PV: Công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) đang được Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) triển khai rất mạnh mẽ. Ông đánh giá như thế nào về công tác quản lý thuế đối với hoạt động này hiện nay?

Chính sách thuế ngày càng phù hợp với nền kinh tế số
LS. Đặng Thành Chung

LS. Đặng Thành Chung: TMĐT là xu thế đang rất phát triển trên thế giới, cũng như ở nước ta. Chính vì thế, để đảm bảo quản lý hiệu quả, trong thời gian vừa qua, công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT đang được Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) triển khai rất mạnh mẽ.

Bộ Tài chính cũng đã kịp thời tham mưu hoặc trực tiếp ban hành các văn bản pháp quy quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế, trong đó, các nội dung về quản lý thuế đối với TMĐT đã được hướng dẫn rõ ràng và khả thi tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP, Thông tư 105/2020/TT-BTC, Thông tư 40/2021/TT-BTC, Thông tư 80/2021/TT-BTC và Thông tư 100/2021/TT-BTC…

Có thể nói, với hành lang pháp lý đã được xây dựng và thực tiễn cho thấy, những giải pháp đồng bộ mà cơ quan thuế các cấp đã triển khai, kết quả quản lý thuế đối với TMĐT ngày càng có nhiều tín hiệu đáng mừng.

PV: Để quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT một cách hiệu quả, Tổng cục Thuế đang từng bước hoàn thiện chính sách pháp luật. Là người làm công tác tư vấn pháp luật, ông đánh giá như thế nào về chính sách pháp luật thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT hiện nay?

LS. Đặng Thành Chung: Chính sách thuế đối với TMĐT của Việt Nam hiện nay đã được thể hiện qua các sắc thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân.

Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định người nộp thuế phải thực hiện đăng ký thuế và được cơ quan thuế cấp mã số thuế trước khi bắt đầu hoạt động sản xuất - kinh doanh hoặc có phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Ngoài ra, nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam khi hoạt động kinh doanh TMĐT có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam. Luật Quản lý thuế cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng phổ biến cho các mô hình TMĐT; thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán hỗ trợ công tác quản lý thuế đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong TMĐT.

Thiết lập nền tảng pháp lý vững chắc cho hoạt động quản lý thuế

“Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020 đã thiết lập nền tảng pháp lý vững chắc cho hoạt động quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh này. Cụ thể, đã bổ sung nghĩa vụ phải đăng ký, kê khai, nộp thuế đối với nhà cung cấp nước ngoài kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số nhưng không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; bổ sung quy định về quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quản lý thuế đối với TMĐT” - LS. Đặng Thành Chung.

Ngoài ra, Nghị định 85/2021/NĐ-CP về TMĐT cũng có quy định liên quan, theo đó thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm chỉ định đầu mối tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận yêu cầu, để kịp thời phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Tại Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 1/6/2021 quy định rõ ràng hơn trách nhiệm của chủ sở hữu sàn TMĐT phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân qua sàn theo yêu cầu của cơ quan thuế như: họ tên, số định danh cá nhân, chứng minh nhân dân, hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, mã số thuế, địa chỉ email, số điện thoại liên lạc, hàng hóa, dịch vụ cung cấp, doanh thu kinh doanh, tài khoản ngân hàng của người bán, thông tin khác liên quan.

Như vậy, có thể thấy, hiện nay chính sách thuế về TMĐT đã dần được hoàn thiện theo thời gian, phù hợp với xu hướng tiêu dùng, ứng dụng công nghệ trong kinh doanh TMĐT tại Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động TMĐT rất đa dạng, phạm vi kinh doanh rộng, có tốc độ phát triển nhanh về quy mô và ứng dụng các công nghệ mới cũng đặt ra các vấn đề thách thức trong quản lý thuế hoạt động này tại Việt Nam.

PV: Hiện nay Tổng cục Thuế đã ký thỏa thuận hợp tác với Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp để quản lý thuế đối với TMĐT, trong đó có việc chia sẻ, khai thác thông tin phục vụ cho công tác quản lý thuế. Theo ông, để khai thác hiệu quả nguồn thông tin này, cơ quan thuế phải làm gì?

LS. Đặng Thành Chung: Để khai thác hiệu quả nguồn thông tin này, cơ quan thuế cần triển khai, xây dựng một hệ thống thông tin quản lý thuế tích hợp, đồng bộ các dữ liệu của người nộp thuế khi đăng ký thông tin với các bộ, ngành để thuận tiện theo dõi, thanh kiểm tra và xử lý vi phạm. Hệ thống này sẽ đáp ứng chính phủ điện tử và định hướng chuyển đổi sổ, thực hiện xử lý tự động các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế và thu thập, phân tích dữ liệu lớn từ sự chia sẻ thông tin của Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông phục vụ công tác hoạch định chính sách, dự báo số thu, tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ và thanh tra, kiểm tra thuế, điều tra thuế…

Ngoài ra, cơ quan thuế cũng cần phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng và mở rộng các kênh kết nối, trao đổi thông tin, các chương trình làm việc, các nội dung cần phối hợp, cơ chế phối hợp với các đơn vị bên ngoài nhằm kịp thời cung cấp thông tin và quy định rõ ràng, cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan để thuận tiện triển khai các biện pháp phối hợp.

PV: Xin cảm ơn ông!