23
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Đồ họa: Hồng Vân

Nghiêm túc, đồng lòng thực thi chính sách

Đợt dịch lần thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4/2021 cũng là đợt dịch phức tạp và cam go nhất, nhưng không vì thế mà làm chùn bước ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công cuộc chống dịch. Trước tình hình khó khăn trong đợt dịch lần này, Chính phủ vẫn quyết tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp cụ thể để hoàn thành mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Cuối tháng 6/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 63/NQ-CP, trong đó chỉ đạo tập trung cao độ phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đưa “hơi ấm” từ chính sách lan tỏa đến tận từng người lao động

Nếu như Nghị quyết 63/NQ-CP với tinh thần chỉ đạo xuyên suốt từ cấp trung ương đến việc thực thi nhanh chóng nghiêm túc ở các cấp thừa hành đã tạo sự sợi dây liên kết từ chính sách xuống đến cộng đồng doanh nghiệp, thì Nghị quyết 68/NQ-CP đưa “hơi ấm” từ chính sách lan tỏa đến tận từng người lao động.

Từ chính sách kịp thời, đúng đắn của Chính phủ, cùng lời kêu gọi chia sẻ, đồng hành giữa khó khăn chung trước kẻ thù dịch bệnh, hệ thống ngân hàng đã thực thi được vai trò là “mạch máu” của nền kinh tế, cùng cộng đồng chiến đấu và sẽ chiến thắng dịch bệnh.

Riêng trong lĩnh vực ngân hàng, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp về tín dụng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngân hàng Nhà nước cũng phải chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp; khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Với tinh thần chỉ đạo sát sao từ cấp Chính phủ, ngành Ngân hàng đã bắt tay ngay vào cuộc để thực thi tinh thần chỉ đạo từ nội dung Nghị quyết 63. Ngay đầu tháng 7, Ngân hàng Nhà nước đã họp trực tuyến để đưa ra các hành động cụ thể thực thi Nghị quyết 63. Tại cuộc họp này, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, dịch Covid-19 kể từ khi bùng phát tới nay đã tác động lớn đến nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng. Đại dịch vẫn còn diễn biến rất phức tạp nên câu chuyện vừa phòng, chống dịch nhưng vẫn bảo đảm được khôi phục, phát triển kinh tế là nhiệm vụ kép rất lớn của Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương.

Ông Đào Minh Tú cho biết, mọi hoạt động của ngân hàng phải làm sao hài hoà song hành giữa 2 mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, song vẫn đảm bảo an toàn một cách cao nhất cho hệ thống ngân hàng nói chung và cho từng tổ chức tín dụng nói riêng, không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong trung và dài hạn.

Tiếp đó, Hiệp hội Ngân hàng cũng có cuộc họp với các hội viên để có các chương trình hành động cụ thể thực thi Nghị quyết 63 của Chính phủ. Theo đó, 16 ngân hàng tham gia cuộc họp đã đi đến đồng thuận nhất trí chủ trương giảm lãi suất cho vay để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19.

“Hơi ấm” lan tỏa đến từng người lao động

Sau khi Nghị quyết 63 ra đời chưa lâu, đầu tháng 7, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP, đưa ra các nội dung về chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Trong lĩnh vực tài chính – tiền tệ, Nghị quyết 68 đã đưa ra quan điểm chỉ đạo về chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Trong đó, Quyết định 23 nêu rõ những chính sách cho vay ưu đãi lãi suất 0% để trả lương ngừng việc do ảnh hưởng dịch Covid-19 và trả lương khi phục hồi sản xuất từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Là một trong số các doanh nghiệp được ký kết hợp đồng tín dụng trả lương ngừng việc cho người lao động, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Công nghệ Mai Linh Lạng Sơn, bà Nông Thị Vân cho biết, dịch Covid-19 vừa qua đã ảnh hưởng rất nặng nề đến hoạt động của doanh nghiệp, nhiều công nhân của công ty thu nhập bị sụt giảm và mất việc làm do nhu cầu đi lại của người dân giảm.

Theo bà Vân, đơn vị được tiếp cận gói vay ưu đãi với số tiền giải ngân là 92,6 triệu đồng để trả lương cho 9 lao động. Điều này đã giúp đỡ doanh nghiệp rất nhiều trong việc hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2021, đồng thời đảm bảo thu nhập, ổn định đời sống cho người lao động.

Về phía người lao động, chị Chu Phương Khanh, nhân viên Công ty TNHH MTV Thương mại và du lịch Pride, Lạng Sơn cho biết, phần vốn mà doanh nghiệp chị đang làm việc được vay không chỉ giúp đơn vị giảm áp lực trang trải chi phí hoạt động, góp phần duy trì hoạt động, phục hồi sản xuất kinh doanh, mà người lao động như chị sẽ có thu nhập ổn định hơn để trang trải cho cuộc sống qua thời kỳ dịch bệnh khó khăn.

Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát các ngân hàng thực hiện cam kết

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết giảm phí, giảm lãi suất của các ngân hàng thương mại để làm sao từ nay đến cuối năm, những cam kết này sẽ hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp.

Cho tới thời điểm này, dịch vẫn tiếp tục phức tạp, doanh nghiệp ngày càng khó khăn, khả năng chống chịu suy giảm. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước cho rằng các doanh nghiệp bị ảnh hưởng vẫn cần có những hỗ trợ mạnh mẽ, tích cực và trách nhiệm hơn nữa của tất cả các ngân hàng trong việc tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, hỗ trợ lãi suất theo tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Về động thái của các ngân hàng thương mại, trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 8, nhiều ngân hàng đã đưa ra các cam kết giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ cho các khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19. Đại diện các ngân hàng cho rằng, việc hỗ trợ doanh nghiệp là rất cần thiết, không thể chần chừ, nhưng cần tính toán thực lực nguồn vốn, chính sách tín dụng của từng ngân hàng để triển khai giải pháp cụ thể, trên tinh thần tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Việc hỗ trợ thực hiện được triển khai liên tục cho đến hết năm 2021 trên tinh thần cần xem xét đối tượng vay vốn cụ thể để việc hỗ trợ vốn vay, giảm lãi suất đúng địa chỉ, đúng khách hàng đang có khó khăn thực sự.

Riêng 4 ngân hàng thương mại thuộc nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank) đã thực hiện giảm lãi suất với cam kết mức hỗ trợ lên tới 4.000 tỷ đồng (mỗi ngân hàng sẽ giảm thêm 1.000 tỷ đồng) cho các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số tỉnh đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ. Đây là những tỉnh, thành phố đang đối diện với tình hình dịch bệnh rất phức tạp và các doanh nghiệp trên địa bàn cũng đang hết sức khó khăn.

Bên cạnh giảm lãi suất, 4 ngân hàng này cũng cam kết sẽ giảm 100% các loại phí dịch vụ tại TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số tỉnh đặc biệt khó khăn bởi dịch bệnh và đang phải cách ly theo Chỉ thị 16.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)