Phát huy vai trò, lợi thế của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Huy động các nguồn lực để phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Phạm Thu Phong - Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam cho rằng, các vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ – Vùng) là những cực tăng trưởng quan trọng, giữ vai trò đầu tàu của nền kinh tế. Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chỉ đạo và đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng.

Hoàn thiện thể chế để vùng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cất cánh
TS. Phạm Thu Phong - Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: TN

TS. Phạm Thu Phong điểm lại, ngày 16/8/2004, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25 ngày 2/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị. Đây là bước ngoặt lớn, là hành lang pháp lý quan trọng, mở ra cơ hội và tạo động lực quan trọng cho các địa phương đẩy mạnh liên kết vùng, giao thương và hợp tác phát triển.

Tại Nghị quyết số 39-NQ/TW đã định hướng “vùng KTTĐ miền Trung thành khu vực phát triển năng động với tốc độ nhanh và bền vững, là vùng động lực phát triển cho toàn vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, là cửa ngõ ra biển quan trọng của các tỉnh vùng Tây Nguyên, khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam và tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây; là vùng công nghiệp gắn với biển và các trung tâm dịch vụ hiện đại…”.

Vùng KTTĐ miền Trung được thành lập tại Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg ngày 13/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định - là 1 trong 4 vùng KTTĐ của cả nước.

Trong thời gian qua, định hướng và chính sách phát triển Vùng KTTĐ miền Trung đã được các địa phương nội vùng triển khai tích cực và đã đạt được những thành quả đáng kể trong phát triển kinh tế. Các địa phương trong vùng đã có những nỗ lực mạnh mẽ, chủ động khai thác lợi thế, phát huy triệt để nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế. Kinh tế các tỉnh nội vùng đã dần thoát khỏi tình trạng kém phát triển, tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.

Tuy nhiên, quá trình phát triển của vùng trong thời gian qua cũng cho thấy, vai trò động lực, chức năng đầu tàu của Vùng KTTĐ miền Trung cho sự phát triển chung của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên còn nhiều hạn chế. Quy mô nền kinh tế vùng còn nhỏ và chiếm tỷ trọng khá thấp trong nền kinh tế cả nước. Đóng góp của vùng vào quy mô chung của cả nước vẫn còn thấp, tăng trưởng của các địa phương trong vùng chưa đồng đều. Hoạt động liên kết còn nhiều hạn chế, kết nối về đầu tư còn thiếu đồng bộ, chưa tận dụng được lợi thế riêng của từng địa phương...

Hoàn thiện thể chế để vùng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cất cánh
Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế - Tài chính 2023. Ảnh: TN

Nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đổi mới, sáng tạo và tăng cường liên kết, phát triển Vùng KTTĐ miền Trung, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 19/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Vùng miền Trung.

“Ngày 25/10/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 138/NQ-CP về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 quán triệt và cụ thể hóa rõ hơn các quan điểm phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021 - 2030; phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh...” - TS. Phạm Thu Phong thông tin.

Ngày 3/11/2022, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW định hướng phát triển Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (trong đó có Vùng KTTĐ miền Trung) giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045. Trong đó có đặt mục tiêu: Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước bạn Lào…

TS. Phạm Thu Phong kỳ vọng, Diễn đàn Kinh tế - Tài chính 2023 sẽ là cầu nối ý nghĩa giữa cộng đồng doanh nghiệp, nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, các nhà đầu tư cùng bàn bạc, trao đổi góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đưa Vùng KTTĐ miền Trung phát triển nhanh, bền vững.

Nhằm kịp thời tuyền truyền các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương, đồng thời tạo diễn đàn trao đổi, tiếp nhận ý kiến của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia và nhà khoa học tham gia đóng góp vào xây dựng, hoàn thiện cơ chế, đặc biệt là huy động các nguồn lực để phát triển Vùng KTTĐ miền Trung nhanh, năng động và bền vững, Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp cùng VCCI Đà Nẵng tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Tài chính 2023 với chủ đề: “Huy động các nguồn lực phát triển nhanh, bền vững Vùng KTTĐ miền Trung”.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Tài chính 2023 với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý uy tín, của lãnh đạo các doanh nghiệp sẽ tập trung thảo luận về các chủ đề quan trọng: Bức tranh kinh tế Vùng KTTĐ miền Trung; Những vấn đề đặt ra cho việc thu hút nguồn lực đầu tư, tạo động lực tăng trưởng cho vùng; Các giải pháp huy động nguồn lực phát triển Vùng KTTĐ miền Trung; Hoàn thiện thể chế để Vùng KTTĐ miền Trung cất cánh.../.