Chất lượng đường bộ ngày càng tốt lên

Theo ông Lê Hồng Điệp - Trưởng phòng Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam, thời gian qua, Cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo triệt để ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), vật liệu mới, tiên tiến vào công tác bảo trì đường bộ. Quá trình thực hiện có nhiều giải pháp KHCN tiên tiến, hiệu quả đã được áp dụng. Nhờ đó, hệ thống quốc lộ được duy trì ổn định, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân an toàn, thông suốt. Chất lượng đường sá ngày càng tốt lên, thời hạn khai thác kéo dài. Cụ thể, chiều dài đường rải bê tông nhựa tăng từ gần 50% năm 2015 lên gần 70% năm 2021, hàng nghìn km quốc lộ được mở rộng. Trên 40 điểm thường xuyên ngập lụt tại Tây Nam Bộ đã được sửa chữa, nâng cấp. Hàng trăm "điểm đen" và điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) đã được sửa chữa, khắc phục.

Tuy nhiên thời gian qua, nhiều quốc lộ đã sử dụng quá thời hạn, nhu cầu sửa chữa lớn, nhưng nguồn lực hạn chế nên quy mô dự án sửa chữa nhỏ hơn chiều dài cần sửa, dẫn đến phải phân đoạn sửa chữa làm giảm quy mô dự án, hạn chế cho việc áp dụng các kết cấu có giá thành cao…

Công tác bảo trì đường bộ ngày càng nâng cao chất lượng. Ảnh: TUẤN VIỆT
Công tác bảo trì đường bộ ngày càng nâng cao chất lượng. Ảnh: Tuấn Việt

Thời gian tới để nâng cao chất lượng công tác bảo trì đường bộ góp phần gìn giữ kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục đề xuất kiến nghị từng bước tăng tổng vốn dành cho quản lý, bảo trì quốc lộ; bổ sung vốn để duy trì hoạt động các hệ thống phần mềm, công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ quản lý, cập nhật, khai thác sử dụng dữ liệu cầu, đường, kết cấu hạ tầng đường bộ để bảo đảm sự hoạt động các hệ thống này liên tục, nhằm khai thác hiệu quả trong quản lý, bảo trì, lập kế hoạch thực hiện bảo trì, theo dõi, dự đoán, tình trạng xuống cấp; phục vụ kiểm định định kỳ, đánh giá an toàn công trình...

Triệt để ứng dụng các công nghệ mới

Ông Lê Hồng Điệp cho biết thêm, giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng công tác bảo trì đường bộ là tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu cầu đường và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, cập nhật truy xuất dữ liệu phục vụ quản lý, khai thác sử dụng đường bộ; xây dựng hệ thống theo dõi thời hạn khai thác sử dụng công trình đường bộ…; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nhà thầu tham gia bảo trì quốc lộ để theo dõi, đánh giá chất lượng thực hiện của nhà thầu, nhằm phân loại trong lựa chọn nhà thầu; có hình thức khen thưởng khuyến khích kịp thời hàng năm.

Bên cạnh đó là việc triệt để áp dụng các công nghệ mới trong đó có công nghệ tái chế nguội. Hiện tại, công nghệ này đã đủ điều kiện pháp lý được áp dụng, là giải pháp tối ưu nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn bảo trì đường bộ.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực đường bộ, thực tế ở Việt Nam phần lớn công trình hư hỏng sẽ bị phá bỏ tạo thành chất thải rắn. Như vậy, vừa lãng phí, vừa tốn kém, gây hại cho môi trường và không phải là hướng tiếp cận bền vững.

Giải pháp sử dụng công nghệ tái chế nguội

Để giải quyết bài toán thiếu vật liệu xây dựng nền, mặt đường cũng như đáp ứng các yêu cầu mới về môi trường, về kinh tế tuần hoàn, việc áp dụng công nghệ tái chế nguội cũng hoàn toàn phù hợp để giúp tận dụng các vật liệu đổ thải tại dự án để sử dụng cho công trình, thay thế cho vật liệu phải mua, chuyển đến từ mỏ. Giải pháp chính là sử dụng công nghệ tái chế nguội để gia cố các loại vật liệu không phù hợp để làm các lớp nền thượng, móng dưới cũng như phần móng của hệ thống đường gom, đường bên.

Cách tiếp cận mới trong bảo trì và cải tạo, nâng cấp mặt đường bằng công nghệ tái chế nguội tại chỗ đã khắc phục được hạn chế của các phương pháp truyền thống, thể hiện ở 5 ưu điểm nổi trội gồm: chất lượng lớp tái chế cao hơn; giá thành giảm đáng kể so với phương pháp truyền thống; rút ngắn tiến độ thi công, thông xe ngay sau thi công; hạn chế nâng cao độ mặt đường; tái sử dụng được toàn bộ vật liệu cũ, đáp ứng các yêu cầu mới về môi trường trong đó có tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn.

Với lợi ích rõ rệt về kinh tế và kỹ thuật, công nghệ tái chế luôn được xem xét ngay từ khâu lập kế hoạch bảo trì, cải tạo và nâng cấp đường bộ. Công nghệ này sẽ giúp tăng được diện tích sửa chữa với cùng một đồng vốn bảo trì hoặc giảm nhu cầu vốn cho cùng một khối lượng sửa chữa. Trên thực tế thực hiện công tác bảo trì đường bộ, một số nhà thầu cũng đã khẳng định được uy tín công nghệ cao, được chứng nhận là doanh nghiệp công nghệ cũng như sự đánh giá cao của các chủ đầu tư, các chuyên gia trong và ngoài nước.