Mức tăng này đến từ 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,38%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,38% chủ yếu do giá điện sinh hoạt tăng 2,11%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,31%, do trong tháng có kỳ nghỉ lễ kéo dài; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,2%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,14%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,12%...; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%.

CPI tháng 5 tăng nhẹ, chủ yếu do giá thịt lợn tăng

Ở chiều ngược lại, 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,09%; nhóm giáo dục giảm 0,25%; nhóm giao thông giảm 1,73% (góp phần giảm CPI chung 0,17 điểm phần trăm), chủ yếu do giá xăng trong nước giảm 4,72% và giá dầu diezen giảm 5,08%.

Như vậy, so với tháng 12/2023, CPI tháng 5 tăng 1,24% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,44%. Lạm phát cơ bản tháng 5/2024 tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 2,68% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,78% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,03%), chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Trước đó, trong một báo cáo đầu tháng 5, ngân hàng HSBC đánh giá lạm phát dường như đã trở thành một vấn đề sát sườn của kinh tế Việt Nam khi lạm phát của năm so với cùng kỳ lên đến trên 4,4%. Đây là lần đầu tiên trong hơn một năm rưỡi lạm phát tăng đến gần mức trần 4,5% của Ngân hàng Nhà nước.

Cũng giống như những lần trước, yếu tố thúc đẩy chính vẫn là giá dầu cao hơn và lạm phát thực phẩm tăng. Yếu tố giá dầu một lần nữa nhắc chúng ta về mức độ dễ bị ảnh hưởng của Việt Nam đối với những biến động trên thị trường hàng hóa thế giới, trong khi đó, yếu tố liên quan đến lạm phát thực phẩm cho thấy ngay cả với một nước xuất khẩu lương thực như Việt Nam cũng không tránh khỏi ảnh hưởng từ chi phí thực phẩm cao.

Mặc dù vậy, các chuyên gia của HSBC đánh giá ít có khả năng Ngân hàng nhà nước sẽ tăng lãi suất. Theo dự báo của HSCB, lạm phát có thể vượt trần 4,5% trong quý 2/2024 nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn, trước khi có thể giảm xuống dưới 4% so với cùng kỳ năm trước trong quý 3/2024.

Ngoài ra, tăng lãi suất trong khi tăng trưởng tín dụng còn yếu có thể không tốt cho những tăng trưởng kinh tế mới chớm nở, và đây cũng không phải liều thuốc tiên để hỗ trợ cho đồng nội tệ. Vì vậy, HSBC không cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ có động thái.

Tính đến ngày 24/5/2024, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 105,06 điểm, tăng 0,1% so với tháng trước do hoạt động kinh doanh của Mỹ tăng tốc khi chỉ số PMI tổng hợp tháng 5/2024 lên mức 54,4 là mức cao nhất kể từ tháng 4/2022.

Trong nước, nhu cầu ngoại tệ cho hoạt động nhập khẩu của các doanh nghiệp tăng cao, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do dao động quanh mức 25.464 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 5/2024 tăng 1,15% so với tháng trước; tăng 4,21% so với tháng 12/2023; tăng 7,85% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm tháng đầu năm 2024 tăng 5,24%.