Phát huy hiệu quả từ “hậu phương” vững chắc

Cuối năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 138/NQ-CP về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đã đề ra mục tiêu hình thành các vùng động lực, trong đó có vùng động lực phía Bắc với tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Các diễn giả trao đổi tại Diễn đàn. Ảnh: ĐỨC MINH
Các diễn giả trao đổi tại Diễn đàn. Ảnh: Đức Minh

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế - Tài chính 2023 với chủ đề: “Đổi mới, sáng tạo, phát triển, bứt phá vùng động lực phía Bắc”, do TBTCVN phối hợp với VCCI Hải Phòng tổ chức ngày 10/4/2023, TS. Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhấn mạnh, để định hướng được sự phát triển của một vùng động lực, cần xác định được lợi thế của các địa phương. Theo ông Lộc, lợi thế lớn nhất của vùng động lực phía Bắc với tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh là có “hậu phương” vững chắc.

“Hậu phương” đó trước tiên là nhân lực dồi dào và chất lượng cao xuất phát từ 14 tỉnh đồng bằng, trung du, miền núi phía Bắc. Tiếp đó là sự kết nối thông qua hành lang phát triển Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh để tạo ra chuỗi kết nối thuận lợi của vùng động lực này với các tỉnh, thành phố cả phía Bắc, lẫn trục giao thông Bắc - Nam.

Bên cạnh đó, 3 địa phương nói trên có cơ sở hạ tầng đa dạng gồm sân bay, cảng biển, cửa khẩu… đều giữ vị trí quan trọng nhất trong cả nước. Cửa khẩu kết nối với Trung Quốc là một thị trường rộng lớn. Các tỉnh phía Bắc và 3 địa phương này đều nằm trên con đường dịch chuyển của các chuỗi cung ứng toàn cầu trong Chiến lược tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đây cũng là 3 địa phương luôn giữ thứ bậc “quán quân” về cải cách, nơi hình thành nên các mô hình phát triển và cải cách hàng đầu, một lợi thế rất quan trọng, động lực rất lớn để phát triển. Cuối cùng, cả 3 địa phương đang được áp dụng cơ chế đặc thù - cơ sở cho những cải cách quan trọng tiếp theo.

Tuy sở hữu nhiều lợi thế và cũng đạt được nhiều kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, song tồn tại, hạn chế vẫn còn. Không phủ nhận điều này, ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng phân tích một số thách thức cụ thể. Đó là tăng trưởng kinh tế còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế còn chậm; công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, nhất là quy hoạch đô thị; hệ thống đô thị phát triển chưa hợp lý, thiếu bền vững; tốc độ xây dựng kết cấu hạ tầng còn chậm so với yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống hạ tầng đô thị bị quá tải tại một số đô thị lớn.

Cần tầm nhìn “rộng dài” hơn

Khuyến nghị giải pháp phát triển vùng động lực phía Bắc để đạt được những mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 138, TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, các địa phương cần xây dựng quy hoạch tổng thể, chương trình hành động cụ thể để triển khai với những kế hoạch, từ đó phân bổ kế hoạch đầu tư vốn, kinh phí, chủ động nguồn lực có tầm nhìn xa hơn, “rộng dài” hơn thay vì 5 năm.

Các giải pháp đặt ra phải phù hợp với bối cảnh của từng địa phương, phát huy tối đa lợi thế phát triển của vùng, cũng như tranh thủ tận dụng được những kinh nghiệm, đổi mới sáng tạo trên thế giới về chuyển đổi số.

Sức cạnh tranh của kinh tế vùng ngày càng tăng cao

Trong những năm qua, các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động đa dạng và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư phát triển. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của vùng đạt 9,08%/năm, cao nhất trong các vùng kinh tế trọng điểm. Thu ngân sách nhà nước của các địa phương trong vùng đều đạt và vượt dự toán.

