Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp APEC chung tay với biến đổi khí hậu Việt Nam luôn chủ động, tích cực tham gia, đóng góp trong APEC Những nội dung chính của Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC

Nhận lời mời của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, tối ngày 12/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 28 theo hình thức trực tuyến.

Hội nghị năm nay có chủ đề “Hợp tác APEC nhằm đẩy mạnh phục hồi kinh tế hậu Covid-19; Các cơ hội và thách thức chủ yếu trong thế giới hậu Covid và làm thế nào để bảo đảm các thành quả được chia sẻ đồng đều tới toàn bộ người dân trong hiện tại và tương lai”. Các nhà lãnh đạo đã tập trung thảo luận các biện pháp nhằm ứng phó với đại dịch, đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế, khơi dậy động lực mới hướng tới tăng trưởng sáng tạo, bền vững và bao trùm.

Các thành viên APEC cần vượt qua khác biệt để “chung tư duy, cùng hành động”
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trực tuyến tại hội nghị tối 12/11. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Để đưa các nền kinh tế trở lại quỹ đạo phát triển bền vững, chúng ta cần có nhận thức mới và tư duy mới trên cơ sở tổng hòa các yếu tố kinh tế, môi trường, xã hội cũng như cân bằng lợi ích của tất cả các bên. Đây là thời khắc đặc biệt đòi hỏi các thành viên APEC vượt qua khác biệt để “chung tư duy, cùng hành động” vì lợi ích của chính mình và của cả cộng đồng”.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, 3 trọng tâm của APEC:

Thứ nhất, kiểm soát và dập dịch là điều kiện tiên quyết, bắt buộc để bảo đảm Châu Á – Thái Bình Dương an toàn và mạnh khoẻ, ổn định và phục hồi kinh tế vững chắc. Nền tảng hạ tầng y tế phải được củng cố và đổi mới. Các nền kinh tế phải ưu tiên hợp tác để vừa bảo đảm tiếp cận vắc-xin, nghiên cứu công nghệ và sản xuất vắc-xin, thuốc điều trị và các thiết bị y tế, vừa cải thiện hệ thống y tế cộng đồng và nâng cao năng lực ứng phó trước những thách thức đối với an toàn sức khỏe của người dân trong tương lai.

Thứ hai, APEC phải phát huy vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu để gánh vác trách nhiệm xây dựng nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương năng động, sáng tạo, hội nhập, kết nối hiệu quả. Theo đó, APEC và từng nền kinh tế thành viên cần chung tay củng cố hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, bao trùm, không phân biệt đối xử, và đề cao vai trò của WTO.

Trong trạng thái “bình thường mới”, APEC cần tăng cường kết nối để bảo đảm hoạt động của các chuỗi cung ứng khu vực gắn với mở cửa biên giới, mở cửa đường biển cho lưu thông hàng hóa, đi lại của người dân một cách an toàn và thuận lợi. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị APEC sớm xây dựng “Bộ hướng dẫn và thực tiễn tốt về khôi phục đi lại giữa các nền kinh tế vừa bảo đảm an toàn chống dịch”.

Thứ ba, APEC cần đi đầu xây dựng hình mẫu Châu Á – Thái Bình Dương tăng trưởng xanh và bao trùm để hiện thực hoá Tầm nhìn Putrajaya 2040. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Phục hồi kinh tế là cơ hội để chúng ta mạnh mẽ đổi mới sâu rộng mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, thích ứng bền vững với những biến động, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, không ai bị bỏ lại phía sau. Tôi đề nghị APEC mở rộng hợp tác trong áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững, nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh năng lượng, nguồn nước, lương thực và quản lý thiên tai. Đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu ứng phó biến đổi khí hậu, Việt Nam đã cam kết đạt Phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào 2050, giảm 30% lượng phát thải metan vào 2030, trồng thêm 1 tỷ cây xanh đến 2025 và nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên trên 30%”.

Chủ tịch nước cũng nêu bật những đóng góp của Việt Nam vào nỗ lực chung toàn cầu về phục hồi kinh tế, phát triển bền vững và bao trùm, giải quyết những thách thức chung toàn cầu, đặc biệt là biến đổi khí hậu. Đồng thời, khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục sát cánh cùng các nền kinh tế thành viên APEC hiện thực hoá tầm nhìn về một châu Á - Thái Bình Dương mở, hòa bình, năng động, tự cường, vì sự thịnh vượng của mọi người dân và các thế hệ tương lai.

Các đề xuất của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được các nhà lãnh đạo APEC đánh giá cao, tán đồng và phản ánh trong các văn kiện của hội nghị./.

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đã thông qua Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo và Kế hoạch hành động Aotearoa để triển khai tầm nhìn Putrajaya 2040. New Zealand cũng bàn giao vai trò Chủ tịch năm APEC 2022 cho Thái Lan.