Đánh thuế giao dịch vàng, có thể có nhiều kịch bản để thực thi
Nguồn: TTXVN Đồ họa tư liệu

Có thu nhập thì nên chịu thuế

Hiện nay, hầu hết các hoạt động có thu nhập, bao gồm đầu tư của cá nhân, tổ chức và ngay cả thu nhập từ lao động cũng đều phải chịu thuế thu nhập.

Chẳng hạn như với bất động sản, thu nhập chịu thuế là khoản thu nhập nhận được từ việc chuyển nhượng bất động sản, bao gồm các hoạt động như chuyển nhượng quyền sử dụng đất và khoản thu nhập từ việc ủy quyền quản lý bất động sản mà người được ủy quyền có quyền chuyển nhượng bất động sản, hoặc có quyền như người sở hữu bất động sản theo quy định của pháp luật. Mức thuế suất đối với hoạt động này được tính trên giá chuyển nhượng nhân với tỷ lệ 2%.

Đánh thuế giao dịch vàng, đề xuất nhiều kịch bản để thực thi

Điều tiết hoạt động giao dịch vàng bằng thuế

"Thuế là một công cụ điều tiết của Nhà nước đối với các hoạt động kinh tế và hiện nay cũng đang có nhiều quan điểm trong bối cảnh người dân đổ xô đi mua vàng, đầu cơ, tích trữ vàng. Do đó đến một lúc nào đó, Nhà nước cũng có thể sử dụng thuế để điều tiết hoạt động giao dịch mua bán vàng của người dân, vì đây không chỉ là điều tiết thu nhập mà còn điều tiết hành vi của xã hội". TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Cùng với đó, thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán được quy định, mọi trường hợp chuyển nhượng chứng khoán đều phải khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng trước khi thanh toán cho người chuyển nhượng. Ngoài ra, các khoản thu nhập khác từ lãi trên các tài sản chứng khoán như cổ tức, hoặc lãi trái phiếu phải chịu thuế với tỷ lệ 5% trên tổng thu nhập được thu hưởng từ các khoản lãi này.

Không những các hoạt động đầu tư, nhiều hoạt động khác người dân cũng phải chịu thuế thu nhập cá nhân như các khoản thu nhập từ trúng thưởng, thu nhập từ bản quyền, thu nhập từ tiền lương tiền công…

Theo đó, thời gian gần đây, một số ý kiến và quan điểm đặt ra vấn đề cho rằng, việc các nhà đầu tư tham gia các hoạt động mua bán vàng và có thể có các khoản thu nhập lớn từ việc giá vàng tăng cao, nhưng không phải chịu thuế thu nhập là điều phi lý, không công bằng với các hoạt động khác có thu nhập.

Với tính chất như trên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc cần cân nhắc xem việc có nên đánh thuế đối với hoạt động mua bán vàng không, trên cơ sở đối chiếu so sánh với các hoạt động có thu nhập khác. TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, để quản lý thị trường vàng phải có những giải pháp căn cơ, quan tâm đầy đủ đến xây dựng biện pháp quản lý vàng trên cơ sở học tập kinh nghiệm các nước khác, trong đó giải pháp quản lý bằng thuế có ý nghĩa quan trọng nhất. Ngoài ra, một số nước còn thực hiện các giải pháp khác như quản lý bằng quota, hoặc chống độc quyền hạn chế cạnh tranh, gian lận thương mại…

Sẽ cần cân nhắc nhiều kịch bản

Các chuyên gia cho rằng, việc thực hiện công cụ thuế không chỉ nhằm mục đích tăng thu ngân sách, mà đây còn là công cụ để điều tiết hành vi, theo đó các hoạt động nào không khuyến kích thì có thể dùng công cụ thuế để hạn chế.

Riêng với thị trường vàng, trong 10 năm vừa qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong việc chống vàng hóa ở một mức độ nào đó. Người dân hiện nay không còn dùng vàng như đơn vị để thanh toán, các ngân hàng không huy động vàng, không cho vay vàng. Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều thời điểm dòng tiền trong xã hội bị thu hút vào vàng và theo thống kê không chính thức của một số nhà kinh tế thời gian qua, hiện đang có khoảng hơn 400 tấn vàng đang nằm “ngủ” trong dân. Đây là một nguồn lực rất lớn trong xã hội đang bị lãng phí. Đặc biệt, trong một số giai đoạn thị trường vàng tăng giá thì ngoài hoạt động tích trữ của người dân, còn có thêm dòng tiền đầu cơ bị thu hút vào thị trường vàng.

