Bộ Công thương quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia là phù hợp
Lượng xăng dầu dự trữ hàng năm dự kiến lên tới nhiều tỷ USD. Trong ảnh: Kho dự trữ xăng dầu của một doanh nghiệp đầu mối lớn phía Nam. Ảnh: TL

PV: Bộ Công thương đang quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia và mới đây đã có đề xuất chuyển nhiệm vụ này cho Bộ Tài chính để thống nhất đầu mối quản lý dự trữ các mặt hàng thiết yếu. Ở góc độ chuyên gia tài chính, ông bình luận thế nào về đề xuất này?

Bộ Công thương quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia là phù hợp
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Hiện nay Bộ Công thương trực tiếp quản lý toàn bộ các hoạt động từ việc lên kế hoạch nhập khẩu, kế hoạch đảm bảo nhu cầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh cho đến việc phân bổ lượng hàng xuất nhập khẩu, tăng cường các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu xăng dầu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân.

Tuy nhiên, do không có các kho dự trữ xăng dầu mang tính chiến lược quốc gia cho nên Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối phải thực hiện việc dự trữ xăng dầu, để đảm bảo nhu cầu sản xuất tiêu dùng trong nước.

Như vậy, các doanh nghiệp đầu mối hiện nay có 2 nhiệm vụ dự trữ: Một là dự trữ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Hai là, nhiệm vụ dự trữ đảm bảo cho an ninh năng lượng quốc gia theo thời gian quy định.

Nên giao cho 1 bộ ngành đứng ra

"Việc xây dựng kho dự trữ xăng dầu quốc gia là trách nhiệm của các bộ, ngành trước Chính phủ. Nhưng bộ, ngành có trách nhiệm toàn diện, có thể đưa ra dự báo, dự trữ để can thiệp thị trường về độ lớn, sức chứa của các kho dự trữ, tổng thể nên giao cho một bộ, ngành đứng ra" - PGS, TS Đinh Trọng Thịnh.

Đến nay, khi Chính phủ để cập đến việc xây dựng kho xăng dầu dự trữ quốc gia (DTQG) thì về mặt kỹ thuật cũng như về nguồn lực để xem xét chỗ nào có thể xây dựng được kho dự trữ chiến lược, nguồn lực nào thực hiện, nhu cầu dự trữ để đảm bảo cho nền kinh tế quốc dân an toàn trong hoạt động cũng như đảm bảo khả năng can thiệp của Nhà nước vào việc đảm bảo an toàn an ninh năng lượng cho nền kinh tế.

Rõ ràng, Bộ Công thương chủ trì tính toán điều hành, quản lý dự trữ xăng dầu quốc gia là đúng đắn nhất, sát hợp nhất với năng lực và khả năng thực tiễn.

PV: Có ý kiến cho rằng cần tách bạch bảo quản xăng dầu DTQG với mặt hàng xăng dầu kinh doanh. Ông đánh giá thế nào về các quy định về bảo quản DTQG về mặt hàng hiện nay?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Trong những năm qua, cơ chế quản lý xăng, dầu DTQG ở Việt Nam được hoàn thiện, ngày càng phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên vẫn có một số bất cập cần tiếp tục hoàn thiện để tăng cường quản lý nhà nước.

Về quy định pháp luật, hiện nay, xăng dầu DTQG chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật để quản lý. Do chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật quản lý xăng dầu DTQG nên phải vận dụng quy định tại Thông tư số 43/2015/TT-BCT để tính mức hao hụt xăng dầu DTQG là chưa bảo đảm cơ sở pháp lý và tính chính xác...

Hạn chế nữa là việc bảo quản xăng dầu DTQG theo phương thức thuê bảo quản hiện nay còn tình trạng chứa chung bồn bể với xăng dầu kinh doanh, chưa đúng nguyên tắc quy định, gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong kiểm soát. Đây là vấn đề đặc thù trong quản lý xăng dầu DTQG lịch sử để lại.

Để khắc phục những bất cập trên, trong thời gian tới, cần có giải pháp đồng bộ triển khai theo phương án tách bạch xăng dầu DTQG với xăng dầu kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm đúng nguyên tắc bảo quản hàng DTQG quy định tại Luật DTQG và công khai, minh bạch trong ký kết và thực hiện các hợp đồng thuê bảo quản.

