Cục Hải quan tỉnh Bình Dương cho biết, ngày 17/8/2022, đoàn công tác của Bộ Tài chính đã đến làm việc tại đơn vị. Thành phần đoàn khảo sát gồm đại diện: Vụ Chính sách thuế, Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính), đại diện Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan.

Về phía Cục Hải quan tỉnh Bình Dương có ông Lê Văn Danh - Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bình Dương, lãnh đạo Phòng Thuế Xuất nhập khẩu và các chi cục có liên quan.

Bộ Tài chính khảo sát tình hình thực hiện Luật Thuế bảo vệ môi trường tại Bình Dương
Đoàn công tác của Bộ Tài chính làm việc với Cục Hải quan Bình Dương về tình hình thực hiện Luật thuế bảo vệ môi trường. Ảnh: Phi Vũ

Báo cáo tại buổi làm việc cho biết, hiện nay Cục Hải quan tỉnh Bình Dương làm thủ tục xuất nhập khẩu cho gần 4.800 doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất, đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường phần lớn là các mặt hàng như túi ni lông, mỡ nhờn, dầu bôi trơn dùng cho máy móc thiết bị... số thuế bảo vệ môi trường không nhiều.

Phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn là doanh nghiệp FDI đầu tư nhà máy, dây chuyền công nghệ sản xuất, hoạt động ổn định nên doanh nghiệp có ý thức tìm hiểu kỹ về pháp luật và chấp hành pháp luật.

Các quy định tại Luật Thuế bảo vệ môi trường, Nghị định số 67/2011/NĐ-CP, Thông tư số 152/2011/TT-BTC (được sửa đổi bổ sung tại Thông tư 159/2012/TT-BTC) và các văn bản hướng dẫn liên quan được áp dụng và thực hiện ổn định qua nhiều năm.

Tại buổi làm việc, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương cũng báo cáo một số vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách thuế bảo vệ môi trường; đồng thời kiến nghị sửa đổi một số quy định để tháo gỡ, thuận tiện hơn trong thực thi.

Cụ thể hóa mặt hàng chịu thuế bảo vệ môi trường theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam (có mã số HS theo danh mục) được ban hành theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 09/2019/TT-BTC để thuận lợi trong việc kê khai, thu thuế BVMT; thay đổi mức thuế để phù hợp tương xứng với mức xử lý ô nhiễm do sử dụng hàng hóa, nhằm đảm bảo mục tiêu giảm dần việc sản xuất và sử dụng những hàng hóa gây ảnh hưởng xấu đến môi trường; bổ sung thêm một số sản phẩm gây ô nhiễm môi trường như giấy phế liệu, một số loại hóa chất (gồm cả axit vô cơ, xút, hóa chất bảo vệ thực vật, thủy ngân, hóa chất trong y tế,...); cao su (săm, lốp,..), polyme, pin, ắc quy..../.