Trong bối cảnh hiện tại, việc đặt ra vấn đề đánh thuế, theo đó còn nhằm tới mục tiêu coi đây là một trong những công cụ hạn chế dòng tiền trong xã hội đang bị hút vào đầu tư và đầu cơ vàng, qua đó điều hướng nguồn lực sang các kênh đầu tư tạo ra giá trị gia tăng cao cho xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay vấn đề đặt ra là nếu thực hiện đánh thuế với hoạt động này thì cách thức đánh thuế như thế nào để phù hợp với bối cảnh thực tế. TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế cho biết, quan điểm với đầu tư vàng thì đây là hoạt động không nên khuyến khích vì việc người dân cất trữ và đầu cơ vàng là hoạt động không có lợi cho nền kinh tế.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc đánh thuế có thể có 2 phương án là đánh trên giá trị tại thời điểm bán và đánh trên chênh lệch mua vào/bán ra. Tuy nhiên, việc đánh thuế trên chênh lệch mua/bán sẽ khó thực hiện hơn vì việc lưu trữ và khai báo dữ liệu về giá của người dân tại thời điểm mua vào sẽ khá khó khăn. Bên cạnh đó, với quan điểm coi thuế là một công cụ hạn chế đầu cơ lĩnh vực này thì đánh trên doanh thu là khá hợp lý. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, việc đánh thuế với hoạt động đầu tư giao dịch vàng cũng phải xem xét trên cơ sở đối chiếu với thuế đối với các hoạt động khác.

Chẳng hạn như hiện nay có một số hoạt động cũng đang thực hiện đánh thuế trên doanh thu như giao dịch cổ phiếu và bất động sản, nhưng mức thuế áp dụng đang khác nhau khá xa. Với thuế giao dịch cổ phiếu, mức thuế chỉ là 0,1% trên tổng giá trị cổ phiếu, còn thuế với bất động sản thì mức thuế là 2%.

Theo ông Hiếu, thời gian đầu áp dụng việc đánh thuế với giao dịch vàng thì khả năng không nên đánh cao như bất động sản để người dân có thời gian thích nghi với việc từ trạng thái không bị đánh thuế sang trạng thái bị đánh thuế. Tuy nhiên, với quan điểm vàng là kênh đầu tư không nên khuyến khích thì cũng không để mức thuế quá thấp, vì vậy, cá nhân ông Hiếu khi đưa quan điểm cho rằng nên để mức trên 1%, nhưng dưới 2% là hợp lý. Mặc dù vậy, ông Hiếu cũng cho rằng, việc này sẽ cần phải có sự phân tích kỹ lưỡng các yếu tố trên cơ sở cân đo sự ảnh hưởng đến thị trường và hành vi của người dân đối với từng phương án.

Đánh thuế giao dịch vàng, có thể có nhiều kịch bản để thực thi

PGS. TS NGUYỄN THỊ MÙI - THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG TƯ VẤN CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH TIỀN TỆ QUỐC GIA: Có nhiều kênh đầu tư hợp lý, không nhất thiết phải đầu tư vào vàng

Tôi cho rằng, việc áp dụng các chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường. Đặc biệt đối với những đối tượng mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng; giải pháp trên có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng.

Bên cạnh đó, việc áp dụng thuế sẽ đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, hiện nay các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản… đang áp dụng thuế thu nhập cá nhân, do đó mua bán vàng cũng nên áp dụng chính sách thuế phù hợp.

Ở góc độ đầu tư, theo tôi người dân phải rất cân nhắc trong bối cảnh hiện nay, có rất nhiều kênh đầu tư có thể kiếm lời cho người dân. Một số người dân tiền ít vẫn muốn đi mua vàng, theo tôi điều đó không phù hợp và với những người dư dật không nhiều thì kênh giữ tiền phù hợp vẫn là gửi tiền tiết kiệm. Trường hợp những người chưa có đủ điều kiện để đầu tư chứng khoán, hoặc nguồn lực vốn để đầu tư bất động sản thì gửi tiết kiệm vẫn phù hợp hơn là mua gom và giữ vàng.

