Xung đột tại Biển Đỏ: Thêm một bài toán khó cho năm 2024
Sự gián đoạn và chuyển hướng của các hãng vận tải lớn trên thế giới tại Biển Đỏ có nguy cơ làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa. Ảnh: TL

Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng

Sau đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng toàn cầu hầu hết đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, căng thẳng trên Biển Đỏ lại làm dấy lên lo ngại về nguy cơ chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.

Tới nay, tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu, trái lại vẫn tiếp tục lan rộng và có xu hướng leo thang. Một số hãng vận tải biển lớn như Hapag-Lloyd, MSC, CMA CGM… đã tạm dừng việc khai thác tuyến vận tải qua Biển Đỏ. Hoạt động vận tải hàng hóa qua Biển Đỏ ước tính đã giảm 20% trong tháng 12/2023. Sự gián đoạn và chuyển hướng của các hãng vận tải lớn trên thế giới tại Biển Đỏ có nguy cơ làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa và có nguy cơ gây ra một đợt lạm phát mới trên toàn cầu.

Theo TS. Võ Trí Thành, xung đột tại Biển Đỏ có nguy cơ gây ra 3 tác động tiêu cực lớn. Thứ nhất, đứt gãy chuỗi cung, chi phí vận chuyển cao hơn, khả năng cung ứng, khả năng xuất khẩu, khả năng lưu thông hàng hóa và khả năng tăng được giá trị thương mại bị ảnh hưởng. Ví dụ xuất khẩu của Việt Nam khó có thể được đẩy lên một mức mà mình mong đợi, thậm chí có thể là suy giảm.

Thứ hai, cú sốc này có thể khiến lạm phát và lãi suất không giảm như mong đợi, thậm chí lãi suất neo cao có thể tiếp tục kéo dài hơn nữa đấy là tác động rất là xấu.

Tác động rất xấu thứ ba, đó là xung đột Biển Đỏ là biểu hiện của sự đối đầu, của xung khắc về địa chính trị. Quá trình này mà khó kiểm soát, nghiêm trọng hơn thì càng tạo nguy cơ phân mảnh kinh tế trên thế giới cao hơn. Phân mảnh kinh tế không chỉ là tác động tới chuỗi cung ứng lớn mà khiến phân bổ nguồn lực kém hiệu quả đi rất nhiều.

Rõ ràng, năm 2024, trong bối cảnh đà phục hồi của thế giới còn nhiều điểm sáng, tối đan xen, chưa định hình, thì điều chắc chắn là xuất nhập khẩu thương mại, đặc biệt là xuất khẩu vẫn rất khó khăn. “Bài toán của năm 2024 là làm sao chặn đà đi xuống của thương mại, xuất khẩu” - TS Võ Trí Thành nhận định.

Tạo tấm đệm tốt để chống đỡ những cú sốc

Xung đột tại Biển Đỏ: Thêm một bài toán khó cho năm 2024

Năm 2023, do những khó khăn của kinh tế thế giới, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam không đạt được như kỳ vọng. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giảm 6,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 4,4%; nhập khẩu giảm 8,9%.

Mặc dù vậy, theo Tổng cục Thống kê, điểm sáng của năm 2023 là Việt Nam đã tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để đẩy mạnh xuất khẩu. Nhiều ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn khi liên tục giữ vị trí nhóm đầu trong kim ngạch xuất khẩu của thế giới. Hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa năm 2023 của Việt Nam mặc dù chưa phục hồi mạnh, nhưng mức suy giảm đã được thu hẹp đáng kể, từ đó tạo tiền đề hướng đến sự khởi sắc trong năm 2024.

Tuy nhiên, hoạt động xuất, nhập khẩu năm 2024 đã được dự đoán vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước. Việc chuyển đổi sang sản xuất xanh hóa không còn là lựa chọn mà dần trở thành yêu cầu bắt buộc.

Trong bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, nhiều thị trường ngày càng đề cao những tiêu chuẩn hàng hóa liên quan đến vấn đề an toàn cho người tiêu dùng và phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu.

Thêm vào những khó khăn đó, Biển Đỏ là một cú sốc cho thấy thế giới ngày càng khó đoán định hơn. Theo TS. Võ Trí Thành, chúng ta phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn trong việc ban hành và thực thi chính sách tốt hơn để tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro trước những cú sốc như thế.

Trong đó, ông nhấn mạnh việc giữ ổn định và tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế theo ý nghĩa rộng nhất là rất quan trọng. Đồng thời, các giải pháp kích cầu và hỗ trợ doanh nghiệp vẫn phải được tiếp tục mạnh mẽ trong năm 2024.

Bên cạnh đó là phải chuẩn bị tốt các nền tảng cho tương lai khi xu hướng “xanh - số hóa - chuyển dịch” chuỗi cung ứng đang diễn ra trên toàn cầu. Đây vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội. Mặc dù những vấn đề này đều đã được xác định và triển khai nhưng cách thực thi hiệu quả ra sao cần được làm rõ.

Yếu tố đặc biệt quan trọng nữa là phải phản ứng nhanh gắn với những kịch bản khác nhau, chuẩn bị sẵn những công cụ, những giải pháp để giảm thiểu nếu có các cú sốc bất lợi.

“Như vậy là phải bám sát tình hình và quyết liệt trong điều hành. Vừa qua chúng ta đã làm tốt cả trong phối hợp giữa các ban, ngành, cả Chính phủ với Quốc hội, các tổ công tác… Đó là cách để phản ứng lại trước những cú sốc tiêu cực đối với nền kinh tế. Nhưng chúng ta cần phải tiếp tục và làm tốt hơn. Phải tạo nền tảng để chống lại các cú sốc và tạo nền tảng cho tương lai” - TS. Võ Trí Thành đề nghị.

Khai thác thế mạnh từ các động lực tăng trưởng mới

Theo TS. Cấn Văn Lực, “rủi ro, bất định, thận trọng” là 3 từ khóa được nhiều dự báo nhận định về kinh tế toàn cầu năm 2024. Do đó, để tạo đà cho nền kinh tế bứt phá, cần làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác sức mạnh từ những động lực mới...

Xét về các động lực tăng trưởng mới, có thể kể đến như: chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ; năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP); đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế; tăng trưởng xanh và chủ động thích ứng biến đổi khí hậu; nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu thông qua phát triển công nghiệp hỗ trợ... Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực, thời gian qua chúng ta mới chỉ hô hào, tạo cơ chế và ban hành chính sách, còn việc thực thi thành công hay không chưa thấy rõ.