![]() |
Việt Nam đứng thứ 7 toàn cầu về sở hữu tiền mã hoá nhưng vẫn chưa có quy định cụ thể về loại tài sản này. Ảnh minh họa |
Tối ưu nguồn lực từ thị trường tài sản mã hóa
Chia sẻ về thị trường tài sản mã hóa, ông Lê Bảo Nguyên - Phó Giám đốc Công ty CP Công nghệ số SSI (SSI Digital - SSID) cho hay, nhiều quốc gia đã tiên phong trong quản lý tài sản mã hóa và có những bài học đáng chú ý. Liên minh châu Âu (EU) với Đạo luật MiCA đã thiết lập khung pháp lý toàn diện, yêu cầu sàn giao dịch và nhà phát hành đăng ký, minh bạch thông tin và tuân thủ nghiêm ngặt quy định chống rửa tiền nhằm bảo vệ nhà đầu tư và ổn định thị trường. Singapore cũng áp dụng mô hình sandbox kết hợp cấp phép chặt chẽ từ cơ quan tiền tệ, vừa hỗ trợ đổi mới, vừa kiểm soát rủi ro cho hệ thống.
Thị trường tài sản mã hóa đã tăng trưởng mạnh mẽ trong thập kỷ qua, với giá trị vốn hóa đạt gần 3.000 tỷ USD tính đến tháng 3/2025. Sự bứt phá này nhờ vào công nghệ blockchain với các ưu điểm như minh bạch, phi tập trung và giao dịch xuyên biên giới, thu hút cả nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức. Trước sự phát triển đó, cơ quan quản lý toàn cầu cũng ngày càng chú trọng xây dựng khung pháp lý phù hợp.
Trong khi đó, Trung Quốc lại cấm hoàn toàn giao dịch tài sản mã hóa tư nhân để phát triển tiền số quốc gia, nhưng cách tiếp cận này khó phù hợp với Việt Nam - nơi nhu cầu giao dịch tài sản mã hóa thuộc top 10 toàn cầu. Vụ sụp đổ của sàn FTX với thiệt hại 8 tỷ USD cũng cho thấy sự cần thiết của việc giám sát chặt và bảo vệ nhà đầu tư.
Theo ông Nguyên, Việt Nam nên tham khảo cách làm của Singapore về thí điểm qua sandbox để kiểm nghiệm mô hình và chính sách; học EU về yêu cầu minh bạch, xác minh danh tính, báo cáo giao dịch đáng ngờ để chống rửa tiền; đồng thời rút kinh nghiệm từ FTX để xây dựng cơ chế bảo vệ nhà đầu tư trước rủi ro hệ thống. Là nước đi sau, Việt Nam có cơ hội học hỏi để hoàn thiện khung pháp lý hiệu quả hơn.
Nhà đầu tư cần trang bị kiến thức và hiểu biết đầy đủ Đối với nhà đầu tư tham gia vào thị trường tài sản số, các chuyên gia cho rằng, điều kiện tiên quyết là phải trang bị kiến thức và hiểu biết đầy đủ về cách thức vận hành của thị trường trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Việc này không chỉ giúp nhà đầu tư cá nhân hạn chế rủi ro khi tiếp cận một lĩnh vực mới mà còn đặc biệt cần thiết trong bối cảnh thị trường tài sản số tiềm ẩn nhiều biến động. |
Trong khi đó, bà Đoàn Mai Hạnh - Giám đốc cao cấp Kinh doanh và tự doanh thị trường tài chính, Công ty Chứng khoán Kỹ thương cho rằng, khi tài sản mã hóa được công nhận với hành lang pháp lý rõ ràng sẽ bổ sung kênh đầu tư, giúp đa dạng hóa danh mục và giảm thiểu rủi ro với khách hàng. Dù vậy, tài sản mã hóa vẫn rất mới, tồn tại nhiều rủi ro, thách thức. Bởi vậy, bà Hạnh cho rằng, nên lựa chọn kỹ những loại tài sản mã hóa cung cấp cho khách hàng. Việt Nam nên thí điểm với lượng tài sản mã hóa giới hạn, có thể là những loại có giá trị và thanh khoản cao, được công nhận ở nhiều nền kinh tế.
Đánh giá chung về bức tranh pháp lý thị trường tài sản số hiện nay, ông Phan Đức Trung - Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng, việc thúc đẩy triển khai thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa cùng lúc với việc thúc đẩy Luật Công nghiệp công nghệ số, dự kiến thông qua trong tháng 5/2025, thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc xây dựng khung pháp lý trong lĩnh vực tài sản số.
