Phát huy vai trò, lợi thế của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Huy động các nguồn lực để phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Hoàn thiện thể chế để vùng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cất cánh

Hoàn thiện quy định về tài chính có tính đến yếu tố đặc thù

Tại diễn đàn, TS. Nguyễn Thanh Nga nhấn mạnh, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước bạn Lào.

Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ cũng là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.

Giải quyết nút thắt để huy động tối đa nguồn lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
TS. Nguyễn Thanh Nga - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính - Bộ Tài chính phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: TN

Trên cơ sở đó, TS. Nguyễn Thanh Nga gợi ý 2 nhóm giải pháp nhằm huy động nguồn lực cho phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐ miền Trung) gồm: Giải pháp về huy động nguồn lực tài chính và giải pháp về phân bổ nguồn lực tài chính để phát triển vùng.

Theo TS. Nguyễn Thanh Nga, cần rà soát, nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về tài chính có tính đến yếu tố đặc thù của vùng, qua đó giải quyết những nút thắt, giúp huy động tối đa nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Vùng KTTĐ miền Trung nói riêng. Hoàn thiện chính sách thu gắn với cấu lại thu ngân sách nhà nước (NSNN) theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng tỷ trọng thu nội địa, khai thác tốt thu thuế từ tài nguyên đi cùng với công tác bảo vệ môi trường.

TS. Nguyễn Thanh Nga cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi về thuế, phí theo hướng thu hẹp lĩnh vực ưu đãi, nhưng tập trung và có mức ưu đãi cho doanh nghiệp, dự án đầu tư phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ mũi nhọn của Vùng.

Cùng đó, tiếp tục rà soát lại các ưu đãi về thuế, phí, tín dụng để khuyến khích đầu tư phát triển, đồng thời thu hút các dự án đầu tư ở các lĩnh vực là thế mạnh của vùng (công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ...).

Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn thu để lại cho một số tỉnh, thành phố lớn, có vai trò làm đầu tàu kéo tăng trưởng kinh tế của cả nước. Cần nghiên cứu tỷ lệ điều tiết hợp lý cho ngân sách địa phương bảo đảm tương ứng với vai trò đóng góp của ngân sách từng tỉnh, thành phố trong Vùng KTTĐ miền Trung đối với ngân sách trung ương, tạo động lực và nguồn lực cho các địa phương trong vùng tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội.

Ngoài ra, cần khai thác hiệu quả các nguồn lực, bao gồm: nguồn NSNN, nguồn từ các quỹ tài chính nhà nước ngoài NSNN, nguồn từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu công trình đô thị, nguồn vay từ nước ngoài, nguồn từ doanh nghiệp, dân cư và các tổ chức kinh tế - xã hội.

Giải quyết các vướng mắc để thúc đẩy phát triển kinh tế

Đối với nhóm giải pháp về phân bổ nguồn lực tài chính để phát triển Vùng KTTĐ miền Trung, TS. Nguyễn Thanh Nga cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu ban hành định mức phân bổ ngân sách (bao gồm định mức chi đầu tư và chi thường xuyên) đảm bảo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh, thành phố thuộc vùng KTTĐ.

Giải quyết nút thắt để huy động tối đa nguồn lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế - Tài chính 2023. Ảnh: TN

Tập trung nguồn vốn NSNN đầu tư các công trình trọng điểm có sức lan tỏa lớn và giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng. Cần đẩy mạnh hoạt động xã hội hoá các lĩnh vực (giáo dục, đào tạo, y tế,...) ở các địa bàn có lợi thế, dành phần kinh phí NSNN hỗ trợ cho các vùng nghèo, khó khăn. Khuyến khích việc huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển sự nghiệp công.

Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng vốn của các địa phương, đảm bảo các chế độ, chính sách hỗ trợ của nhà nước đến với người dân đầy đủ, kịp thời, sử dụng kinh phí đúng mục đích, tiết kiệm hiệu quả.

Cần đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực, nhất là các nguồn lực đầu tư ngoài NSNN. Nâng cao hiệu quả đầu tư công, nhất là trong lập và quản lý thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, bảo đảm yêu cầu phát triển, hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh, bổ sung.

Tăng cường các biện pháp quản lý các nguồn thu phát sinh, chống thất thu ngân sách; kịp thời giải quyết các vướng mắc để thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách. Tiếp tục cơ cấu chi ngân sách theo hướng tăng chi đầu tư phát triển, ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ trọng tâm, công trình trọng điểm, giảm chi thường xuyên.

Ngoài ra, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Rà soát, bổ sung các chính sách khuyến khích, ưu đãi để thu hút các dự án đầu tư từ các nhà đầu tư lớn. Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh. Tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, tham gia sâu vào chuỗi giá trị và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đại hóa công nghệ, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh. Hỗ trợ chuyển đổi hộ sản xuất, kinh doanh thành doanh nghiệp.

Giải pháp nữa là tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ, bảo vệ môi trường là tiêu chí để lựa chọn, xúc tiến đầu tư. Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã. Thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, có mô hình quản trị hiện đại, công nghệ tiên tiến, kết nối chuỗi cung ứng, có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.../.