Đánh thuế giao dịch vàng, đề xuất nhiều kịch bản để thực thi

TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU - CHUYÊN GIA KINH TẾ: Khả năng đánh thuế dựa trên doanh thu là phù hợp với thực tế

Cá nhân tôi ủng hộ việc đánh thuế thu nhập cá nhân trên kinh doanh mua bán vàng, vì nó là hoạt động tạo thu nhập và về nguyên tắc, tất cả các hoạt động kinh tế tạo ra thu nhập và lợi nhuận cần phải được đánh thuế.

Vấn đề đặt ra là đánh thuế như thế nào. Có 2 cách để đánh thuế. Thứ nhất là đánh trên doanh thu và cách thứ hai là đánh trên lợi nhuận. Nếu đánh trên doanh thu thì cơ quan thuế không cần quan tâm việc nhà đầu tư đã mua vào với giá nào, chỉ khi bán ra thì sẽ bị đánh thuế trên cơ sở một tỷ lệ phần trăm nào đó của giá bán. Trường hợp đánh thuế trên lợi nhuận thì phải có cả 2 thông số giá mua và giá bán và đánh thuế trên cơ sở lấy giá bán trừ giá mua để tính ra lợi nhuận của nhà đầu tư để đánh trên phần lợi nhuận đó.

Về mặt thực tiễn, vàng có thể được nhiều người dân mua từ thời gian trước đây và có thể rất nhiều người không còn lưu giữ chứng từ mua để có thông tin giá họ đã mua là bao nhiêu. Do đó, giải pháp hợp lý có thể thực hiện là nên đánh thuế trên doanh thu, tức chỉ cần có thông tin giá bán ra khi họ đem vàng đi bán để xác nhận mức thuế phải chịu.

Về mức thuế thì chúng ta cũng có thể cân nhắc nhiều giải pháp, có thể đánh lũy tiến, tức là giá trị vàng giao dịch cao thì mức thuế càng nhiều hoặc có thể đánh cào bằng cùng một tỷ lệ như nhau không phụ thuộc vào khối lượng và giá trị. Tuy nhiên, đây chỉ là một số ý kiến gợi mở, thực tế nên làm thế nào cần có sự bàn bạc nghiên cứu kỹ lưỡng về những ảnh hưởng khác nhau của từng phương án.

Đánh thuế giao dịch vàng, có thể có nhiều kịch bản để thực thi
PGS. TS ĐINH TRỌNG THỊNH - CHUYÊN GIA KINH TẾ: Nghiên cứu đánh thuế để hướng tới minh bạch thị trường vàng

Theo Luật Quản lý thuế, các doanh nghiệp bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) từ ngày 1/7/2022. Xăng dầu, một lĩnh vực tương đối khó, cũng đã chuyển đổi sang HĐĐT. Trong khi đó, lĩnh vực rất quan trọng và cần quản lý là kinh doanh vàng lại chưa “làm căng” việc áp dụng HĐĐT.

Để kiểm soát thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã có những hành động quyết liệt trong quản lý ngoại hối, nhưng lại chưa đẩy mạnh vấn đề xuất HĐĐT khi mua, bán vàng. Đây là vấn đề cần phải nhìn nhận và thay đổi.

Để quản lý thị trường vàng một cách công khai, minh bạch, việc xuất HĐĐT và kết nối với cơ quan thuế là điều bắt buộc. Khi tất cả đều phải xuất hóa đơn thì khối lượng giao dịch, lượng mua - bán sẽ được đong đếm chính xác, cơ quan quản lý Nhà nước cũng có đủ thông tin để quản lý, đưa ra những chính sách phù hợp để điều tiết thị trường vàng.

Từ trước đến nay, hoạt động kinh doanh vàng chưa bị đánh thuế vì phần lớn người dân chỉ mua vàng để tích trữ, không phát sinh hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, trong thời gian qua, một số cá nhân đã có hiện tượng kinh doanh vàng và cũng đã đến lúc chúng ta cần phải đánh thuế vàng./.