Đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tình trạng xe chở quá tải trọng lưu thông trên đường bộ đang diễn ra rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng, khiến nhiều tuyến quốc lộ huyết mạch bị hư hỏng nặng, gây khó khăn cho công tác khắc phục sự cố, thiệt hại rất lớn về kinh phí, giảm tuổi thọ của công trình giao thông.

Để giải quyết tận gốc tình trạng trên, ngoài việc lập các trạm cân kiểm soát xe quá tải thì vấn đề quan trọng nhất là phải xử lý từ gốc đến ngọn. Tức là kiểm soát xe chở nguồn hàng ở các kho bãi, bến cảng đến việc nhập khẩu xe qua đăng kiểm.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an tổ chức vào chiều ngày 11/12/2013, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, việc tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm đã làm giảm đáng kể số lượng xe ôtô vi phạm quy định về chở hàng hóa quá khổ, quá tải lưu thông trên đường, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các doanh nghiệp vận tải và dư luận xã hội.

Sau một thời gian triển khai tăng cường kiểm soát tải trọng xe, Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị, ngành giao thông, công an các địa phương cần làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình hoạt động vận tải tại các cảng, kho bãi, các khu công nghiệp, trên tuyến giao thông, các điểm dừng xử lý, kho bãi hạ tải và các đường lân cận... Các tuyến đường có nhiều xe quá tải phải duy trì việc kiểm soát và có tổ tuần tra lưu động kiểm soát các tuyến đường lân cận trong địa bàn có xe chạy vòng tránh.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, Cục Đăng kiểm phải tăng cường kiểm tra đột xuất phương tiện trên đường, thay đổi kích thước hình dáng phương tiện, sử dụng thiết bị ghi nhận vi phạm. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng tiếp tục mua 57 bộ cân để trang bị cho các địa phương.

Chỉ ra nguyên nhân xe chở quá trọng tải cho phép, làm ảnh hưởng các công trình giao thông, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng: "Đó là do công tác quản lý Nhà nước còn buông lỏng, chưa quản lý lái xe, chủ xe, chủ hàng chạy theo lợi nhuận, bất chấp nguy cơ chở quá tải, công tác xử lý vi phạm còn nhiều khó khăn như kho bãi, hạ tải, chi phí hạ tải".

Cũng theo Đại tướng Trần Đại Quang, công tác tuyên truyền vận động người dân chấp hành pháp luật là giải pháp hết sức quan trọng. Đề nghị lái xe, chủ hàng ủng hộ việc xử lý, nghiêm túc từ khâu xếp hàng xuất bến vì khi bị xử lý thì khâu hạ tải rất khó khăn lại tốn kém, cần chi phí, phương tiện.

Đại tướng Trần Đại Quang cũng cũng lưu ý, các bộ, ngành địa phương có biện pháp phòng ngừa tiêu cực, nghiêm cấm can thiệp xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.

Phát biểu kết luận hội nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho rằng, muốn giải quyết dứt điểm tình trạng xe quá tải, thì các bộ ban ngành, địa phương phải quyết tâm hành động một cách đồng lòng, đồng bộ, đồng tâm và đồng khởi. Khi xử lý phải đảm bảo công khai, công bằng, nghiêm minh, phải cam kết không tiêu cực. Đề nghị, nhân dân cũng phải vào cuộc thường xuyên kiểm tra, giám sát phát hiện tiêu cực./.

Trí Dũng