Doanh thu sản phẩm được chứng nhận OCOP tăng đến 30%

Chương trình OCOP đã và đang được nhân rộng trên cả nước nhằm khuyến khích các chủ thể sản xuất, kinh doanh ở nông thôn khai thác tiềm năng về đất đai, sản vật, nhất là các giá trị truyền thống của địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Cà Mau: Hỗ trợ, khuyến khích nâng hạng sản phẩm OCOP gắn với quyền sở hữu trí tuệ
Sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau thu hút được sự quan tâm chọn lựa của người tiêu dùng. Ảnh: CTV

Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh Cà Mau đã công nhận được 128 sản phẩm OCOP (06 sản phẩm đạt 4 sao, 122 sản phẩm đạt 3 sao). Trong số đó, 113 sản phẩm thuộc ngành thực phẩm (chiếm 88%); 08 sản phẩm thuộc ngành đồ uống (chiếm 7%); 04 sản phẩm thuộc ngành thủ công mỹ nghệ, trang trí (chiếm 3%); 03 sản phẩm thuộc ngành vải, may mặc (chiếm 2%).

Cà Mau có vị trí địa lý đặc biệt với sự kết hợp hài hòa của biển, rừng, cùng sự đan xem giữa các hệ sinh thái mặn, ngọt, lợ đã tạo ra nhiều loại sản vật, đặc sản đặc trưng, độc đáo, mang nhiều yếu tố truyền thống địa phương.

Tổng số chủ thể tham gia chương trình và được công nhận là 61 chủ thể trong đó (15 công ty/doanh nghiệp, chiếm 24%; 26 hợp tác xã, chiếm 43%; 20 hộ kinh doanh, chiếm 33%.

Thông qua Chương trình OCOP, các chủ thể từng bước gia tăng quy mô sản xuất, cải thiện mô hình tổ chức quản lý, không ngừng cải tiến về chất lượng, tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường (chứng nhận hữu cơ quốc tế IFOAM, HACCP, áp dụng công nghệ chế biến, kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm ở nhiệt độ thường).

Đặc biệt, tại khu vực nông thôn, nơi tập trung nguồn nguyên liệu dồi dào và sự sẵn có của tri thức bản địa được lưu giữ, tích lũy qua nhiều thế hệ (nghề muối ba khía, nghề nuôi ong, nghề vót đũa đước, nghề làm tôm khô) giúp khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các địa phương để phát triển sản phẩm, dịch vụ, ngành nghề nông thôn.

Doanh thu từ các sản phẩm sau khi được công nhận tăng khoảng 10-30%, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, với mức lương từ 3-5 triệu đồng/tháng.

Phát triển OCOP một cách toàn diện, bền vững

Mặc dù chương trình OCOP sau khi được triển khai đã thu được những kết quả tích cực bước đầu nhưng theo đánh giá của ngành chức năng Cà Mau thì vẫn còn khá khiêm tốn.

Việc phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương còn những khó khăn nhất định. Hiện tại chủ thể OCOP chủ yếu là các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất nhỏ, năng lực sản xuất và khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế.

Một số mặt hàng do sản xuất theo mùa vụ, còn nhỏ lẻ, chưa áp dụng máy móc thiết bị hiện đại... nên khó đáp ứng các đơn hàng lớn và liên tục, dẫn đến tình trạng không đủ hàng hoá cung ứng ra thị trường.

Đặc biệt là vấn đề sở hữu trí tuệ chưa được các chủ thể quan tâm, nhiều chủ thể chưa hiểu rõ và chưa chủ động đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, kiểu dáng công nghiệp). Các sản phẩm chủ yếu tiêu thụ nội địa, chưa có sản phẩm xuất khẩu.

Cùng với đó, nhiều chủ thể vẫn chưa chủ động trong việc nâng hạng sao OCOP, do phải cải tiến quy trình sản xuất, đầu tư nâng cấp máy móc thiết bị, hoàn thiện mẫu mã bao bì theo tiêu chuẩn cao.

Mặt khác, đối với sản phẩm 4 sao cần phải đạt được một trong những chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến (HACCAP, ISO 22000:2018, VietGAP, GMP...); đạt 5 sao phải đạt chứng nhận quản lý chất lượng quốc tế... Ðể thực hiện được các tiêu chuẩn này cần đầu tư nguồn lực khá lớn, vượt quá khả năng của hầu hết các chủ thể.

Cà Mau: Hỗ trợ, khuyến khích nâng hạng sản phẩm OCOP gắn với quyền sở hữu trí tuệ
Đặc sản cua biển Năm Căn đã đăng ký quyền nhãn hiệu tập thể trưng bày, quảng bá sản phẩm. Ảnh: CTV

Theo ông Phan Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, Cà Mau đặt mục tiêu giữ vững số lượng, chất lượng sản phẩm OCOP hiện nay.

Đồng thời, phát triển mới và tiêu chuẩn hoá ít nhất 40 sản phẩm, trong đó công nhận mới ít nhất 30 sản phẩm đạt 3-4 sao; phấn đấu hỗ trợ và nâng hạng ít nhất 30 sản phẩm đạt 4-5 sao (trong đó, 25 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao, 5 sản phẩm tiềm năng tham gia phân hạng năm 2023). Phát triển nâng hạng sản phẩm OCOP gắn với quan tâm đến xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm và có biện pháp bảo về quyền sở hữu trí tuệ.

Trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục ưu tiên hỗ trợ, khuyến khích 17 chủ thể với 30 sản phẩm đăng ký tham gia nâng hạng như bánh phồng tôm, thịt cua sinh thái, tôm sinh thái ngủ đông, tôm khô, nước cốt nhàu, trà xạ đen, rượu nếp cẩm, gạo sạch.