Phát triển 4 vùng động lực quốc gia

Theo TS. Đỗ Minh Thụy, ngày 25/10/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 138/NQ-CP về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ phát triển 4 vùng động lực quốc gia và các hành lang kinh tế.

Trong đó, vùng động lực phía Bắc được hình thành để phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tập trung vào Tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, dọc theo các hành lang quốc lộ 5 và quốc lộ 18, trong đó Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng trung tâm giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển khu vực phía Bắc và kết nối quốc tế.

Vùng động lực phía Bắc: Thời cơ và thách thức
TS. Đỗ Minh Thụy - Trưởng khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Hải Phòng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Đức Minh

Với định hướng, xây dựng vùng động lực phía Bắc trở thành trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo quốc gia; đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số, chính quyền số; phát triển một số ngành dịch vụ hiện đại, chất lượng cao; các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu; trung tâm kinh tế biển với các ngành vận tải biển, du lịch biển đảo, kinh tế hàng hải và các ngành kinh tế biển mới.

TS. TS. Đỗ Minh Thụy cho rằng, đây chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nhìn nhận lại vị thế, vai trò của mình trong vùng động lực đang có sự thay đổi mạnh mẽ, giúp phát huy các mặt tích cực cũng như khắc phục các mặt hạn chế hiện có nhằm góp phần khôi phục “động lực” tăng trưởng.

Ngoài ra, vùng động lực phía Bắc còn có nhiệm vụ thúc đẩy phát triển các hành lang kinh tế; thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa các địa phương của Việt Nam và khu vực phía Tây Nam Trung Quốc.

Như vậy có thể thấy vùng động lực phía Bắc giữ vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội là động tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế địa phương, kinh tế vùng và kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Đồng thời vùng động lực phía Bắc cũng đóng vai trò một cửa ngõ kinh tế và cầu nối giao thương của Việt Nam với thế giới. Khu vực này đang hội tụ những lợi thế nổi trội và có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp, dịch vụ. Đây sẽ là vùng trọng điểm, là đầu tàu trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Thách thức đối với doanh nghiệp trong vùng động lực phía Bắc

Để vùng động lực phía Bắc phát triển đạt kỳ vọng, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực cải cách thể chế và đạt được những kết quả nhất định. Song, về căn bản, mới bước đầu bù đắp khiếm khuyết, thiếu hụt, hướng tới đồng bộ hóa khung khổ pháp lý. Khung khổ pháp lý tạo điều kiện hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vẫn chưa được kiện toàn, chưa đảm bảo mức độ tương thích cao giữa nền tảng pháp luật Việt Nam với khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, tổ chức và hoạt động hỗ trợ tư pháp còn yếu, dẫn đến sự lúng túng rất đáng quan ngại khi xảy ra tranh tụng pháp lý quốc tế, khó bảo vệ các doanh nghiệp trước các rủi ro pháp lý gây tổn thất, thua thiệt lớn.

Vùng động lực phía Bắc: Thời cơ và thách thức

Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế - Tài chính 2023, tại Hải Phòng. Ảnh: TN

Ngoài ra, tình trạng hàng giả, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, buôn lậu, tham nhũng vặt, nhũng nhiễu doanh nghiệp vẫn còn phổ biến cũng là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong cả nước nói chung và trong vùng động lực phía Bắc nói riêng trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng khi hội nhập.

TS. Đỗ Minh Thuỵ cho rằng, thực tế phát triển của lịch sử thế giới đang trong giai đoạn bước ngoặt. Thế giới đối diện với 5 cuộc khủng hoảng mạnh mẽ về biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng, lạm phát và xung đột vũ trang. Nền kinh tế số và kinh tế xanh là hai xu thế lớn, không thể đảo ngược của toàn cầu, trong đó có những vấn đề được các quốc gia quan tâm và đặt lên hàng đầu như sản phẩm không chỉ cần "sạch" mà còn phải đảm bảo "xanh và bền vững", giảm thiểu rác thải bằng cách tăng tuổi thọ, vòng đời của sản phẩm...

TS. Đỗ Minh Thụy cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế - chính trị khu vực và trên thế giới không ngừng biến động, để có thể thích ứng, bắt kịp cơ hội và phát triển, các doanh nghiệp cần cập nhật các quy định, thông lệ quốc tế, nghiên cứu kỹ các FTA liên quan đến thị trường trọng điểm của doanh nghiệp; dám thay đổi, nâng cao trình độ; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại; tăng cường liên kết; tranh thủ mọi sự hỗ trợ từ các bộ, ngành trung ương và địa phương… Các doanh nghiệp tại Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh nên tận dụng việc hiện nay Bộ Ngoại giao với 94 cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc kết nối, tìm kiếm thị trường, đối tác và thẩm định đối tác nước ngoài.

Vì vậy mà khi Việt Nam tham gia vào các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và RCEP thì cần lưu ý các doanh nghiệp trong vùng động lực phía Bắc cần nghiên cứu kỹ để không vi phạm các quy định về môi trường, luật lao động… trong thương mại quốc tế, tránh những thiệt hại không đáng có.

Khi đã xác định rõ vị thế, vai trò của mình thì các doanh nghiệp thực hiện việc tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong bối cảnh chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng cũng chính là quá trình ưu tiên phát huy thế mạnh tiềm năng, khắc phục tồn tại, yếu kém nhằm sớm tăng cường năng lực cạnh tranh.

Cùng với cải cách thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh thực chất thì việc đổi mới từ chủ trương, cơ chế, chính sách đến tổ chức triển khai có hiệu quả hỗ trợ phát triển doanh nghiệp chính là giải pháp tổng thể có ý nghĩa chiến lược về phát triển vùng động lực phía Bắc trong giai đoạn phát triển hiện nay.

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, vùng động lực phía Bắc giữ vai trò quan trọng trong phát triển và kết nối quốc tế. Do đó, cần phải có những cơ chế, chính sách đồng bộ để huy động nguồn lực tài chính cho phát triển vùng. Đặc biệt cần giải quyết các nút thắt để phát triển trong đó có vấn đề huy động vốn và thúc đẩy giải ngân…/.