![]() |
Tháng 4/2025, chỉ số giá tiêu dùng của nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất. Ảnh minh họa |
Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất
Theo số liệu do Cục Thống kê (Bộ Tài chính) vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2025 tăng 0,07% so với tháng trước; tăng 1,37% so với tháng 12/2024; tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng 0,07% của CPI tháng 4/2025 so với tháng trước có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó chủ yếu giá nhà ở thuê, giá thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình tăng, làm tăng CPI tháng 4; 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 1 nhóm hàng giá ổn định.
Lạm phát cơ bản tăng 3,05%Theo Cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 4/2025 đạt 3,05% so với cùng kỳ và thấp hơn mức tăng CPI chung, cho thấy nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát trong một môi trường toàn cầu diễn biến khó lường. |
Bên cạnh đó, so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 4/2025 tăng 3,12%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá. Cụ thể, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 13,56%, làm CPI chung tăng 0,73 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 21/2024/TT-BYT ngày 17/10/2024 của Bộ Y tế.
Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,73%, tác động làm CPI chung tăng 1,08 điểm phần trăm. Đáng chú ý, nhà ở thuê tăng 7,19% do giá bán bất động sản tăng khiến nhiều người chuyển sang thuê nhà, làm tăng áp lực lên thị trường cho thuê cùng với chi phí đầu tư và vận hành tăng nên nhiều chủ hộ tăng giá thuê để bù đắp chi phí...
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,09% tác động làm CPI chung tăng 1,37 điểm phần trăm. Nhóm giáo dục tăng 2,76%, tác động làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm do một số địa phương điều chỉnh giảm học phí theo Nghị định số 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2023 của Chính phủ.
Áp lực giá nhà, điện, ăn uống vẫn nóng
Bình quân 4 tháng đầu năm 2025, CPI tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Cục Thống kê cũng phân tích các yếu tố làm tăng, giảm CPI trong 4 tháng.
Theo đó, chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,26% do giá nhà ở thuê và giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, làm CPI chung tăng 0,99 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 5,16% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với từ ngày 11/10/2024, EVN điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, tác động làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm.
Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 14,19%, làm CPI chung tăng 0,76 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 21/2024/TT-BYT ngày 17/10/2024 của Bộ Y tế. Chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,57%, tác động làm CPI chung tăng 0,11 điểm phần trăm. Yếu tố làm giảm CPI 4 tháng, gồm: Chỉ số nhóm giao thông giảm 3,55%, góp phần làm CPI chung giảm 0,34 điểm phần trăm và chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,56%, tác động làm CPI chung giảm 0,02 điểm phần trăm.
Như vậy, trong 4 tháng đầu năm 2025, nhóm nhà ở và điện nước là một trong các nhóm có tốc độ tăng giá cao nhất, góp phần định hình kỳ vọng lạm phát và gây sức ép lên chính sách tiền tệ. Vì vậy, trong bối cảnh lạm phát chung đang được kiểm soát, nhưng áp lực từ nhóm chi tiêu thiết yếu lại không hề giảm, điều hành vĩ mô cần theo sát và có biện pháp giám sát đặc biệt đối với nhóm này./.