Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp điểm cầu Trung ương kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu tỉnh ủy, thành ủy.

Kết quả đã rõ nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế

Tại Hội nghị, các ý kiến của lãnh đạo bộ, ngành Trung ương và các địa phương đều nhất trí dự thảo Báo cáo tổng kết Nghị quyết. Trong đó nhấn mạnh, giai đoạn 2012 - 2020, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò trụ cột chính trong các chính sách an sinh xã hội.

Quá trình thực hiện Nghị quyết, các cấp ủy đảng, các cấp, các ngành đã quán triệt, phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT phù hợp với từng đối tượng; phương pháp triển khai và có một số điều chỉnh cụ thể để phù hợp với tình hình thực tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp tổng thể, lồng ghép việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chính sách an sinh xã hội; thực hiện đồng bộ cải cách chính sách BHXH và cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ; đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống BHXH, BHYT…

Bên cạnh các kết quả đạt được, các đại biểu cũng đánh giá về những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết, như: phát triển đối tượng tham gia BHXH chưa đạt được theo mục tiêu của Nghị quyết; tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT còn xảy ra ở nhiều địa phương; số doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT còn nhiều, số tiền nợ đọng còn cao. Cùng với đó, tình trạng lạm dụng, trục lợi BHXH, BHYT vẫn còn xảy ra; công tác thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT còn chậm; chất lượng phục vụ của dịch vụ khám chữa bệnh BHYT còn nhiều bất cập; tỷ lệ người dân được ngân sách nhà nước (NSNN) đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT vẫn ở mức cao, với trên 51 triệu người, chiếm 58% tổng số đối tượng …

Một số cấp uỷ đảng, chính quyền chưa chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHXH, BHYT, còn coi việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT là nhiệm vụ riêng của ngành BHXH. Hầu hết chưa có địa phương nào bố trí nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ thêm mức đóng ngoài mức quy định của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện…

Bảo hiểm xã hội
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh chủ trì Hội nghị. Đồng chủ trì Hội nghị còn có Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Hội đồng quản lý BHXH Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An; Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn; Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh.

Tổng thu các quỹ BHXH, BHYT đạt 2.886.720 tỷ đồng

Về các giải pháp liên quan đến cơ chế tài chính cho BHXH, BHYT, báo cáo của Bộ Tài chính tại hội nghị cho biết về cơ bản, các văn bản quy định về chi phí quản lý và cơ chế tài chính cho BHXH, BHYT đã được ban hành đầy đủ, làm cơ sở để các quỹ BHXH, BHYT theo đúng quy định.

Giai đoạn 2012-2020, tổng thu các quỹ BHXH, BHYT là 2.886.720 tỷ đồng. Trong đó: thu của quỹ BHXH là 2.208.204 tỷ đồng (bao gồm cả thu từ NSNN để chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho đối tượng do NSNN đảm bảo), thu của quỹ BHYT là 678.516 tỷ đồng.

Cũng trong giai đoạn này, tổng chi các quỹ BHXH, BHYT khoảng 2.156.200 tỷ đồng, trong đó: chi các chế độ BHXH khoảng 1.503.436 tỷ đồng, chi chế độ BHYT khoảng 652.764 tỷ đồng.

Mức chi phí quản lý BHYT từ năm 2016 đến nay bằng tối đa 5% số tiền đóng BHYT hàng năm, và đến năm 2021 bằng 3,8% số dự toán số thu tiền đóng BHYT. Chi phí quản lý quỹ BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020 khoảng 76.357 tỷ đồng, trong đó chi phí quản lý BHXH là 50.483 tỷ đồng, chi phí quản lý BHYT là 25.874 tỷ đồng.

Mức chi phí quản lý BHXH giai đoạn 2016 - 2018 bằng 2,3%/năm dự toán thu, chi BHXH được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ BHXH. Giai đoạn 2019-2021, mức chi phí quản lý BHXH giảm dần: năm 2019 bằng 2,15%, năm 2020 bằng 2% và năm 2021 bằng 1,85% dự toán thu, chi BHXH , được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ BHXH.

Lũy kế đến cuối năm 2020, sau khi bảo đảm chi trả đầy đủ các chế độ cho người tham gia theo quy định của pháp luật, quỹ BHXH kết dư khoảng 862.482 tỷ đồng. Quỹ BHYT kết dư lũy kế cuối năm 2020 khoảng 32.990 tỷ đồng.

Phấn đấu đến năm 2030 có 60% lực lượng lao động tham gia BHXH

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế trung ương Trần Tuấn Anh nêu rõ, trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn, đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, công tác an sinh xã hội được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, trong đó BHXH, BHYT là hai chính sách lớn, giữ vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước. Từ đó, đề nghị cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác BHXH, BHYT.

Cụ thể là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHXH, BHYT với phương hướng, nhiệm vụ đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030: “Thực hiện BHYT toàn dân, phấn đấu tỷ lệ tham gia BHYT trên 95% dân số, đa dạng mức đóng và mức hưởng”; “Hoàn thiện hệ thống luật pháp về BHXH, tiến tới BHXH toàn dân, phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng hiện đại, hội nhập quốc tế; kết hợp hài hòa nguyên tắc đóng góp và thụ hưởng; công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Tiếp tục hiện đại hóa quản lý BHXH theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2030 có 60% lực lượng lao động tham gia BHXH; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp”.

Thực hiện các định hướng, giải pháp và nhiệm vụ tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; về công tác dân số; Nghị quyết tại Hội nghị lần thứ bẩy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH... ; tạo nền móng thuận lợi cho việc phát triển các dịch vụ BHXH, BHYT; yêu cầu đối với việc cung cấp dịch vụ BHXH, BHYT; yêu cầu đổi mới tổ chức bộ máy, đổi mới mô hình quản lý BHXH, BHYT, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lĩnh vực BHXH, BHYT.