Mức dư nợ vay được kiểm soát chặt chẽ

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chính sách, cơ chế đặc thù cho 4 địa phương vừa đảm bảo phát triển của các vùng kinh tế trọng điểm, làm đầu tầu cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Tuy nhiên trong tính toán, Chính phủ luôn phải quan tâm hài hòa các địa phương khác. “Đảng, Nhà nước luôn quan tâm hài hòa các vùng miền, chúng ta đã có rất nhiều cơ chế chính sách đầu tư cho các vùng khó khăn, còn 3 chương trình mục tiêu quốc gia đều nằm ở các vùng khó khăn này. Đây chỉ là một số cơ chế chính sách để các tỉnh này bứt phá, chứ không có sự mất cân bằng trong cơ chế chính sách”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Cơ chế chính sách đặc thù để địa phương bứt phá. Ảnh: QH.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Cơ chế chính sách đặc thù để địa phương bứt phá. Ảnh: QH.

Theo Bộ trưởng, về cơ chế tài chính đặc thù, điều tiết ngân sách nhưng phải phù hợp với các quy định. Việc lựa chọn các địa phương cũng phải phù hợp với đường lối, phương hướng, tính hợp pháp, tính hợp hiến, nhằm tạo điều kiện bứt phá nhưng đề cao tự lực, tự cường và vươn lên của địa phương.

Đồng thời, phải phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, nhưng không ảnh hưởng đến bội chi và nợ công của quốc gia. Vị “tư lệnh” ngành Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định, để chính sách hiệu quả sẽ có cơ chế kiểm tra, giám sát phù hợp với năng lực của từng địa phương và “đó là các nguyên tắc cơ bản”.

Trước thắc mắc về phân cấp trách nhiệm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, “chỉ phân cấp 1 cấp và có cơ chế giám sát”.

Mức dư nợ vay quy định tại dự thảo Nghị quyết, một số ý kiến băn khoăn cho rằng, với quy định hiện nay, các địa phương vẫn chưa vay đủ theo hạn mức, qua thống kê chỉ đạt khoảng 27-28%, vậy khi có cơ chế mới này với hạn mức cao hơn, liệu có cần thiết hay không.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xác định dư nợ vay phù hợp với nhu cầu đầu tư phát triển từng địa phương, khả năng hấp thụ vốn vay của từng địa phương. Mỗi tỉnh khác nhau sẽ có mức khác nhau. Việc tăng mức dư nợ vay được kiểm soát trong giới hạn, mức bội chi và nợ công quốc gia, được QH xem xét hàng năm.

“Các địa phương chưa sử dụng hết mức dư nợ này, nếu có, các địa phương sẽ chủ động tính toán nhu cầu, thu xếp các nguồn vay để đầu tư hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Cần “liều thuốc” đủ mạnh để qua “cơn bạo bệnh”

Những chính sách đặc thù, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, vẫn đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, tránh việc dự toán không sát thực tế.

Về chính sách phí, lệ phí trên địa bàn, theo Bộ trưởng, để các tỉnh phát huy hiệu quả, các địa phương có thể điều chỉnh khác nhau, việc ban hành phải có lộ trình theo thực tế, tránh tác động tới người dân.

Liên quan đến vấn đề này, phát biểu trước đó, một số đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại khi dịch bệnh hiện nay ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Việc cho phép một số địa phương được quyết định áp dụng trên địa bàn các loại phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí.

Ngoài ra, địa phương được điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí, sẽ ảnh hưởng tới người dân.

Do đó, đại biểu đề nghị việc áp dụng chính sách này phải có lộ trình cụ thể, tránh ảnh hưởng tới đời sống của người dân.

Nhiều đại biểu Quốc hội kỳ vọng, cơ chế, chính sách đặc thù với một số địa phương này sẽ được triển khai hiệu quả, từ đó có tổng kết, đánh giá và áp dụng trên thực tế cho nhiều địa phương khác nữa.

Nói như đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (Đồng Nai), trong khi nguồn lực quốc gia khó khăn, thì ngoài câu chuyện làm động lực tăng trưởng mà còn là sự sống còn, nhất là khi đất nước vừa trải qua dịch bệnh nặng nề.

Đại biểu cho rằng, khát vọng phát triển đất nước và câu chuyện đi tìm động lực tăng trưởng là trăn trở của các cấp lãnh đạo, các chuyên gia, các tầng lớp nhân dân. “Chúng ta trân trọng các thành quả hiện nay, cần xác định đó không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm, tình cảm của 63 tỉnh thành anh em. Dù có hay không có cơ chế đặc thù, trong đại dịch tình quân dân, nghĩa đồng bào đã khắc họa sâu sắc khó ai có thể quên được”, đại biểu Phạm Trọng Nhân nói.

“Chúng ta đồng thuận để thông qua cơ chế đặc thù lần này nhưng vẫn mong một cơ chế chính sách đặc thù cho các vùng kinh tế trọng điểm, đây chính là động lực tăng trưởng trọng yếu, là liều thuốc mạnh cho cơ thể vừa qua cơn bạo mệnh nhưng luôn mang khát vọng, chỉ có đồng lòng như vậy, chúng ta mới có thể đi xa cùng nhau”, ĐB Phạm Trọng Nhân cho hay./.