Tại hội nghị, các Bộ trưởng đã cùng đại diện các tổ chức tài chính quốc tế cập nhật về tình hình kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế trong khu vực.
Hội nghị cho rằng, dù áp lực lạm phát đã giảm và chính sách tiền tệ dần nới lỏng, triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực trong trung hạn không đồng đều và vẫn yếu hơn so với trước đại dịch.
Trong bối cảnh đó, các Bộ trưởng thống nhất cần phải có sự kết hợp cân bằng giữa các chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực. Đồng thời, nhấn mạnh tăng cường hợp tác đa phương trong khu vực là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Đại diện các quốc gia thành viên tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 31 tại Peru. Ảnh: HTQT |
Trong năm 2024, các thành viên APEC đã đẩy mạnh hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực như chuyển đổi năng lượng bền vững, định giá carbon trong nước, tài chính bền vững, đẩy mạnh số hoá để đưa ra các công cụ tài chính tiếp cận tốt hơn tới người dân, khu vực phi chính thức. Những hiểu biết này rất quan trọng để đạt được sự phát triển kinh tế bền vững, bao trùm và tự cường, phù hợp với điều kiện của từng thành viên.
Thông tin về tình hình kinh tế Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, Việt Nam phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2024 ở mức khoảng 7%, lạm phát dự kiến tiếp tục được kiểm soát phù hợp mục tiêu đặt ra là khoảng 4 - 4,5%, điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, linh hoạt, có trọng điểm, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tiền tệ chủ động, kịp thời để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi phát triển.
Thứ trưởng Võ Thành Hưng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia có trách nhiệm và đóng góp tích cực vào các sáng kiến hợp tác trong khu vực APEC.
Đối với các nội dung hoạt động đã triển khai trong năm của hợp tác tài chính APEC, các Bộ trưởng đã lắng nghe và cho ý kiến chỉ đạo về các kết quả triển khai chính trong năm 2024, gồm: Tài chính bền vững, tài chính số, tài chính tự cường, định hướng lộ trình của Tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC trong giai đoạn tới và chiến lược lần hai của hiện đại hóa tiến trình này.
Về tài chính bền vững, các Bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng và phối hợp chính sách phù hợp, như việc sử dụng các cơ chế phân loại xanh, định giá tín chỉ carbon, xây dựng và phát triển thị trường carbon, hướng tới giảm phát thải khí nhà kính/trung hòa carbon trên cơ sở hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân.
Để đạt được quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, bền vững, công bằng, chi phí hợp lý và bao trùm, các cơ chế tài chính cần tính đến nhu cầu cụ thể của các lĩnh vực khác nhau và điều kiện của từng nền kinh tế, như tài chính hỗn hợp, các chuẩn mực và cơ chế báo cáo thống nhất và mang tính khả thi.
Thứ trưởng Võ Thành Hưng cùng đoàn công tác của Bộ Tài chính Việt Nam tham dự Hội nghị. Ảnh: HTQT |
Bên cạnh đó, chất lượng đầu tư cho các công trình cơ sở hạ tầng bao gồm các dự án cơ sở hạ tầng kết nối vùng và giữa các nền kinh tế nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bao trùm cần đảm bảo tính bền vững về tài chính, xã hội và môi trường (bao gồm cả khả năng chống chịu với khí hậu).
Nhằm thúc đẩy hơn nữa, các Bộ trưởng đã nhất trí khởi động Sáng kiến Tài chính Bền vững để điều phối và thúc đẩy chia sẻ thông tin tự nguyện và xây dựng năng lực về các vấn đề tài chính bền vững. Peru tự nguyện là nền kinh tế thành viên triển khai sáng kiến này trong giai đoạn 2025-2027.
Về tài chính số, các Bộ trưởng ghi nhận việc áp dụng các chương trình Tài chính Mở trong các nền kinh tế APEC có thể giúp tăng cường cạnh tranh trên thị trường tài chính, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính được cá nhân hóa, chi phí hợp lý và dễ tiếp cận hơn cho người tiêu dùng, qua đó sẽ thúc đẩy tài chính toàn diện, tính minh bạch cao hơn và củng cố niềm tin của người tiêu dùng.
Các thành viên APEC sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm về việc áp dụng các chuẩn mực trong Tài chính Mở và cơ chế bảo vệ người tiêu dùng để thúc đẩy sự phát triển của các hệ sinh thái Tài chính Mở cạnh tranh, có trách nhiệm. Bên cạnh đó, các thành viên APEC sẽ tiếp tục tăng cường giáo dục tài chính kỹ thuật số để xây dựng một hệ thống tài chính có khả năng phục hồi, bao trùm và bền vững.
Về tài chính tự cường, trong bối cảnh các rủi ro về khí hậu gia tăng về tần suất, thời gian và cường độ do biến đổi khí hậu, các thành viên APEC sẽ tăng cường hợp tác chia sẻ về công bố thông tin và các công cụ để quản lý rủi ro.
Theo đó, một trong các trọng tâm của hợp tác tài chính APEC trong thời gian tới là tiếp tục hợp tác về tài chính đối với rủi ro khí hậu, xây dựng hệ thống thông tin đáng tin cậy để định lượng rủi ro, phát triển cơ sở hạ tầng và hệ thống cảnh báo sớm, làm sâu sắc hơn hợp tác trong khu vực về bảo hiểm rủi ro thiên tai để giảm thiểu và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Quang cảnh hội nghị. |
Về định hướng lộ trình hợp tác tài chính APEC trong thời gian tới, trên cơ sở xem xét Kế hoạch Hành động Cebu sẽ kết thúc vào năm 2025, các Bộ trưởng đã hoan nghênh việc thông qua Tài liệu Hướng dẫn Xây dựng Lộ trình Tiến trình Bộ trưởng Tài chính mới.
Các Bộ trưởng cũng ghi nhận Chiến lược thứ hai về hiện đại hóa Tiến trình Bộ trưởng Tài chính để củng cố hơn nữa kênh hợp tác tài chính APEC tiếp tục là một cơ chế hợp tác khu vực linh hoạt, hiệu quả và có lợi cho tất cả các nền kinh tế APEC.
Bên lề hội nghị, các Bộ trưởng đã có buổi làm việc với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) và ghi nhận các khuyến nghị của ABAC đối với các Bộ trưởng Tài chính APEC./.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2024 đã kết thúc thành công và tốt đẹp Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC (FMP) năm 2024 với chủ đề "Bền vững + Kỹ thuật số + Tự cường = APEC" đã hoàn thành các chương trình nghị sự đề ra của năm với mục tiêu xây dựng một khu vực châu Á - Thái Bình Dương bền vững hơn, kỹ thuật số hơn, tự cường hơn và tập trung hơn vào APEC, khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với Tầm nhìn APEC Putrajaya 2040. Hàn Quốc sẽ là nền kinh tế chủ trì Tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 32 vào năm 2025./. |