Tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%
Các đại biểu trao đổi tại cuộc tọa đàm.

Đó là thông tin tại cuộc tọa đàm về Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030" (Đề án) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức chiều 24/11.

Trình bày Đề án, TS. Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, mục tiêu của Đề án hướng đến hệ thống lại tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải nhà kính, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Địa bàn triển khai Đề án tại 12 tỉnh ĐBSCL (trừ Bến Tre) với tổng diện tích khoảng 1 triệu ha đến năm 2020. Giai đoạn 1 (2024-2025): củng cố 180.000ha của Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam; Giai đoạn 2 (2026-2030) mở rộng thêm 820.000ha.

Theo ông Thắng, đề án giúp nâng cao giá trị toàn chuỗi thêm 40%, tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%; 1 triệu hộ được đào tạo và áp dụng canh tác bền vững, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và giảm phát thải nhà kính, giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính.

Ông Cao Thăng Bình - đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết: "Tiếp nối thành công của dự án chuyển đổi lúa bền vững tại Việt Nan - VNSAT, WB sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong chương trình xây dựng 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Hiện nông dân Việt Nam đang được hưởng thụ thành quả từ giá gạo lên cao nhưng cũng phải bước vào một cuộc đua mới, cuộc đua về năng suất, chất lượng, cuộc đua về uy tín, trách nhiệm xã hội của hạt gạo với thế giới".

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho hay, đề án đang là mong mỏi của bà con nông dân và doanh nghiệp ở ĐBSCL và mong muốn đề án có quy chế rõ ràng, hướng dẫn cụ thể và hỗ trợ về mặt kỹ thuật cũng như hỗ trợ chung để định hướng cho bà con nông dân của doanh nghiệp tổ chức sản xuất lúa một cách bền vững.

Khẳng định vai trò của hạt gạo "không chỉ là thực phẩm mà còn là văn hóa, tâm linh", Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nói: "Chúng ta đã chuyển từ tư duy phát triển đơn giá trị sang đa giá trị trên một diện tích sản xuất, trong đó, có sản xuất lúa. Vì vậy phải định vị lại thu nhập của người nông dân trồng lúa khác đi. Không chỉ là hạt lúa, hạt gạo mà còn hoạt động khác từ sản xuất, chế biến, bảo quản, đến làm kinh tế như du lịch nông nghiệp và các nghề phi nông nghiệp khác".

Cũng theo Bộ trưởng, trong Nghị quyết số 19 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về "tam nông", lần đầu tiên đưa khái niệm chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tăng trưởng đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị trên một đơn vị diện tích. Đối với lúa gạo cũng đa dạng, từ lúa sen, lúa cá, lúa tôm, lúa rươi... bất cứ diện tích nào tuần hoàn được, giảm chi phí như vậy hạt gạo Việt mới có giá trị cao.

Thông qua tọa đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan truyền tải thông điệp "gieo sự thay đổi" từ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL để "gặt" được những giá trị của nền nông nghiệp tuần hoàn, phát thải thấp, bán tín chỉ carbon - đó mới là đích đến.

Dự kiến tổng nguồn vốn triển khai 1 triệu ha lúa chất lượng cao khoảng 650 triệu USD, trong đó nguồn vốn vay từ WB khoảng 400 triệu USD, tương đương hơn 61%. Đề án sẽ có 5 chương trình, nhiệm vụ cụ thể, bắt đầu triển khai từ năm 2024 đến năm 2030.