Chính sách tài khóa hỗ trợ hiệu quả tăng trưởng kinh tế
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Văn Chung

PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò của chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19?

Chính sách tài khóa hỗ trợ hiệu quả tăng trưởng kinh tế
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Chính sách tài khóa có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình hồi phục và tăng trưởng của các doanh nghiệp (DN) trong nền kinh tế. Trong thời gian dịch Covid-19, chính sách tài khóa đã phát huy vị trí và vai trò của mình, đặc biệt, hơn một năm qua khi chúng ta mở cửa nền kinh tế, chính sách tài khóa đã giúp cho các ngành nghề, lĩnh vực hồi phục và tăng trưởng, qua đó vai trò của chính sách tài khóa cũng được thể hiện rõ hơn.

Trong đó, các gói hỗ trợ của ngân sách nhà nước (NSNN) cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội, Chính phủ thông qua theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 11/NQ-CP từ đầu năm 2022 đã và đang tiếp tục được ban hành, góp phần quan trọng giúp phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ an sinh xã hội, đầu tư công…, NSNN đã thông qua miễn, giảm, giãn tiền thuế, phí và tiền thuê đất, giúp DN có ngay nguồn lực tài chính để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, việc tìm kiếm nguồn lực trong nền kinh tế thông qua phát hành trái phiếu vẫn đảm bảo chi phí vốn ở mức vừa phải và huy động vốn trong bù đắp cho thiếu hụt của ngân sách, đáp ứng nhu cầu chi tiêu. Việc tác động đến cân đối vĩ mô, đến vay nợ, trả nợ và các yếu tố khác cũng ở mức tương đối tốt và điều quan trọng, chúng ta đang tích cực giảm thiểu vay nợ nước ngoài bằng cách tăng vay nợ từ nguồn lực trong nước. Đây là một điểm sáng cần phát huy trong thời gian tới để từ đó, giảm thiểu thâm hụt ngân sách trong trường hợp cần phải vay nợ để bù đắp đầu tư phát triển.

Về nguồn thu, mặc dù nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với việc cải cách hành chính thuế, cũng như cải cách chế độ thu - chi, siết chặt nguồn thu trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản đã có nhiều thay đổi; việc định giá thị trường, tiến hành thu thuế các hoạt động kinh doanh bất động sản theo giá thị trường đã dần dần đi vào nề nếp. Bên cạnh đó, hoạt động thu thuế thương mại điện tử, thu thuế của tổ chức kinh doanh xuyên biên giới trên môi trường số cũng đã đem lại nguồn thu tích cực cho NSNN trong mấy năm gần đây.

PV: Mới đây, Chính phủ trình Quốc hội đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% đối với phần lớn hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% xuống 8% trong 6 tháng cuối năm 2023. Chính sách này khi đi vào thực thi sẽ tác động đến người dân, DN và nền kinh tế ra sao, thưa ông?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Đây là chính sách có ý nghĩa rất lớn và hiệu quả trong năm 2022, việc giảm thuế đã kích thích chi tiêu của người dân, giúp nền kinh tế tăng trưởng, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN. Điều quan trọng nhất là hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân. Việc giảm thuế GTGT 2% giúp giá hàng hóa trên thị trường giảm và người dân được lợi, DN sản xuất giảm được giá nguyên liệu đầu vào. Như vậy, chi phí nguyên vật liệu giảm thì giá thành bán ra giảm thêm, đối với DN được lợi nhiều chiều.

Chính sách tài khóa đảm bảo các cân đối vĩ mô lớn của nền kinh tế

"Việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% giúp giảm áp lực lạm phát khi hỗ trợ chi phí về logistic, vận tải, làm cho mặt bằng giá cả ổn định, góp phần giữ vững sự ổn định lạm phát ở mức thấp trong mấy năm qua, điều này cũng cho thấy vai trò của chính sách tài khóa thể hiện rõ nét trong đảm bảo các cân đối vĩ mô lớn của nền kinh tế". PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Đối với nền kinh tế, chính sách này góp phần kiềm chế lạm phát vì giá hàng hóa giảm thì sức ép lạm phát giảm đáng kể. Từ đó, góp phần đảm bảo cân đối vĩ mô của nền kinh tế tốt hơn, quan trọng nhất, chính sách của Nhà nước được thực thi đối với toàn xã hội, cả người tiêu dùng và DN sản xuất, kinh doanh, tạo ra sự đồng lòng nhất trí và nhận thức của toàn xã hội khi thấy Đảng, Nhà nước đồng hành với người dân, DN trong quá trình khắc phục khó khăn để nhanh chóng hồi phục và phát triển sản xuất kinh doanh.

