VAMC

Ảnh T.L

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) có hiệu lực (15/8/2017) đến 31/5/2020, Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) đã mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt đạt 68.092 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, tương ứng với giá nợ mua là 66.081 tỷ đồng. Riêng năm 2019, VAMC đã mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt đạt 20.544 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng với giá mua nợ 19.846 tỷ đồng, hoàn thành chỉ tiêu đã được NHNN giao năm 2019, đạt 99,23% kế hoạch.

Đối với các khoản nợ mua theo giá thị trường, từ 15/8/2017 đến 31/5/2020, VAMC đã mua được 83 khoản nợ đối với 36 khách hàng với dư nơ gốc là 8.013 tỷ đồng và giá mua nợ là 8.207 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2019, VAMC mua 2.131 tỷ đồng dư nợ gốc với giá mua 2.247 tỷ đồng, đạt 112% chi tiêu mua nợ theo giá thị trường đã được NHNN phê duyệt và điều chỉnh.

Sau khi mua nợ theo giá thị trường, VAMC đã triển khai ngay các giải pháp xử lý nợ phù hợp để thu hồi nợ (thường xuyên đôn đốc khách hàng trả nợ, áp dụng biện pháp cơ cấu lại nợ, thu giữ, bán đấu giá, bán thoả thuận tài sản, hỗ trợ bên mua tài sản hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến chuyển nhượng dự án…).

Bên cạnh đó, hoạt động đấu giá khoản nợ, tài sản đảm bảo tại VAMC cũng được đẩy mạnh. Từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến 31/5/2020, VAMC đã tổ chức đấu giá thành công 15 khoản nợ với tổng giá trị trúng đấu giá đạt 1.322 tỷ đồng. Đồng thời, VAMC đã thu giữ, nhận bàn giao tài sản đảm bảo của 7 khách hàng/nhóm khách hàng. Riêng năm 2019, VAMC đã thu giữ và nhận bàn giao tài sản đảm bảo của 3 khách hàng/nhóm khách hàng.

Theo quy định tại Điều 5 Nghị quyết 42, TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, bán nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luật. Giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ. Tuy nhiên, theo NHNN, việc phát triển thị trường mua, bán nợ hiện vẫn còn gặp một số khó khăn. Việc mua bán nợ xấu chủ yếu diễn ra giữa TCTD và 2 đơn vị mua nợ chính là VAMC và Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), thiếu những nhà đầu tư khác trong nước và nước ngoài.

Sau khi mua các khoản nợ, bên mua nợ thực hiện quản lý, khai thác và vận hành tài sản đảm bảo cũng như quản lý rủi ro thanh khoản liên quan tới các tài sản đảm bảo này. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng hoặc uỷ thác quản lý các khoản nợ này còn khó khăn vì chưa có thị trường nợ thứ cấp. Đồng thời, hiện tại chưa có các hoạt động phái sinh như nghiệp vụ chứng khoán hoá tài sản, chứng khoán hoá nợ thường và nợ xấu. Điều này dẫn đến thanh khoản của các khoản nợ rất thấp, làm giảm mức độ hấp dẫn của các khoản nợ đã mua./.

Dương An