức quan trọng.

Chúng tôi ghi nhận rằng, trong thời gian qua, ngành Hải quan đã có nhiều cải cách vượt bậc và hiện đại hóa. Ví dụ như áp dụng máy soi chiếu tự động, thông quan điện tử và cải cách thủ tục hành chính trong quy trình thông quan… Qua đó hỗ trợ và tạo thuận lợi cho DN rất nhiều trong quá trình thông quan, đẩy nhanh thời gian thông quan, tiết kiệm chi phí và thời gian cho DN. Chúng tôi hết sức hoan nghênh sự hỗ trợ của ngành Hải quan từ Tổng cục Hải quan cho tới hải quan các địa phương có hoạt động logistics, thông quan hàng hoá.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy rằng, cần phải hiện đại hóa hơn nữa. Thông quan điện tử đã áp dụng một thời gian dài nhưng lại phụ thuộc vào hạ tầng công nghệ thông tin. Đây là điều cần cải cách hơn nữa, giảm bớt những bản cứng giấy tờ mà DN phải nộp.

Bên cạnh đó, muốn phát triển dịch vụ trung chuyển qua các nước thì cần cải thiện những quy định đối với hàng hoá trung chuyển, nhất là về kiểm tra thực tế với hàng hoá. Cần giảm bớt hoàn toàn kiểm tra vật lý đối với hàng hoá. Điều này đòi hỏi sự phối hợp không chỉ giữa cơ quan hải quan trong nước mà với cả các cơ quan hải quan ở nước tại hàng hoá đến…

Cải cách của ngành Hải quan đã được cộng đồng DN trong nước ghi nhận và cộng đồng DN cũng mong muốn tiếp tục cải cách hơn nữa để làm sao cho việc thông quan ngày càng tốt, phục vụ cho công tác xuất nhập khẩu cũng như tạo điều kiện cho dịch vụ logistics phát triển hơn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của nền kinh tế.

Thông quan điện tử đã hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp

PV: Trong quá trình hoạt động, các DN logistics thường gặp phải những khó khăn, thách thức khách quan và chủ quan gì, thưa ông?

Ông Lê Duy Hiệp: Trong thời gian qua, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng hàng năm và có kim ngạch rất cao, bởi vì chúng ta là nước có nền kinh tế mở lớn, đang kêu gọi FDI càng nhiều càng tốt, cộng với hoạt động của các DN thuần Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu toàn cầu.

Tuy vậy, hiện nay theo thống kê thì chi phí tuân thủ hành chính của các DN Việt Nam vẫn đang chiếm tỷ trọng khá lớn, cộng với các chi phí khác tăng cao cũng làm cho khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt bị kém so với các nước trong khu vực. Chính vì vậy việc giảm chi phí logistics, những chi phí tuân thủ hành chính sẽ làm cho hàng hóa của Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh hơn nữa.

Chúng tôi cho rằng, những vấn đề về tuân thủ thủ tục hành chính mà DN và xã hội đang có ý kiến thì các bộ, ngành có liên quan đến quy trình thông quan nên ghi nhận và có những phối hợp với nhau để tăng cường cải cách hơn nữa.

PV: Để hỗ trợ DN logistics hiệu quả hơn, cơ quan quản lý nói chung và cơ quan hải quan cần có thêm những giải pháp như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Duy Hiệp: Có thể thấy, quá trình thông quan hàng hóa, kiểm tra chuyên ngành không chỉ liên quan đến cơ quan hải quan mà liên quan đến rất nhiều bộ ngành khác. Ví dụ có sản phẩm liên quan đến ngành Y tế và có sản phẩm liên quan đến ngành Nông nghiệp, Công thương, các địa phương và nhiều bộ ngành khác…. Dù hải quan đóng vai trò quan trọng nhưng sự chậm trễ trong công tác thông quan không phải nguyên nhân do phía hải quan mà đôi khi là do các bộ, ngành khác. Vì vậy, cần phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa công tác kiểm tra chuyên ngành.

Chúng tôi đã có rất nhiều ý kiến đóng góp để làm sao giảm bớt kiểm tra chuyên ngành, trong đó nhấn mạnh việc đưa về một đầu mối thực hiện kiểm tra là cơ quan hải quan. Về phía cộng đồng doanh nghiệp logistics, chúng tôi vẫn tiếp tục đề xuất đưa về một đầu mối thông quan chính là cơ quan hải quan.

Điều này là hoàn toàn phù hợp với thông lệ và tập quán của các nước trên thế giới khi các nước đều để đầu mối thông quan là cơ quan hải quan. Điều đó cũng làm cho chi phí logistics nói chung và chi phí chung của xuất nhập khẩu giảm đi, dẫn đến cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực.

PV: Xin cảm ơn ông!

Doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi số để phù hợp thông quan điện tử

Theo ông Lê Duy Hiệp, để đáp ứng yêu cầu về thông quan điện tử, các DN logistics và các DN xuất nhập khẩu đã ngày càng có nhiều đầu tư rất tiến bộ, đặc biệt là tham gia vào chuyển đổi số. Chuyển đổi số làm cho quá trình thông quan ngắn hơn từ đó làm giảm chi phí và độ minh bạch càng ngày càng lớn. Vì thế mà các DN cũng đã đầu tư rất nhiều vào hạ tầng logistics, phương tiện thiết bị, công nghệ thông tin, tự động hóa, chuyển đổi số để đáp ứng được xu thế chung của thế giới.