Thúc đẩy công trình xanh, khu vực công phải đóng vai trò dẫn dắt

Trụ sở Viettel là công trình đạt tiêu chuẩn của Hiệp hội Xây dựng xanh Hoa Kỳ. Ảnh: TL.

Không nên e ngại suất đầu tư ban đầu

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, đến nay Việt Nam chưa có một công trình xây dựng nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng 0. Với công trình công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp hiện có duy nhất dự án nhà máy Lego của Đan Mạch đang triển khai xây dựng tại Bình Dương nhà đầu tư cam kết sau khi hoàn thiện sẽ là nhà máy “net Zero”. Đó là thách thức lớn khi chỉ còn hơn 27 năm để Việt Nam thực hiện cam kết tại Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, cũng như tại Hội nghị COP26 về thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, hiện nay, trong số 233 công trình xanh đã được chứng nhận, thì chỉ có 5 công trình thuộc nhóm đầu tư công. Ngay với Bộ Xây dựng, đến năm 2022 mới có 1 công trình được chứng nhận tạm thời đạt tiêu chuẩn công trình xanh.

Theo các chuyên gia, từ nhiều năm qua phần lớn các chủ đầu tư đều có tâm lý e ngại áp lực suất đầu tư ban đầu.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ - SIHUB lại cho rằng, khoảng 10 năm trở về trước, suất đầu tư cho công trình xanh là khá lớn, khiến các chủ đầu tư khó theo đuổi.

Còn hiện nay, các vật liệu, thiết bị, công nghệ xanh đã tiệm cận với mặt bằng chung giá cả thị trường vật liệu xây dựng. Đây là điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư khi triển khai công trình mới. Ông Tước cho rằng, một công trình xanh phải được định hình ngay từ bước đầu tiên là thiết kế công trình.

Theo bà Đỗ Thị Ngọc Diệp - Quản lý Chương trình công trình xanh Việt Nam, Tổ chức tài chính quốc tế IFC, suất đầu tư các dự án xanh không vượt quá 3% tổng mức đầu tư thông thường. Chỉ sau 2-3 năm chủ đầu tư thu hồi vốn đầu tư ban đầu.

Chuyên gia từ IFC cũng đưa ra lời khuyên: nếu các nhà đầu tư đang gặp khó khăn huy động vốn trong nước, thì hoàn toàn có thể tìm đến nguồn vốn xanh nước ngoài. Bà Diệp dẫn ra trường hợp của BIM Land trong năm 2021 đã thành công huy động 200 triệu USD trái phiếu xanh trên sàn chứng khoán Singapore (SGX).

Sau COP 26, sự quan tâm của thế giới với công trình xanh đã thay đổi mạnh mẽ. Kết quả khảo sát của PWC vào cuối 2021 cho thấy, các nhà đầu tư đang ưu tiên nhiều hơn với các dự án, công ty có chỉ số bền vững. IFC đánh giá, cơ hội thu hút đầu tư vào công trình xanh tại Việt Nam giai đoạn ngắn hạn đến 2025 là 22,16 tỷ USD.

Tính đến nay, vốn đối ứng của IFC đã thúc đẩy 7,5 tỷ USD đầu tư vào công trình xanh trên toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, đầu tư trực tiếp vào các dự án xanh đã lên đến 354 triệu USD từ nguồn vốn IFC và nguốn vốn do IFC đã huy động cho các dự án xanh.

Hoàn thiện khung pháp lý để ràng buộc trách nhiệm chủ đầu tư

Mới đây, chia sẻ tại sự kiện tuần lễ công trình xanh 2022, ông Tim Evans - Tổng giám đốc ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, ngân hàng này cam kết hỗ trợ thu xếp nguồn vốn lên tới 12 tỷ USD tài trợ cho các dự án bền vững và các doanh nghiệp tại Việt Nam đến năm 2030.

Tính tới tháng 8/2022, HSBC Việt Nam đã tham gia thu xếp được hơn 1,3 tỷ USD tài chính xanh cho Việt Nam, đạt được 10% mục tiêu đề ra, đồng thời tham gia hỗ trợ các dự án xanh và bền vững quan trọng tại Việt Nam, góp phần vào việc giúp nền kinh tế giảm phát thải carbon.

Điểm thuận lợi là các tổ chức quốc tế như IFC, HSBC đều xác lập giá trị các chứng chỉ công trình xanh hiện nay khi cho phép cơ quan quản lý có thể tính toán được chính xác tỷ lệ năng lượng tiết kiệm.

Thúc đẩy công trình xanh, khu vực công phải đóng vai trò dẫn dắt

Tại Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022, các tổ chức tài chính quốc tế cam kết dành vốn ưu đãi cho các dự án công trình xanh. Ảnh: Gia Cư

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp hiện đang vướng ở quy định suất đầu tư, về định mức đơn giá cho các công trình đầu tư công. Để tháo gỡ vấn đề này, cần có sự vào cuộc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước… để đảm nhiệm “vai trò dẫn dắt của khu vực công trong khung khổ pháp lý”.

Giới chuyên môn đều thống nhất, việc đầu tiên là cần hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải. Thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng tiếp cận tiêu chí công trình xanh không chỉ dừng ở khuyến khích mà phải được pháp lý hóa để ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư các dự án.

Theo TS.KTS Lê Thị Bích Thuận - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng, việc đánh giá công trình xanh phục vụ công tác quản lý nhà nước nhìn chung chưa có một công cụ mang tính pháp lý. Điều này dẫn đến việc chứng nhận các công trình xanh đang phát triển tự phát, các công trình sau khi được chứng nhận cũng không được giám sát, kiểm tra cũng như duy trì thương hiệu. Bà Thuận cho rằng, nhiều công trình được gắn mác “xanh, sinh thái”, nhưng không chứng minh được các số liệu cho thấy đã đóng góp tích cực cho môi trường hay xã hội.

Ước tính, năng lượng sử dụng trong các công trình xây dựng chiếm gần 35% tổng năng lượng của các quốc gia. Trong khi đó, số liệu của Tổ chức tài chính quốc tế IFC cho thấy, các công trình xây dựng tuân thủ quy chuẩn QCVN 09:2017/BXD (về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả) tiết kiệm được 15-35% năng lượng so với các công trình được thiết kế và xây dựng theo cách thông thường. Như vậy, nếu trong từng công trình xây dựng đạt được hiệu quả tiết kiệm năng lượng theo tiêu chuẩn thì cắt giảm rất lớn tổng tiêu hao năng lượng quốc gia.