gia vang sjc

Sơ đồ diễn biến giá vàng SJC từ ngày 23/6 đến 9/7. Nguồn: sjc.com.vn

“Sóng thần” trên sơ đồ diễn biến giá vàng SJC

Giá vàng đã đi xuống khá mạnh vào dịp cuối tuần, nhưng tựu chung lại thì giá vàng SJC đã vẫn “ăn ra” tới 3,5 triệu đồng/lượng kể từ khi sự kiện Brexit xảy ra (từ ngày 23/6 – 9/7). Còn nếu so với mức giá của ngày chưa xảy ra Brexit với ngày giá vàng SJC lập đỉnh của 3 năm (6/7), thì giá vàng SJC đã còn được đẩy tăng tới 5,7 triệu đồng/lượng (từ mức giá 34,1 triệu đồng/lượng ở ngày 23/6 lên đến 39,8 triệu đồng/lượng ở ngày 6/7).

Việc tăng nóng cũng đi kèm với việc nhanh chóng sụt xuống của giá vàng SJC trong cả tuần này đã để lại dấu ấn hiếm có trên thị trường vàng Việt Nam từ trước tới nay.

Đóng cửa phiên giao dịch tuần, giá vàng SJC niêm yết trên bảng giá của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn áp dụng tại thị trường TP. Hồ Chí Minh đứng tại mức 36,90 – 37,60 triệu đồng/lượng (giá mua vào – bán ra), còn áp dụng tại thị trường Hà Nội và các địa phương khác đứng tại mức 36,90 – 37,62 triệu đồng/lượng.

Trên bảng giá của Tập đoàn DOJI, giá vàng SJC đóng cửa tuần áp dụng cho giao dịch lẻ ở cả thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cùng đứng ở mức 37,05 – 37,50 triệu đồng/lượng.

Như vậy, cả tuần qua giá vàng SJC đã tăng 1,75 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên trong 3 phiên giao dịch vừa qua, giá vàng SJC đã vẽ ra một sơ đồ biến động đầy tính “nóng – lạnh” rất bất ngờ, khi trong ngày 6/7, giá vàng tăng tới 2,9 triệu đồng/lượng, nhưng bước sang ngày 7/7 thì giá vàng lại “rơi” mất tới 2,1 triệu đồng/lượng, sang đến sáng ngày 8/7 giá vàng tiếp tục giảm mạnh và có thời điểm đã giảm lùi thủng mốc 37 triệu xuống còn 36,65 triệu đồng/lượng. Sau đó giá vàng có sự phục hồi tăng dần trở lại và chốt tuần ở mức giá 37,6 triệu đồng/lượng.

Nếu không tính mức đỉnh ở ngày 6/7, thì giá vàng hiện đang đứng ở mức giá cao nhất trong gần 34 tháng qua – kể từ ngày 9/9/2013 đến nay.

Đây được coi là đợt biến động mạnh nhất của giá vàng kể từ đầu năm tới nay và cũng là “đợt sóng” hiếm có trên thị trường vàng Việt Nam từ trước tới nay. Bởi trong khi giá vàng trên thị trường thế giới mặc dù cũng chịu sự chi phối của sự kiện Brexit và diễn biến theo xu hướng đi lên, tuy nhiên mức biến động lại ít hơn rất nhiều so với diễn biến của giá vàng trong nước và đó cũng là điều bất thường trong đợt “sóng vàng” hiện nay.

Cụ thể, đóng cửa thị trường vàng tuần này, giá vàng giao ngay niêm yết trên sàn giao dịch Kitco đứng tại mức 1.366,73 USD/ounce, chỉ tăng 25,12 USD/ounce so với mức giá đóng cửa tuần trước và có mức tăng thấp hơn rất nhiều so với giá vàng trên thị trường Việt Nam.

Giá vàng ở Việt Nam tăng cao hơn hàng chục lần mức tăng của thế giới

Trước đó, trong tuần giá vàng thế giới cũng có thời điểm tăng lên khá mạnh và cao nhất có thời điểm đạt gần tới 1.375 USD/ounce. Còn nếu so với mức giá hiện tại với mức giá ngày 23/6, thì giá vàng thế giới cũng đã tăng lên khoảng 106 USD/ounce – mức tăng ít hơn rất nhiều so với mức tăng của giá vàng SJC trên thị trường Việt Nam (tăng 3,5 triệu đồng/lượng).

Có thể thấy rằng, biến động của giá vàng hiện nay ảnh hưởng chủ đạo từ thông tin kết quả cuộc trưng cầu dân ý của nước Anh ngày 23/6, với kết quả người dân nước này lựa chọn phương án rời khỏi khối Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit.

Tuy nhiên, sự biến động của giá vàng trên thị trường Việt Nam trong đợt này được coi là có yếu tố bất thường, bởi theo thông lệ từ trước tới nay thì giá vàng trên thị trường trong nước thường có xu hướng và mức độ diễn biến bám theo diễn biến của giá vàng trên thị trường thế giới, nhưng ở đợt biến động này, thì giá vàng SJC của Việt Nam đã diễn ra theo kiểu “tát nước theo mưa” và biến động tăng mạnh một cách bất thường.

Theo đó, với diễn biến tăng “chóng mặt” và không phù hợp với diễn biến trên thị trường thế giới, nên Thời báo Tài chính Việt Nam đã có bài viết phản ánh sự bất thương đó trong chiều ngày 6/7. Đến tối ngày 6/7, thì Ngân hàng Nhà nước cũng đã phát đi thông tin nhằm khuyến nghị người dân cần cẩn trọng với diễn biến của giá vàng hiện nay.

Bởi theo thống kê biến động giá trong ngày 6/7 cho thấy, trong khi giá vàng trên thị trường thế giới chỉ tăng 9 USD/ounce từ 1.366-1.375 USD/ounce, thì giá vàng trong nước đã tăng gần 3 triệu đồng/lượng – mức tăng cao tới hàng chục lần so với mức tăng của thế giới.

Sau khi dư luận đặt ra sự nghi ngờ cho sự bất thương và sự lên tiếng của Ngân hàng Nhà nước, thì lập tức ngày hôm sau giá vàng SJC đã giảm xuống mạnh, nhưng hiện tại thì mức tăng giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn có sự chênh lệch khá mạnh – vì tính cả tuần này giá vàng thế giới chỉ tăng hơn 25 USD/ounce, nhưng giá vàng SJC thì đã tăng tới 1,75 triệu đồng/lượng.

Chính vì lẽ đó, giá vàng trong nước từ chỗ khá cân bằng với giá vàng thế giới ở cuối tháng 6, thì hiện mức chênh đã kéo doãng rộng lên mạnh và làm cho giá vàng trong nước đang đắt hơn so với thế giới khoảng gần 1 triệu đồng/lượng.

Thị trường vàng Việt Nam đã diễn biến khá ổn định, bám nhịp với diễn biến của thế giới trong suốt thời gian từ đầu năm đến giữa tháng 6 vừa qua, nhưng sự ổn định và bình thường đó như đang bị phá vỡ và có thể coi là đã xuất hiện sự bất thường. Nhiều ý kiến cho rằng, việc các cơ quan quản lý chức năng vào cuộc kịp thời, nhằm phòng ngừa các hành vi “thổi giá” là điều cần thiết, để đảm bảo tính lành mạnh của thị trường vàng, cũng như không để xảy ra những tác động xấu đến hoạt động ổn định của nền kinh tế, làm thiệt hại cho các nhà đầu tư và người dân./.

Đỗ Minh