Trái phiếu doanh nghiệp phục hồi, giảm bớt áp lực vốn cho ngân hàng
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh

Trái phiếu doanh nghiệp ấm lại

Theo Bộ Tài chính, kể từ quý II/2023 tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có dấu hiệu cải thiện, khối lượng phát hành tăng. Số liệu cụ thể trong 10 tháng cho thấy, có 70 doanh nghiệp phát hành với khối lượng 180,4 nghìn tỷ đồng. Riêng trong tháng 10/2023, khối lượng phát hành là 41 nghìn tỷ đồng, tăng 17 nghìn tỷ đồng so với tháng 9. Từ đầu năm, các doanh nghiệp đã mua lại lượng trái phiếu trước hạn là 190,7 nghìn tỷ đồng (cao hơn tổng số phát hành). Riêng trong tháng 10/2023, các doanh nghiệp đã mua lại khoảng 14,2 nghìn tỷ đồng.

Kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế

Năm 2023, Bộ Tài chính đưa vào vận hành thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ nhằm hỗ trợ thanh khoản của thị trường, tăng cường tính minh bạch thị trường thứ cấp. Theo Ủy ban chứng khoán Nhà nước, hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ sẽ phát triển ổn định, hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển và ổn định của thị trường chứng khoán nói chung và thị trường TPDN riêng lẻ nói riêng, tạo kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính, sự hồi phục tích cực của thị trường TPDN là cộng hưởng của cả các chính sách quyết liệt của Chính phủ và sự chuyển biến của các chủ thể tham gia thị trường.

Trước một số vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến phát hành TPDN gây ra những bất ổn trên thị trường TPDN như đã diễn ra năm trước, lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để ổn định kinh tế vĩ mô. Các giải pháp đưa ra trên cơ sở điều hành linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, có dòng tiền để trả nợ nói chung và nợ TPDN nói riêng.

Nếu tính riêng kể từ khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (tháng 3/2023), khối lượng phát hành TPDN đạt 179,5 nghìn tỷ đồng. Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết, Nghị định 08 được ban hành thể hiện sự quan tâm, nỗ lực của Chính phủ đối với sự phát triển của thị trường.

Cụ thể, Nghị định 08 đã hình thành các khuôn khổ pháp lý chính thức hỗ trợ doanh nghiệp chân chính có biện pháp tái cấu trúc nợ trên nguyên tắc thỏa thuận tự nguyện với nhà đầu tư để vượt qua giai đoạn khó khăn do các biến động khách quan, bất khả kháng của môi trường kinh doanh. Việc giãn thời hạn áp dụng một số qui định mới nhằm giúp các thành phần tham gia thị trường có thêm thời gian chuẩn bị thích ứng hiệu quả hơn.

Giảm áp lực cho dòng vốn ngân hàng

Giảm áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Việc thị trường TPDN có phần ấm lên phần nào đã giảm bớt áp lực cho nhu cầu vốn đối với nền kinh tế, đặc biệt góp phần “giảm tải” cho hệ thống các ngân hàng thương mại.

Thời gian qua, các doanh nghiệp cũng đặt nhiều kỳ vọng đối với dòng vốn tín dụng, đặc biệt, Hiệp hội Doanh nghiệp bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HOREA) trong giai đoạn nửa cuối tháng 11 đã liên tục gửi 2 văn bản lên Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước kiến nghị nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến tín dụng cho lĩnh vực này.

Một trong những nội dung HOREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước là tiếp tục thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong một thời gian nhất định cho đến khi nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng trở lại bình thường. Theo HOREA, việc này để tăng khả năng “chống chịu” cho doanh nghiệp và có thêm cơ hội tiếp cận được các khoản vay tín dụng mới.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này thời gian qua đã thực hiện khá nhiều các cuộc họp với các doanh nghiệp nhằm tìm ra các giải pháp tối ưu để khơi thông dòng tín dụng. Tuy nhiên một mặt khác, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước cũng tỏ ra khá thận trọng, đặc biệt là nợ xấu bất động sản cũng đang có tín hiệu tăng trong giai đoạn từ 1,72% vào cuối năm 2022 lên 2,89% vào cuối quý III/2023.

Trong khi đó, việc giãn, hoàn nợ theo Thông tư 02 cũng đã từng được một số chuyên gia cho rằng đó chỉ là giải pháp tình thế vì bản chất là đẩy rủi ro vào tương lai. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại hiện cũng đang chịp áp lực trong việc phải cân đối điều tiết các nguồn vốn vì tỷ lệ vốn ngắn hạn được phép cho vay trung và dại hạn đã giảm xuống 30% từ quý IV/2023, thay vì mức 34% như trước kia.

Trong khi đó, thực tế nhu cầu vốn cho nền kinh tế vẫn rất lớn, tại công điện mới ban hành cuối tháng 11, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng. Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng phải bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tuyệt đối không để tắc nghẽn, ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm. Trường hợp có nội dung vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định.

ÔNG NGUYỄN HOÀNG DƯƠNG - PHÓ VỤ TRƯỞNG VỤ TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG (BỘ TÀI CHÍNH): Nhận thức chấp hành pháp luật đã có sự chuyển biến

Trái phiếu doanh nghiệp phục hồi, giảm bớt áp lực vốn cho ngân hàng

Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản…

Về phía các chủ thể khác tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp, sau khi các chính sách được ban hành đồng bộ, công tác tuyên truyền về thị trường trái phiếu doanh nghiệp được Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường. Theo đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cả doanh nghiệp phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ có chuyển biến mạnh mẽ, hiểu được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình khi tham gia thị trường hơn. Đây là yếu tố giúp thị trường minh bạch và phát triển bền vững.

Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi, yêu cầu các doanh nghiệp phải bố trí mọi nguồn lực để thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Các doanh nghiệp nếu có khó khăn trong thanh toán thì phải làm việc, đàm phán với các nhà đầu tư để thống nhất phương án cơ cấu lại trái phiếu.

ÔNG RITESH MAHESHWARI - GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH, PHỤ TRÁCH KHU VỰC ĐÔNG NAM Á (S&P GLOBAL RATINGS): Thị trường trái phiếu là yếu tố quan trọng để phân bổ nguồn vốn

Trái phiếu doanh nghiệp phục hồi, giảm bớt áp lực vốn cho ngân hàng

Ở hầu hết các nền kinh tế, việc phát triển thị trường trái phiếu là yếu tố quan trọng để có thể phân bổ nguồn vốn hiệu quả. Trong đó, thị trường thứ cấp cũng có vai trò quan trọng và để thị trường này sôi động cần có nền tảng nhà đầu tư đa dạng và thanh khoản tốt.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, minh bạch thông tin là một trong những yếu tố quan trọng vì nó giúp cung cấp thêm các thông tin cần thiết đến nhà đầu tư, giúp cải thiện các quyết định đầu tư và góp phần đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính quốc gia.

Khi cơ sở nhà đầu tư mở rộng, hoạt động xếp hạng tín nhiệm và đánh giá chặt chẽ các tổ chức phát hành giúp nhà đầu tư thẩm định độ tin cậy về khả năng thanh toán và nâng cao tính minh bạch.

Đây cũng là phương tiện tốt để các cấp lãnh đạo có thể tìm thấy các yếu tố để cải thiện, đó là gia tăng độ sâu thị trường trái phiếu thông qua các chỉ số đánh giá về các tổ chức phát hành, kết hợp phân tích so sánh với các doanh nghiệp tương đồng cũng như các tài sản khác.