TP. Hồ Chí Minh: Thu ngân sách từ xuất nhập khẩu ước vượt 9% dự toán Một năm vượt qua thách thức, “gặt hái” kết quả vượt bậc TP. Hồ Chí Minh: Kết thúc nhận hồ sơ chi trả hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp vào ngày 20/12
Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh.
Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh.

Thu tăng 2,73% so với cùng kỳ

Làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, Thành phố phải tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch bệnh, theo đó, hầu hết các ngành nghề đều dừng hoạt động, đã làm đứt gãy chuỗi sản xuất cung ứng, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, sản phẩm tiêu dùng, làm thay đổi nhu cầu, thói quen tiêu dùng…. Hoạt động sản xuất - kinh doanh giảm sút đã tác động đến số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.

Để phục hồi và phát triển kinh tế, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, Chính phủ đã triển khai các chính sách giảm, giãn thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, khôi phục sản xuất. Do đó, số thu ngân sách trên địa bàn Thành phố từ tháng 5 có xu hướng giảm dần so với số thu của tháng trước nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cho biết, đến tháng 8 và tháng 9, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, số thu ngân sách đã sụt giảm mạnh nhất từ trước tới nay và giảm sâu so với cùng kỳ, số thu tháng 9 chỉ đạt 55,82% so với mức trung bình một tháng Thành phố phải thu.

Sau hơn 3 tháng thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, tình hình dịch Covid-19 ở TP. Hồ Chí Minh cơ bản được kiểm soát. Một số hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ được phép mở cửa hoạt động trở lại từ ngày 1/10/2021, góp phần tác động tích cực đến công tác thu ngân sách nhà nước.

Đồng thời, phát sinh một số khoản thu tăng đã phần nào bù đắp được khoản thu bị giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh như: thuế thu nhập doanh nghiệp từ các doanh nghiệp khối tài chính ngân hàng có sự tăng trưởng mạnh trong mùa dịch, khoản thu đột biến từ khí thiên nhiên và sự tăng trưởng mạnh do giá dầu có sự bứt phá tốt trong năm 2021.

Như vậy, trước tình hình thực tế gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng không thuận lợi đến việc thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước trên địa bàn nhưng với sự quyết tâm của các ngành, các cấp cùng với sự đồng lòng của doanh nghiệp và người dân, Thành phố vẫn hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Chi gần 18 nghìn tỷ đồng phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân

Đến thời điểm hiện nay số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố là 381.532 tỷ đồng, đạt 104,56% dự toán và tăng 2,73% so cùng kỳ.

Trong đó: Thu nội địa (kể cả thu dầu thô) là 263.824 tỷ đồng, đạt 102,7% dự toán. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 117.667 tỷ đồng, đạt 108,95% dự toán.

Trung ương hỗ trợ kịp thời 71.105 tấn gạo cho người dân gặp khó khăn khi thực hiện giãn cách xã hội và 2.000 tỷ đồng đã góp phần tạo điều kiện cho Thành phố vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Tính đến tháng 12 năm 2021, Thành phố đã chi cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19 là 17.809,944 tỷ đồng.

Năm 2022, Thành phố được giao dự toán thu ngân sách nhà nước là 386.568 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 24,82% trong tổng dự toán thu cả nước.

Trước diễn biến hết sức phức tạp của đại dịch, Thành phố đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức; chặng đường phục hồi kinh tế phía trước sẽ còn gặp nhiều trở ngại nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của trung ương với các giải pháp phù hợp với thực tiễn tại địa phương trong thời gian tới.

Để tạo điều kiện cho Thành phố hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022, Thành phố kiến nghị Bộ Tài chính, Chính phủ sớm phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025; hướng dẫn việc sắp xếp các cơ sở nhà đất công; sửa đổi, tháo gỡ một số vướng mắc liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công để thực hiện hoạt động phụ trợ là căng tin và bãi giữ xe,...