Tìm giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế Vùng động lực phía Bắc
TS. Phạm Thu Phong - Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: Đức Minh.

Diễn đàn có sự tham dự của các diễn giả, chuyên gia như: TS. Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương; TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính); TS. Đỗ Minh Thụy - Trường Đại học Hải Phòng; ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM).

Tham dự diễn đàn có đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; đại diện nhiều sở, ngành của TP. Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh, thành trong vùng. Diễn đàn thu hút sự quan tâm tham dự của đại diện gần 200 doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong vùng và trên 20 cơ quan thông tấn báo chí trung ương, địa phương.

Nhiều đóng góp quan trọng

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Phạm Thu Phong - Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam nhấn mạnh, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với 3 hạt nhân là TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng, Quảng Ninh - là vùng chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh.

Phát huy tiềm năng, lợi thế, trong những năm qua, các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động đa dạng và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư phát triển.

Nhờ đó, sức cạnh tranh của nền kinh tế ngày càng tăng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu hút đầu tư nước ngoài tăng mạnh; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của vùng đạt 9,08%/năm, cao nhất trong các vùng kinh tế trọng điểm.

Thu ngân sách nhà nước của các địa phương trong vùng đều đạt và vượt dự toán. Từ năm 2017, tất cả 7 địa phương trong vùng đều có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách của cả nước. TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh luôn nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có số thu lớn nhất nước.

Tuy đạt được nhiều kết quả ấn tượng, nhưng Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đang phải đối mặt với không ít thách thức như: chưa có nhiều các dự án lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ chất lượng cao; năng lực đổi mới sáng tạo và sức cạnh tranh của các địa phương trong vùng không đồng đều; liên kết giữa các địa phương trong vùng chưa thực chất...

Tìm giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế Vùng động lực phía Bắc
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Đức Minh.

Cần cơ chế, chính sách phù hợp

Cũng theo TS. Phạm Thu Phong, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng.

Năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 138/NQ-CP quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tập trung phát triển 4 vùng động lực quốc gia và các hành lang kinh tế, trong đó có Vùng động lực phía Bắc (gồm tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh).

Đây là bước ngoặt lớn, là hành lang pháp lý quan trọng, mở ra cơ hội mới, động lực mới cho các địa phương trong vùng chủ động khai thác lợi thế, phát huy triệt để nội lực tiếp tục bứt phá mạnh mẽ.

Thực tế cho thấy, mỗi vùng động lực đều có những đặc điểm, tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức mang tính đặc thù riêng. Để phát huy được tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng và cả nước, bên cạnh những chủ trương, chính sách phát triển chung cho cả nước rất cần thiết phải có các cơ chế, chính sách phát triển cụ thể, sát hợp, phù hợp với từng vùng.

Nhằm kịp thời tuyền truyền các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương, đồng thời tạo diễn đàn trao đổi, tiếp nhận ý kiến của nhà đầu tư, các chuyên gia và nhà khoa học tham gia đóng góp vào xây dựng, hoàn thiện cơ chế, đặc biệt là huy động các nguồn lực đưa Vùng động lực phía Bắc tiếp tục đổi mới, sáng tạo, bứt phá, Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp với VCCI Hải Phòng tổ chức “Diễn đàn Kinh tế - Tài chính 2023” với chủ đề: “Đổi mới, sáng tạo, phát triển, bứt phá Vùng động lực phía Bắc”.

Tìm giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế Vùng động lực phía Bắc
Diễn đàn thu hút sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp. Ảnh: Đức Minh.

Tại diễn đàn, nhiều nội dung đã được các diễn giả, chuyên gia và đại biểu tham dự thảo luận sôi nổi như: Thời cơ và thách thức Vùng động lực phía Bắc; động lực mới cho quá trình đổi mới sáng tạo, phát triển Vùng động lực phía Bắc; các giải pháp huy động nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội vùng; hoàn thiện thể chế để vùng đổi mới, bứt phá.

Các nội dung được thảo luận, phân tích tại diễn đàn đều là những ý kiến, đề xuất mang tính xây dựng, cung cấp nhiều góc nhìn, kiến nghị của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp… gửi tới các cơ quan quản lý nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và quy hoạch, đưa Vùng động lực phía Bắc tiếp tục đổi mới, sáng tạo, bứt phá, đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.