Thu ngân sách từ xuất nhập khẩu dần phục hồi
Công chức Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cảng Cái Mép. Ảnh: Nguyễn Hiền.

Thu tháng 5 tăng 7,8%

Thống kê sơ bộ, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 5 đạt 31,9 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng 4. Theo đó, số thu ngân sách của toàn ngành Hải quan trong tháng 5 đạt 18.906 tỷ đồng, tăng 7,8% so với tháng 4.

Thu hồi và xử lý nợ thuế trong 4 tháng đầu năm đạt 174 tỷ đồng

Số nợ thuế ngành Hải quan đang quản lý tính đến ngày 30/4 là 5.416,31 tỷ đồng, giảm 140,41 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2023. Do đó, ngành Hải quan đã thu hồi và xử lý nợ thuế trong 4 tháng đầu năm đạt 174 tỷ đồng.

Nguyên nhân tăng thu là do tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chịu thuế của cả nước trong tháng 5 tăng 4,5% so với tháng trước. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu chịu thuế tăng 5,9% điển hình một số mặt hàng có giá trị lớn, thuế suất cao tăng mạnh như: Dầu thô tăng 45,1%; chất dẻo nguyên liệu tăng 16%; sắt thép các loại tăng 10,1%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 4%; ô tô nguyên chiếc các loại tăng 24,4%.

Ngoài ra, tính đến ngày 15/5, tổng thu tại 10 cục hải quan tỉnh, thành phố có số thu lớn của ngành đạt 125.072 tỷ đồng, bằng 37,78% dự toán và tăng 4,02% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các đơn vị chiếm số thu lớn có số thu trong 5 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm 2023 như: Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 41,06%; Thanh Hóa tăng 31,81%; Quảng Ninh tăng 25,15%...

Tính đến ngày 15/5, tổng số thu ngân sách tại Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu đạt 8.161 tỷ đồng, tương đương 45% chỉ tiêu được giao năm 2024 (18.000 tỷ đồng). Theo phân tích của Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu, kim ngạch xuất nhập khẩu chung những tháng qua tại đơn vị đạt 8,44 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế đạt 3,62 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu làm thủ tục tại Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu đang hồi phục tích cực, mang lại kết quả khả quan cho công tác thu ngân sách từ đầu năm đến nay.

Ông Trần Công Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép cho biết, kim ngạch nhập khẩu của nhiều mặt hàng ghi nhận mức tăng cao trong 4 tháng đầu năm như xăng dầu tăng 516%, bắp hạt tăng 99%, sắt thép tăng 67%, khí gas hóa lỏng tăng 46%, than tăng 45%.

Theo ông Thái Hoài Nam - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Phú Mỹ, hoạt động của các doanh nghiệp FDI đang dần ổn định trở lại, tuy chưa bằng giai đoạn 2021-2022 nhưng cũng giúp tình hình thu ngân sách tại đơn vị ngày càng khả quan.

Cục Hải quan Lào Cai cũng ghi nhận số thu tăng trưởng khá so với cùng kỳ 2023. Từ đầu năm đến 15/5, toàn cục thu ngân sách là 452,4 tỷ đồng, đạt 43% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao, tăng 43,6% so với cùng kỳ năm 2023. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: gỗ ván bóc, sầu riêng, thanh long, sắn, chuối xanh, quả vải, giày dép, cà phê, phốt pho vàng...

Hàng nhập khẩu chủ yếu là nông sản, phân bón, hóa chất, than cốc, điện năng, plastic, các sản phẩm bằng plastic, sắt thép và các sản phẩm từ sắt thép, máy và các thiết bị cơ khí, bánh kẹo... Một nguyên nhân giúp số thu của Hải quan Lào Cai tăng là do đơn vị đã đốc thúc, thu hồi được nợ thuế hiệu quả từ Công ty CP Khai thác chế biến khoáng sản Lào Cai (hơn 56 tỷ đồng).

Công tác thu nộp ngân sách nhà nước của Cục Hải quan Hà Tĩnh cũng gặt hái nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, tính đến hết ngày 25/5, đơn vị đã thu gần 3.800 tỷ đồng, bằng 39,33% so với dự toán được giao và tăng 13,77% so với cùng kỳ năm 2023.

Số thu của Hải quan Hà Tĩnh đạt khá chủ yếu do Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh tăng cường nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ sản xuất. Kim ngạch các mặt hàng có số nộp ngân sách lớn như: quặng sắt tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2023; phế liệu tăng 94,9%; hợp kim tăng 2%...

Bên cạnh đó, những tháng đầu năm, Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng II, Công ty cổ phần Giải pháp năng lượng VINES Hà Tĩnh và Công ty TNHH Giải pháp năng lượng cao V-G tiếp tục duy trì nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư để xây dựng hoàn thiện nhà máy cũng góp phần tăng thu thuế xuất nhập khẩu cho Hà Tĩnh.

Tiếp tục tăng cường các giải pháp chống thất thu

Mặc dù số thu từ đầu năm đến nay tương đối khả quan, song triển vọng các tháng tới vẫn tiềm ẩn khó khăn. Do đó, toàn ngành Hải quan, đặc biệt là các đơn vị trực tiếp làm thủ tục xuất nhập khẩu đóng tại địa phương sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp tăng thu.

Trước tiên là triển khai đồng bộ các giải pháp; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa để phấn đấu hoàn thành cao nhất chỉ tiêu thu ngân sách năm 2024.

Bên cạnh đó, các đơn vị giải quyết kịp thời các phát sinh liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế, công tác quản lý thuế, hoàn thuế, miễn thuế, thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hải quan, thủ tục hành chính thuế, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Đồng thời, cơ quan hải quan tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc khai báo hàng hóa xuất nhập khẩu về tên hàng, mã số hàng hóa, lượng, trị giá, thuế suất... đảm bảo thu đúng, thu đủ các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định.

Đặc biệt là các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó tập trung kiểm tra, rà soát về số lượng, trị giá, mã số, xuất xứ... đối với các mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch nhập khẩu lớn, tần suất nhập khẩu nhiều; đẩy mạnh quản lý rủi ro thông qua phân tích xác định trọng điểm trong hoạt động xuất nhập khẩu đối với các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn đơn vị quản lý, hướng doanh nghiệp tới tuân thủ trong việc thực hiện các chính sách hàng hóa, chính sách thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu…/.