PV: Các bộ, ngành thực thi nhiệm vụ của Chính phủ, mục tiêu cuối cùng là đảm bảo cân đối sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy hoạt động kinh tế, sinh hoạt của người dân do thiếu xăng dầu ở bất kỳ thời điểm hoàn cảnh nào. Vậy theo ông đâu là giải pháp cho thực tế hiện nay?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Tôi cần phải nhấn mạnh, nói về năng lực kỹ thuật, khả năng thực thi xây dựng kho xăng dầu chiến lược quốc gia nên giao cho Bộ Công thương thực hiện.

Trên thực tế chúng ta biết rằng, cũng có lý do để Bộ Công thương đưa ra đề nghị chuyển nhiệm vụ quản lý xăng dầu DTQG cho Bộ Tài chính, bởi lẽ có một số mặt hàng dự trữ chiến lược quốc gia do Bộ Tài chính thực hiện lưu trữ. Ví dụ như gạo, nhu yếu phẩm phục cứu trợ thiên tai, dịch hoạ. Nhưng ở đây khác với việc xây dựng kho dự trữ mặt hàng đặc biệt như xăng dầu cho mục tiêu dự trữ chiến lược quốc gia.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang được giao quản lý, điều phối kho dữ trự mang tính bắt buộc đối với một số loại hàng hoá nhu yếu phẩm để phòng ngừa các nhân tố thiên tai, dịch hoạ như kể trên. Nếu để xây dựng kho xăng dầu mang tính dự trữ chiến lược có thể đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, có khả năng can thiệp kịp thời vào thị trường khi cần thiết, thì tôi cho rằng vẫn nên giao cho Bộ Công thương đứng ra chủ trì là hợp lý nhất.

Tất nhiên, các bộ, ngành khác căn cứ trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình cùng chung tay thực hiện mục tiêu Chính phủ đề ra là xây dựng được kho dự trữ xăng dầu ở cấp độ quốc gia. Ở đó, Bộ Tài chính, trên cơ sở đề xuất của Bộ Công thương có thể xem xét cân đối nguồn lực, chi phí cần thiết cho hoạt động xây dựng kho dự trữ xăng dầu quốc gia. Tính toán cung ứng nguồn lực để mua xăng dầu có tính chất dự trữ, bởi vì đây là lượng xăng dầu lớn hàng năm lên tới nhiều tỷ USD.

PV: Xin cảm ơn ông!

Xây dựng kho dự trữ xăng dầu quốc gia cần nguồn lực tài chính rất lớn

Theo Bộ Công thương, tổng lượng xăng dầu dự trữ quốc gia đến cuối năm 2022 là hơn 367.125 m3, tấn. Trong đó, 55% là dầu diesel, trên 27% là xăng RON 92, còn lại là dầu mazut và nhiên liệu máy bay (Jet A1). Mức dự trữ xăng dầu quốc gia tương đương 7 ngày nhập ròng bình quân.

Nếu tính cả 3 loại dự trữ xăng dầu, gồm dự trữ sản xuất, thương mại và dự trữ quốc gia, thì tổng lượng xăng dầu dự trữ của Việt Nam đạt khoảng 65 ngày nhập ròng, thấp hơn tiêu chuẩn của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và mục tiêu tại các nghị quyết, quyết định của các cấp có thẩm quyền. Vì vậy việc xây dựng kho dự trữ xăng dầu chiến lược quốc gia là nhu cầu cấp bách.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, xây dựng kho dự trữ xăng dầu quốc gia cần có nguồn lực tài chính rất lớn, Nhà nước phải là chủ thể nắm lượng dự trữ xăng dầu để có thể can thiệp vào thị trường, thay đổi giá cả, đáp ứng yêu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng dân sinh.

Nhằm đảm bảo cho an ninh xăng dầu quốc gia trong mọi tình huống, ngày 18/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Vì vậy, căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn được giao Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Bộ Tài chính cũng cho biết, hiện nay, đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai xây dựng Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo quy định của pháp luật về quy hoạch.