“Việc luật hóa tài chính phi tập trung giúp đảm bảo tính pháp lý của các tài sản mã hoá, đồng thời thúc đẩy đổi mới công nghệ hội nhập toàn cầu, giúp Việt Nam tối ưu nguồn lực từ thị trường mã hoá đang phát triển sôi động và thực hiện cam kết về phòng chống rửa tiền của Chính phủ” - ông Trung nói.
Cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ các nước
Cũng theo ông Trung, Việt Nam hiện vẫn đang đi sau so với nhiều quốc gia trên thế giới trong công tác quản lý thị trường tài sản số. Tuy nhiên, chúng ta lại sở hữu hai lợi thế đáng kể. Thứ nhất, thị trường trong nước từ lâu đã trở thành “sân chơi” tự phát của các sàn giao dịch quốc tế. Điều này được thể hiện rõ qua bảng xếp hạng Global Crypto Adoption Index, trong đó Việt Nam lần lượt đứng ở vị trí thứ 3 năm 2023 và thứ 5 năm 2024. Đây là thời điểm chín muồi để Việt Nam cần có bước đi quyết liệt trong công tác quản lý, đồng thời xây dựng chính sách nhằm hình thành nền tảng công nghệ nội địa một cách bài bản.
Thứ hai, Việt Nam đang sở hữu lực lượng nhân sự chất lượng cao là người Việt, có kinh nghiệm làm việc tại các sàn giao dịch quốc tế. Đây là nguồn lực quan trọng, đóng vai trò then chốt trong quá trình xây dựng và phát triển mạng blockchain Layer-1 mang dấu ấn “Make in Vietnam”.
Đáng chú ý, quá trình xây dựng khung pháp lý cho thị trường tài sản số tại Việt Nam đang diễn ra trong bối cảnh toàn ngành công nghiệp tài sản mã hóa toàn cầu có nhiều biến động về mặt chính sách. Diễn biến này được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam rút ra nhiều bài học kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến an toàn thông tin và bảo mật hệ thống sàn giao dịch trước nguy cơ bị tin tặc tấn công.
"Hiện nay, Hiệp hội Blockchain Việt Nam cùng các thành viên tổ soạn thảo đang tích cực đề xuất các giải pháp cho Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, nhằm hiện thực hóa các chỉ đạo và kỳ vọng của Nhà nước trong việc cân bằng lợi ích giữa quản lý nhà nước với cộng đồng trong và ngoài nước. Đồng thời, những nỗ lực này cũng góp phần thúc đẩy lợi ích chung của nhà đầu tư, các doanh nghiệp công nghệ và các tổ chức tài chính truyền thống" - Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho hay.
Cần sự phối hợp liên ngành trong quản lý tài sản mã hóa Theo Hiệp hội Blockchain Việt Nam, hiện nay, thị trường tài sản mã hóa có quy mô giao dịch lên đến 200 tỷ USD mỗi ngày, với 617 triệu người dùng, chiếm khoảng 8% dân số toàn cầu. Trong đó, Việt Nam có khoảng 17 triệu người sở hữu tài sản mã hóa, đứng thứ 7 thế giới. Đáng chú ý, Việt Nam liên tục nằm trong top 5 Chỉ số Chấp nhận tài sản số toàn cầu của Chainalysis trong 4 năm qua, trong đó có 2 năm giữ vị trí dẫn đầu. Sự tăng trưởng bùng nổ nêu trên đang đặt ra nhiều thách thức với nhà đầu tư và hệ thống tài chính quốc gia. Các sàn giao dịch tài sản mã hóa tại Việt Nam vẫn nằm trong "vùng xám" pháp lý khi chưa có quy định cụ thể về việc cấm hay cho phép hoạt động. Trong năm 2024, mặc dù nhiều đơn tố cáo lừa đảo đã được gửi đến cơ quan chức năng, nhưng quá trình điều tra gặp khó khăn do các sàn giao dịch từ chối hợp tác, thậm chí ngay cả cơ quan chức năng cũng bị từ chối cung cấp dữ liệu. Theo Thượng tá Dương Đức Hùng - Phó Trưởng phòng Phòng Chống khủng bố, Cục An ninh nội địa, Bộ Công an, để quản lý các sàn giao dịch tài sản mã hoá, bên cạnh việc xây dựng khung pháp lý rõ ràng và toàn diện còn cần sự phối hợp liên ngành, ứng dụng công cụ quản lý tiên tiến và xử lý nghiêm các sàn giao dịch không phép. Các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng công an, cần tăng cường điều tra và xử lý nghiêm các sàn giao dịch không phép, với mức phạt hành chính cao và truy cứu trách nhiệm hình sự nếu phát hiện liên quan đến tài trợ khủng bố hoặc rửa tiền. Đồng thời, công khai danh sách các sàn không phép trên các phương tiện truyền thông để cảnh báo người dân, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ internet để chặn truy cập vào những nền tảng này. |