PV: Dự báo kinh tế trong nước vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức bởi tác động suy giảm của nền kinh tế thế giới. Theo ông, từ nay đến cuối năm, cần ưu tiên điều hành chính sách tài khóa như thế nào để nền kinh tế được hỗ trợ hiệu quả nhất?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Trước hết, chính sách tài khóa trong những tháng cuối năm quan trọng nhất phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để có thể chi tiêu hơn 700 nghìn tỷ đồng theo đúng kế hoạch, từ đó tạo ra động lực, nhu cầu hàng hóa, thúc đẩy các ngành nghề trong nền kinh tế tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ. Đây là nhiệm vụ chính trị cực kỳ quan trọng, nếu chúng ta chi tiêu được 95 - 98% như mong muốn của Chính phủ, sẽ tạo ra tác động lan tỏa, hiệu quả lớn đối với nền kinh tế. Do vậy, đây phải là nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm.

Thứ hai, để đảm bảo được việc chi tiêu NSNN một cách đồng bộ, nhịp nhàng, đảm bảo các cân đối, nếu NSNN phải phát hành trái phiếu để bù đắp thâm hụt, cần phải tính toán cho hợp lý để đảm bảo chi phí vay nợ ở mức phù hợp, đảm bảo khả năng nợ trong nước, nợ nước ngoài nằm trong chiều hướng tốt và mức vay nợ, trả nợ nằm trong giới hạn khống chế.

Điều quan trọng hơn cần phải thực thi, đó là kiểm tra, giám sát, cũng như đẩy mạnh nguồn thu cho NSNN, chống thất thu, chuyển giá, thực thi tốt cải cách hành thu, cũng như cải cách các chính sách thuế, từ đó tạo cơ hội tốt nhất cho việc tăng nguồn thu, phòng chống thất thoát, cũng như thu đúng, thu đủ với các ngành nghề, khu vực trong nền kinh tế.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đã miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí hàng trăm nghìn tỷ đồng

Phát biểu làm rõ thêm tại phiên họp Quốc hội chiều ngày 29/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, vào thời điểm dịch Covid-19, Chính phủ đã điều hành chính sách tài khóa hết sức quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả.

Việc huy động nguồn lực to lớn cho công tác phòng chống dịch thể hiện tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết, xả thân của nhân dân và thể hiện đường lối đối ngoại đúng đắn, rộng mở của Đảng, Nhà nước. Ngoài nguồn lực ngân sách nhà nước (NSNN), nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, viện trợ của các quốc gia và nhân dân là rất to lớn.

Theo Bộ trưởng, năm 2021, riêng chính sách tài khóa đã miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí là hơn 132 nghìn tỷ đồng, trong đó miễn và giảm là 24 nghìn tỷ đồng và gia hạn là 108,4 nghìn tỷ đồng.

Năm 2022, chúng ta huy động được nguồn lực lớn nhất và thực hiện miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí lớn nhất, là 200,3 nghìn tỷ đồng, trong đó miễn giảm là 89 nghìn tỷ đồng và gia hạn là 110,7 nghìn tỷ đồng...

Năm 2023, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc miễn, giảm thuế, Bộ Tài chính đã trình và dự kiến sẽ miễn, giảm, gia hạn 195,4 nghìn tỷ đồng, trong đó miễn giảm là 74,2 nghìn tỷ đồng và gia hạn là 121 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng, trong năm 2022 và 2023 có gói hỗ trợ tài khóa theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (tổng gói chương trình là 347 nghìn tỷ đồng), đã thực hiện giãn, giảm thuế phí và lệ phí và có hiệu quả tức thì trong năm 2022.

Về tình hình mua vắc-xin phòng Covid-19 và tiếp nhận viện trợ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, số tiền mua từ NSNN trên 15 nghìn tỷ đồng, trong đó quỹ chi là 7.672,2 nghìn tỷ đồng, ngân sách trung ương chi 7.574,5 nghìn tỷ đồng./.