Vực dậy nền kinh tế, hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp phát triển
Trong tháng 5/2024, doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là gần 20.000, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Ảnh tư liệu.

Tạo thêm cơ hội, động lực cho doanh nghiệp phát triển

5 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế đạt nhiều kết quả tính cực. Tăng trưởng GDP quý I đạt 5,66% so với cùng kỳ 2023, vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (5,2 - 5,6%), là mức tăng cao nhất trong quý I kể từ năm 2020 đến nay. Kinh tế duy trì đà phục hồi tốt ở cả ba khu vực.

Vực dậy nền kinh tế, hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp phát triển

Giải quyết những rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp

Ngoài các chính sách hỗ trợ tài chính, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các khâu trung gian, cắt giảm các chi phí không chính thức của doanh nghiệp.

Bởi vì, một trong những khó khăn hiện nay các doanh nghiệp đang gặp phải không phải đến trực tiếp từ phía nhà quản lý doanh nghiệp mà từ khâu quản lý công, thực thi công vụ.

Tuy nhiên, theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội), doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thị trường cho nhóm doanh nghiệp này chủ yếu tập trung ở trong nước. Hiện nay, thị trường thế giới bắt đầu có sự hồi phục, xuất khẩu tăng nhưng thị trường trong nước, tiêu dùng nội địa lại giảm. Chỉ số bán lẻ hàng hóa thấp nhất trong nhiều năm nay. Điều này làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn, không có thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp phải trải qua thời gian dài chịu tác động của đại dịch Covid-19. Vì vậy, khả năng phục hồi của doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật số liệu cho thấy, trong tháng 5/2024, tình hình đăng ký doanh nghiệp chuyển biến tích cực. Cụ thể, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là gần 20.000 doanh nghiệp, tăng 9,2% so với cùng kỳ, gấp 1,7 lần số rút lui khỏi thị trường là 11,4 nghìn doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tính chung cả 5 tháng đầu năm 2024 thì số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 10,5%, còn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Theo phân tích của một số đại biểu Quốc hội, đây là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt.

Theo đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai): “Trong bất kể hoàn cảnh nào, doanh nghiệp vẫn luôn là nền tảng vật chất quan trọng của nền kinh tế, do đó hơn bao giờ hết doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp bé cũng cần phải được quan tâm, được bảo vệ và được trao cơ hội, động lực để yên tâm, vững tin phát triển, trong đó chú trọng các giải pháp về vốn, lãi suất, cải cách thủ tục hành chính…”.

Doanh nghiệp cần hơn hỗ trợ về lãi suất, về vốn và thủ tục

Nhiều ý kiến khẳng định, doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng, là xương sống của nền kinh tế, chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp ảnh hưởng lớn đến huy động nguồn lực xã hội, tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm và giải quyết an sinh xã hội. Tuy nhiên, một số khó khăn đã lộ ra khi nhìn vào những số liệu như: Đầu tư khu vực tư nhân 4 tháng đầu năm 2024 chỉ tăng 2,4%, đầu tư tư nhân còn thấp, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất chỉ đạt 27%, thấp nhất so với nhiều năm trước. Mục tiêu phát triển 1,5 triệu doanh nghiệp đến năm 2025 khó có thể đạt được.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, không chỉ trông chờ vào các giải pháp tài khóa, theo chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, trong bối cảnh hiện nay, cần tiếp tục các chính sách đã và đang áp dụng trước đây… để một mặt giảm gánh nặng trực tiếp phải đóng góp, chi trả của doanh nghiệp; đồng thời quan trọng hơn là các giải pháp để kích cầu, giúp tăng thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, chương trình đầu tư công, hỗ trợ của Chính phủ cần phải đẩy mạnh hơn để tạo thêm cầu của doanh nghiệp lớn, tạo sự lan tỏa sang các khu vực, các doanh nghiệp khác, giúp doanh nghiệp có thị trường, tạo công ăn việc làm.

“Ngoài các chính sách hỗ trợ tài chính, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các khâu trung gian, cắt giảm các chi phí không chính thức của doanh nghiệp. Bởi vì, một trong những khó khăn hiện nay các doanh nghiệp đang gặp phải không phải đến trực tiếp từ phía nhà quản lý doanh nghiệp mà từ khâu quản lý công, thực thi công vụ” - đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội.

Theo đó, ông Cường cho rằng, có tình trạng một số cơ quan e ngại sai phạm, không dám mạnh dạn thực thi, giải quyết các yêu cầu phát sinh của doanh nghiệp. Chính điều này trở thành một trong những rào cản làm cho các doanh nghiệp không đáp ứng được kịp thời.

“Do đó, bên cạnh những hỗ trợ trực tiếp về mặt tài chính, rất cần những cải cách về thể chế hành chính, đặc biệt là giải quyết các nút thắt, để các cơ quan thực thi công vụ dám nghĩ, dám làm, năng động và không sợ sai thông qua một cơ chế đặc thù, giúp cán bộ vận dụng một cách năng động và sáng tạo các quy định của pháp luật vào giải quyết các nhu cầu thực tế của doanh nghiệp” - đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

Không chỉ dựa mãi vào chính sách tài khóa

Đánh giá cao công tác điều hành chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, công tác điều hành, quản lý tài chính, ngân sách đã có nhiều chuyển biến rất tích cực. Trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, các chính sách tài khóa đã được điều hành chủ động, kịp thời, vừa giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, vừa góp phần tích cực phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Nhờ các chính sách hỗ trợ về thuế, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế vĩ mô được ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.

Chính phủ bên cạnh thực thi chính sách tài khóa linh hoạt, mở rộng cũng đã tăng cường các giải pháp để quản lý nguồn thu hợp lý, nuôi dưỡng nguồn thu, chống thất thu ngân sách. Việc Bộ Tài chính tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thu thuế, ứng dụng hóa đơn điện tử, tăng thu từ kinh doanh thương mại điện tử, thu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, đã góp phần tăng thu cho ngân sách.

Theo nhiều ĐBQH, về lâu dài không chỉ mãi trông chờ vào chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp, mà cần tổng thể, hài hòa các giải pháp, như các chính sách hỗ trợ về vốn, về lãi suất. Đồng thời, việc cải cách thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ nhanh các khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay cũng hết sức quan trọng.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như tình hình địa chính trị, tăng trưởng chậm lại, Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô là thành công lớn nhất.

Để phấn đấu đạt được các mục tiêu đề ra cho năm nay và các năm tiếp theo, cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp với tình hình thị trường và mục tiêu.

Về lâu dài không thể lạm dụng chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí vì theo một số đại biểu QH, sẽ làm mất cân đối ngân sách. Trong bối cảnh khó khăn, thu ngân sách cũng bị ảnh hưởng khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, việc hỗ trợ về thuế phải thận trọng và tính toán kỹ, tránh tác động tới cân đối ngân sách.