Dù hạ nhiệt, song nhu cầu còn lớn

Thống kê cho thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sơ cấp về cơ bản vẫn được vận hành tương đối bình thường trong quý đầu năm 2022. Trong quý I/2022, tổng lượng trái phiếu phát hành (tính cả riêng lẻ và phát hành ra công chúng) đạt 61,9 nghìn tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, sau các động thái từ Chính phủ và các cơ quan quản lý trong việc lập lại trật tự và tăng cường tính minh bạch, công khai thì thị trường TPDN, đặc biệt là phát hành riêng lẻ đang có dấu hiệu hạ nhiệt tính từ đầu tháng 4 tới nay.

Nguồn: HNX, SSI tổng hợp Đồ họa: SSI

Theo số liệu từ SSI Research, nếu so sánh theo quý, lượng phát hành trong quý I/2022 đã giảm hơn 74% so với quý IV/2021, cho thấy hoạt động trên thị trường sơ cấp đã kém sôi động hơn. Trên thực tế, các doanh nghiệp bất động sản vẫn tích cực đẩy mạnh phát hành TPDN trong quý I với tổng khối lượng là 38,2 nghìn tỷ đồng (chiếm tới 62% tổng lượng phát hành) và tập trung chủ yếu trong tháng 1 và 3 (trước khi xảy ra sự kiện Tân Hoàng Minh). Sang tháng 4, lượng trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành đã giảm mạnh, khi chỉ ghi nhận 820 tỷ đồng (so với mức bình quân theo tháng trong năm 2021 là 26 nghìn tỷ đồng). Trong khi đó, các ngân hàng thương mại thường chưa đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong quý I nên chỉ ghi nhận phát hành mới 9,7 nghìn tỷ đồng, và tăng tốc phát hành trở lại trong tháng 4 (18,6 nghìn tỷ đồng).

Tuy nhiên, các chuyên gia của SSI Research lưu ý rằng, môi trường lãi suất trong năm 2022 được kỳ vọng vẫn tích cực khi chính sách tiền tệ của Việt Nam có độ trễ so với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, cũng như Chính phủ nhấn mạnh 2022 và 2023 là hai năm hồi phục, do vậy áp lực lên chi phí tài chính khi phát hành TPDN là chưa nhiều. Mặt khác, số TPDN đáo hạn trong 2 năm 2022-2023 ước khoảng 540 nghìn tỷ đồng và chiếm khoảng 36% lượng TPDN lưu hành, dẫn đến nhu cầu phát hành để đảm bảo vòng quay vốn của các doanh nghiệp khá cao. Cùng với đó, “hoạt động sản xuất kinh doanh được kỳ vọng sẽ sôi động hơn năm 2021 khi nền kinh tế đang mở cửa trở lại sau đại dịch. Do vậy, nhu cầu phát hành TPDN dự kiến vẫn rất dồi dào” – Chuyên gia của SSI Research cho hay.

Vẫn là sản phẩm thị trường vốn quan trọng

Phát biểu tại hội thảo "Truyền thông số thúc đẩy phục hồi kinh tế: Xu hướng dòng tiền", do VTVDigital tổ chức sáng 24/5, ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng cho rằng: “Tinh thần chung là thị trường TPDN vẫn cần phải phát triển mạnh hơn nữa vì đây là kênh rất quan trọng để dẫn vốn cho doanh nghiệp”.

Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết thêm, để thị trường TPDN phát triển bền vững, thì cần hội tụ nhiều yếu tố như: nhà phát hành (báo cáo tài chính kiểm toán, tổ chức thẩm định giá); công ty chứng khoán (tư vấn phát hành); nhà đầu tư mua trái phiếu và cơ chế giám sát thị trường.

Theo nhận định của SSI Research, thị trường TPDN cần được xây dựng như là sản phẩm của thị trường vốn dù đặc thù có tính trung, dài hạn. Chính phủ mục tiêu vẫn đang định hướng phát triển thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào tín dụng ngân hàng, do vậy việc phát triển thị trường TPDN riêng lẻ là cần thiết.

Tính đến cuối năm 2021, quy mô của thị trường TPDN vào khoảng 18% GDP, thấp hơn so với mục tiêu của Chính phủ là dư nợ thị trường TPDN đạt khoảng 20% GDP vào năm 2025. “Các động thái gần đây của Chính phủ nên được nhìn nhận là cách để có thể thanh lọc thị trường tốt hơn, hạn chế sự tham gia của các doanh nghiệp yếu kém, chống gian lận và tạo môi trường tích cực cho các doanh nghiệp tốt tham gia thị trường” – chuyên gia của SSI Research nhấn mạnh.

Tăng minh bạch để nhà đầu tư đánh giá được rủi ro tốt hơn “Đối với các nhà đầu tư cá nhân, cần phải nhấn mạnh rằng bản chất vận hành của thị trường TPDN là thị trường vốn, nghĩa là có rủi ro và lợi nhuận (lợi suất trái phiếu) được định giá trên cơ sở rủi ro. Do vậy, điều quan quan trọng là có các cơ chế để tăng cường tính minh bạch hóa của thị trường, giúp nhà đầu tư có thể đánh giá tốt hơn những rủi ro có thể gặp phải” – SSI Research.