Cũng theo ông Quỳnh, sự chủ động, tích cực cũng hết sức cần thiết. Kinh tế Việt Nam đang có độ mở lớn, mỗi thay đổi của thế giới đều sẽ tác động tới sự phát triển kinh tế vĩ mô, từ đó ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, của địa phương.

Do đó, các cấp chính quyền cần dự báo được tình hình, chủ động ứng phó với các biến động. Doanh nghiệp thì thận trọng trong đầu tư, đổi mới, phù hợp với hoàn cảnh của mình.

Còn theo TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, để phát triển vùng động lực phía Bắc, việc thu hút được đầu tư, nhất là từ nguồn vốn FDI là quan trọng. Để làm được, trước tiên, cần cải thiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó là nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn, đặc biệt là vốn đầu tư công, tránh dàn trải.

Ngoài ra, cần coi khoa học công nghệ là động lực, là một trong những bước đột phá để có định hướng chi nhiều hơn, hiệu quả hơn, thay đổi cách huy động, cung cấp nguồn lực cho việc phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi năng lượng hiệu quả, bởi phát triển “xanh” đang là xu thế của thế giới.

Thu hút nhân tài cũng là một nội dung cần đổi mới sáng tạo, phải coi đó là giải pháp đột phá. Vùng động lực phía Bắc là nơi có nhân lực chất lượng cao, cần tiếp tục đổi mới về thể chế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực bứt phá trong thời gian tới.

*TS. Đỗ Minh Thụy - Trưởng khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng:

Đoàn kết, sáng tạo sẽ tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

TS. Đỗ Minh Thụy
TS. Đỗ Minh Thụy

Để triển khai thành công Nghị quyết 138, cần phân bổ lại các nguồn lực trong xã hội một cách hợp lý giúp các doanh nghiệp trong vùng có nhiều cơ hội tiếp cận vốn với chi phí thấp hơn, nguyên phụ liệu đầu vào rẻ hơn, tìm kiếm nhân lực chất lượng cao dễ dàng hơn, hưởng nhiều ưu đãi về thương mại, dịch vụ, đầu tư theo các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thuận lợi hơn, cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính thành công giúp doanh nghiệp dễ dàng gia nhập, rút lui khỏi thị trường, thuận lợi hóa kinh doanh, giúp phòng tránh và được bảo vệ tốt hơn nếu gặp rủi ro...

Với các doanh nghiệp, cần quan tâm việc thay đổi tư duy. Đầu tiên là phải có tư duy chuyển đổi số - một yếu tố cấp thiết hiện nay. Sau đó là tư duy đổi mới sáng tạo để tạo ra lợi thế cho doanh nghiệp mình, tăng sức cạnh tranh. Cuối cùng là tư duy đoàn kết. Hiện nay, doanh nghiệp của ta chủ yếu là nhỏ và vừa, nếu không đoàn kết sẽ không thể thắng được các tập đoàn lớn, doanh nghiệp lớn đang đầu tư vào Việt Nam.

Ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM):

Sự ổn định là yếu tố quan trọng trong thu hút đầu tư

Ông Hong Sun
Ông Hong Sun

Nghị quyết số 138 nêu nhiều tiêu chí nhưng quan trọng trong đó là cải cách. Cải cách phải thực tế, thực tiễn. Cải cách hành chính đồng thời phải cải cách giáo dục. Xây dựng hệ sinh thái số không phải chỉ đưa vào xây dựng một trung tâm đổi mới sáng tạo mà còn phải cải cách giáo dục phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Các trường đại học nên phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để đưa vào chương trình đào tạo của trường để nâng cao chương trình đào tạo sát với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp hơn.

Đồng thời, sự ổn định của chính trị cũng là một yếu tố quan trọng trong quyết định đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục duy trì sự ổn định đó để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư về tài chính, chứng khoán, các quỹ tài chính, vì với các công ty này, sự ổn định chính trị là yếu tố quan trọng để họ quyết định và yên tâm đầu tư./.